Trẻ 9-12 tuổi trưởng thành về tư tưởng

Trẻ đã có những quan hệ với đời sống cộng đồng xã hội cũng như với đời sống ở trường. Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu thấy người lớn như những biểu tượng quyền uy và cũng thấy người lớn có mắc sai lầm, trẻ có thể coi thường hoặc đánh giá thấp.

Trẻ không muốn bị người ta quát mắng, trẻ không thích người ta mách cha mẹ, trẻ muốn người ta đừng chỉ trích trẻ nữa.

Trẻ tự tin hơn và muốn có quyền định đoạt một số mặt trong đời sống của mình. Đó là một dấu hiệu tốt của sự trưởng thành về tư tưởng.

Ảnh: Corbis

Lúc này, tình cảm của chúng với cha mẹ không còn như trong các giai đoạn trước nữa. Trẻ không còn bám lấy mẹ, không còn ghen tị với cha. Một bên thì muốn giống cha, một bên thì muốn giống mẹ, chúng cố gắng học tập, tuân theo quy tắc của người lớn. Trẻ biết mình không thể muốn gì được nấy, không thể chiếm đoạt một mình mẹ hay cha và biết được những gì được phép và không được phép. Trẻ trai không xem cha là địch thủ cạnh tranh mẹ của mình mà trái lại luôn tự hào về cha, muốn trở thành một người y hệt cha. Trẻ gái cũng tôn sùng mẹ, muốn trở thành một người như mẹ. Trẻ nào cũng đều mong muốn trở thành người lớn mà mẫu người thần tượng chính là cha mẹ. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp ngược lại là trẻ sẽ cảm thấy “vỡ mộng” về cha mẹ, gia đình, về những điều trong cuộc sống vì không thật sự tốt đẹp như những gì mà trẻ nghĩ.

Đối với anh chị em trong nhà, trẻ thông cảm với anh em trong nhà hơn, bớt gây chuyện vào buổi sáng và trước giờ ngủ nhưng trẻ vẫn thường hay bất hòa. Trẻ thường dễ thuận với anh hay chị lớn tuổi hơn nhưng thường bị các anh chị này coi thường. Tuỳ theo giới tính và vị trí trong gia đình mà trẻ bị ảnh hưởng một cách khác nhau. Một trẻ trai chỉ có các chị gái hoặc bản thân trẻ là con một thì ít có xu hướng thể hiện vai trò của con trai hơn là những trẻ chỉ có anh trai hoặc bản thân là con cả. Trẻ gái nào chỉ có anh trai mà không có chị gái thì có xu hướng xử sự giống con trai hơn trẻ gái chỉ có chị gái hoặc bản thân trẻ là con một. Nếu là anh cả hoặc chị cả, thường đóng “vai trò của cha mẹ” với những đứa em nhỏ, nhất là khi tuổi của chúng cách xa nhau. Nếu là em thì thái độ và ứng xử của anh chị sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến hạnh kiểm và đạo đức của trẻ.

Trẻ càng lớn thì càng gần với các bạn hơn. Việc chọn bạn của trẻ có những nét mới, trẻ chọn bạn không chỉ vì ở gần nhà hay cùng một sở thích. Nhiều khi trẻ chọn bạn ở rất xa và viết thư cho nhau. Lúc này, trẻ thu hẹp dần số bạn lại, chỉ chọn và chơi với một số ít bạn thân thôi. Trẻ coi bạn thân là người mà trẻ tin cậy được, là người mà trẻ thường quan tâm lo lắng, muốn chơi chung và có thể cùng trẻ học tập. Trẻ có thể cảm thấy rất cô đơn khi vắng mặt người bạn thân nhất của trẻ. Trẻ thấy buồn vì không có ai để trò chuyện và trao đổi tâm tình. Trẻ thỉnh thoảng vẫn có cãi nhau với người bạn thân nhưng chúng tìm ra lý do và trở lại làm hoà với nhau. Chính lúc này, khi đối xử với bạn bè, trẻ sẽ học được những khái niệm về xã giao và tiếp khách. Nhưng nếu cha mẹ không ngừng nhồi nhét cho trẻ những quy tắc của phép lịch sự thì có thể trẻ bắt đầu phản ứng lại, chống lại cha mẹ và nghe theo các bạn đồng lứa của trẻ. Ở lứa tuổi này, trẻ hay bắt chước các bạn, trẻ có thái độ phần nào tự do quá trớn so với những quy tắc của xã hội.

Hồi 10 tuổi, các trẻ ít chơi với bạn khác giới nhưng lên 11 tuổi thì trẻ đã có sự thay đổi.
Khi một trẻ trai để ý đến một trẻ gái thì có thể tin chắc rằng trẻ trai biết là trẻ gái đó để ý đến mình. Nhưng trẻ gái thường quan tâm đến trẻ trai khi trẻ trai này không hề quan tâm đến mình. Trẻ gái thường hay nói nhiều về trẻ trai với các bạn gái của mình. Các trẻ rất có ý thức về tính nết của trẻ trai và thường mô tả một cách tỉ mỉ đáng sợ. Trẻ gái có thể tả một trong những người ngưỡng mộ mình mà trẻ cho đây là một trường hợp đặc biệt. Trẻ trai thì không có năng khiếu như vậy nhưng biết rõ cái tài mô tả của các trẻ gái.

Quan hệ của trẻ với thầy cô rắc rối hơn. Các trẻ hay soi mói, lắm chuyện, chỉ trích thầy cô. Nếu có cảm tình thì trẻ rất tận tình với thầy cô, ngược lại thầy cô nên thận trọng tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến trẻ có ác cảm và quản lý trẻ cho tốt. Nên thông cảm với tuổi của trẻ, trẻ không thích được hướng dẫn bằng những nguyên tắc cứng nhắc, những biện pháp ép buộc mặc dù trong thâm tâm trẻ thích thầy cô có thái độ cương quyết với mình. Trẻ cũng không muốn bị coi như trẻ nhỏ. Trẻ thích các giáo viên biết nói đùa và tán chuyện. Nếu quan hệ giữa trẻ và thầy cô tốt, trẻ sẽ chịu ảnh hưởng của thầy cô mà học tốt vì trẻ yêu thích thầy cô thì trẻ sẽ cố gắng trong học tập để làm vui lòng thầy cô.

Theo Monngonmoingay

Leave a Reply

Or