Trẻ 8 tuổi và các số đo trẻ cần đạt được

Trong quá trình phát triển của bé, có sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố: ăn, ở, điều kiện sống, vệ sinh, y tế, tầm vóc và sức khoẻ của cha mẹ, mức kinh tế gia đình, khoảng cách giữa các con, sự cân bằng giữa các sinh hoạt: ngủ, chơi…

Ảnh: Corbis

– Cân nặng: Cân nặng phản ánh tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng. Trung bình cân nặng lúc bé 8 tuổi: nặng khoảng 22,9 – 25,3 kg (với bé trai) và 21,8 – 24,8 kg (với bé gái).

– Chiều cao: Chiều cao là một số đo rất trung thành của hiện tượng sinh trưởng. Trung bình lúc bé 8 tuổi: cao khoảng 121,7 – 127 cm (với bé trai) và 120,6 – 126, 4 cm (với bé gái). Chiều cao của ba mẹ cũng có ảnh hưởng thật sự đến chiều cao của con.

– Sự phát triển của não: Lúc này, trọng lượng của não bằng của người lớn (1300g). Não coi như hoàn chỉnh. Năng lực của não còn phụ thuộc vào cách kích thích và sử dụng qua giáo dục.
Đo vòng đầu cho phép đánh giá khối lượng của não. Vòng đầu được đo: phía trước ngang lông mày, hai bên trên vành tai, phía sau ngang ụ chẩm. Ở lứa tuổi này, vòng đầu bằng người lớn (54 – 55cm).
Khuôn mặt của bé lúc ra đời rất nhỏ so với sọ, sau dài ra dần.
Các đường nối của hộp sọ chưa dính liền nhưng các thóp đã đóng kín.

– Sự phát triển của các phần mềm: Các cơ trẻ em phát triển không đều nhau trong mọi lứa tuổi. Các cơ lớn phát triển trước, các cơ nhỏ phát triển sau. Vì vậy, trẻ em nhỏ chưa làm được những động tác tỉ mỉ cần sử dụng đến ngón tay. Lúc này, bé có thể làm được một số động tác tỉ mỉ.
Khối lượng các bắp thịt phản ánh tình trạng dinh dưỡng. Bé có bắp thịt chắc nịch thường khỏe hơn bé to, bệu.

– Sự phát triển các chi: Chân tay dài ra với thời gian. Độ dài chân tay được phản ánh ở tỷ lệ phần trên / phần dưới. Phần trên: đo từ xương mu trở lên; phần dưới: chiều cao chung trừ phần trên. Tỷ lệ này bằng 1,7 lúc đẻ và giảm dần cho đến lúc trưởng thành.
Tỷ lệ phần trên / phần dưới ở lứa tuổi này là 1,1.

– Sự phát triển của răng: Đếm số răng, có thể ước lượng tuổi của bé. Từ 6 tuổi trở đi răng sữa sẽ rụng dần và được thay bằng răng vĩnh viễn theo thứ tự.
Bé 6 – 7 tuổi sẽ thay 4 răng hàm I và 6 – 8 tuổi thay 4 răng cửa giữa.
Trong thời gian mọc răng, bé có thể sốt nhẹ, rối loạn giấc ngủ, ăn kém…

– Sự phát triển của xương: Xương là chỗ dựa của toàn bộ cơ thể; một số xương làm nhiệm vụ bảo vệ các bộ phận quan trọng như não, tim, phổi…
Hệ xương phối hợp với hệ cơ và thần kinh làm cơ thể vận động được.
Xương thai nhi hầu hết là tổ chức sụn. Quá trình tạo thành xương dần dần phát triển và kết thúc lúc 20 – 25 tuổi. Sự phát triển của các điểm cốt hoá ở các khớp xương cũng có thể tương xứng với tuổi.

Theo Monngonmoingay

Leave a Reply

Or