Làm thế nào để biết con đã sẵn sàng đi nhà trẻ? – Phần 1

Bạn thường nghĩ đơn giản rằng trẻ con đến tuổi thì phải đi học, đi nhà trẻ thôi. Nhưng bạn có biết nếu bé chưa sẵn sàng, việc đó có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý bé rất nghiêm trọng? Hãy đọc kỹ và trả lời những câu hỏi sau để biết được liệu con bạn đã có thể rời nhà để đến vườn trẻ chưa nhé!

Nhiều đứa trẻ bắt đầu đi học từ khoảng 2 tuổi, nhưng thế không có nghĩa là con bạn chắc chắn đã sẵn sàng khi bé bước sang lứa tuổi ấy. Sự sẵn sàng này có liên quan nhiều đến việc con bạn đã phát triển đến đâu, bé đã có ý thức về xã hội, xúc cảm, vật chất hay nhận thức rằng mỗi ngày bé cần sẵn sàng tham gia vào một chương trình giáo dục có bài bản với một nhóm trẻ khác hay chưa?

Những câu hỏi giúp bạn nắm được các yếu tố quan trọng cho con sẵn sàng bước vào giai đoạn đi nhà trẻ sau đây được cung cấp bởi Patricia Henderson Shimm – giám đốc trung tâm phát triển trẻ em thuộc trường Đại học Barnard ở New York. Hãy dành thời gian ngẫm nghĩ để trả lời nhé, bạn cũng nên tham khảo thêm ở những người khác có quan hệ gần gũi với con như chồng/vợ bạn, người thân, bác sĩ nhi khoa hay người giữ trẻ…

1. Con bạn có độc lập nhiều không?

Giai đoạn đi nhà trẻ đòi hỏi ở con nhiều kỹ năng cơ bản, bé cũng cần có khả năng tự mình giải quyết các nhu cầu tối thiểu như: rửa tay sau khi vẽ, ăn trưa không cần đút, ngủ một mình, biết tự giới thiệu và trả lời…

2. Con đã có thể sống xa bạn chưa?

Nếu con bạn được chăm nom bởi người giữ trẻ hoặc người thân trong gia đình, bé sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc tạm tách biệt với mẹ để đến vườn trẻ. Những đứa bé đã chấp nhận được việc không phải lúc nào cũng bám vào bố mẹ sẽ dễ hứng khởi đi học, ít tiếng khóc hơn. Nếu con bạn không như vậy, có lẽ bạn cần phải lên kế hoạch tập dần cho bé, bằng cách gửi bé đến nhà người thân, bạn bè trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó tăng dần lên.

Tuy nhiên nếu bạn không thực hiện được kế hoạch này thì cũng đừng lo lắng quá. Bạn có thể giúp con thích nghi ngay ở trường, bằng cách trong những ngày đầu tiên chỉ gửi con khoảng 1-2 tiếng, khi bé quen dần thì tăng thành 1 buổi, rồi cả ngày.

3. Liệu con bạn có thể tự mình thực hiện mọi việc?

Chương trình học ở nhà trẻ, ngoài vui chơi thì còn bao gồm nhiều môn mỹ thuật và thủ công đòi hỏi sự tập trung. Nếu ở nhà, con bạn bé thích vẽ tranh hoặc đã mải mê chơi ghép hình cũng như các hoạt động độc lập khác, có thể bé sẽ dễ dàng thể hiện tốt ở trường.

Còn nếu con luôn phải cần đến sự hỗ trợ trong mọi việc, bạn có thể giúp bé chuẩn bị bằng cách thiết lập những khoảng thời gian vui chơi trong nửa tiếng hoặc lâu hơn, rồi tăng lên dần dần, để bé có thể tự giải trí một mình. Chẳng hạn như tranh thủ lúc rửa chén, bạn có thể khuyến khích con chơi nặn đất sét, khi này bạn không bận tâm can thiệp nhiều vào hoạt động của con, buộc bé phải tập tính tự lập và cố gắng.

4. Con bạn đã sẵn sàng tham gia vào hoạt động tập thể chưa?

Nhiều hoạt động ở nhà trẻ đòi hỏi tất cả thành viên trong lớp phải tham gia cùng một lúc. Những hoạt động tương tác này cho trẻ nhỏ cơ hội để vui chơi và học tập lẫn nhau, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi bé phải biết giữ trật tự, lắng nghe hướng dẫn và làm theo. Điều này có thể khá khó đối với những đứa bé 3 tuổi, vốn vẫn còn là những “nhà thám hiểm” hiếu động và chưa đủ nhận thức để chơi đùa với những đứa trẻ khác.

Nếu con bạn chưa quen với các hoạt động tập thể, bạn có thể giúp bé làm quen bằng cách đưa bé đến các sân chơi cho tiếp xúc với nhiều trẻ đồng trang lứa, đưa con đến thư viện, hoặc đăng ký cho bé tham gia vào các sinh hoạt tập thể ở nhà thiếu nhi…

Leave a Reply

Or