Những nguyên nhân nào khiến bé lười ăn?

Mỗi bữa ăn của bé có là một cuộc chiến với bạn? Biết chính xác những nguyên nhân khiến con lười ăn có thể giúp bạn dễ dàng tìm cách khắc phục thói quen xấu này của bé hơn. Cùng MarryBaby tìm hiểu những lý do khiến bé lười ăn nhé!

1. Ba mẹ thường là một tấm gương cho con

Có thể bạn không để ý nhưng cách bạn ghét hay không thích một món nào cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của bé. Ví dụ như khi bạn ghét món cà rốt và thường phàn nàn mỗi khi cà rốt xuất hiện trong những bữa ăn, bé cũng sẽ để ý những hành động của bạn. Lâu dần, nó sẽ trở thành “phản xạ” tâm lý của bé mỗi khi nhìn thấy món cà rốt. Hoặc cũng có thể vì bạn không ăn cà rốt nên bé cũng không có cơ hội nếm thử món này khi còn bé và tất nhiên, bé sẽ chẳng thích thú món này chút nào cả. Điều này sẽ hình thành tâm lý “kén chọn” ở bé và trở thành một trong những nguyên nhân khiến bé lười ăn. Vì vậy, dù bạn không thích một món nào đó nhưng vì lợi ích của con, bạn nên cố gắng ăn những món đó đi nhé!

2. Bữa ăn quá “tẻ nhạt”

Một phần vì bận rộn, một phần vì mang sẵn trong đầu tư tưởng trẻ con thì chỉ cần ăn đủ chất là được, không cần cầu kỳ “hoa lá cành” làm gì nên nhiều mẹ chế biến món ăn cho con theo kiểu “công nghiệp”: chỉ biết cho nguyên liệu vào rồi nêm nếm cho vừa miệng là xong. Thật ra, trẻ em thường bị thu hút bởi những món ăn hấp dẫn và nhiều màu sắc hơn hẳn. Những món chế biến đơn giản với những gam màu tối thường làm giảm sự thèm ăn của trẻ, thậm chí nếu tình trạng này lặp lại thường xuyên, bé có thể ghét luôn món ăn đó hoặc có thể bị chứng biếng ăn.

Cách duy nhất là bạn nên thu thập thêm nhiều công thức món ăn và đặc biệt chú trọng đến hương vị, màu sắc món ăn để đảm bảo sự thích thú của trẻ.

luoi an 1
Những món ăn nhiều màu sắc sẽ thu hút sự chú ý của bé hơn

3. Thói quen ăn vặt trước bữa ăn chính

Một số gia đình thường có thói quen cho con ăn bánh quy, snack hoặc kẹo trước giờ cơm. Điều này sẽ khiến bé bị đầy bụng và ăn ít đi trong những bữa chính. Thế là thay vì những món ăn đầy chất dinh dưỡng, trẻ lại có xu hướng “nhét đầy” bụng bởi những món nhiều calo nhưng ít chất dinh dưỡng. Về lâu về dài, việc này sẽ gây ảnh hưởng xấu khả năng kiểm soát trọng lượng của con cũng như sở thích ăn uống của bé.

4. Ba mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng

Bé cần cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn chứ không chỉ đơn thuần là chất đạm. Nhiều gia đình thường chú trọng việc có thịt trong mỗi bữa cơm những lại bỏ qua hoặc “xem thường” các nhóm chất còn lại. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc thường xuyên ăn thịt và bỏ qua tầm quan trọng của rau củ quả có thể khiến bé bị mất cân bằng dinh dưỡng và gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con.

5. Dọa nạt ép bé ăn

Bé lười ăn và mỗi khi cho bé ăn bạn phải dọa nạt bé thậm chí phải dùng cả đòn roi mới ép bé ăn xong một bữa cơm? Điều này thật ra không tốt. Chính những sự dọa nạt của bạn lại khiến bé “sợ” phải ăn. Nó như một vòng luẩn quẩn giữa việc bé sợ ăn rồi bạn la bé và bé lại càng sợ ăn nhiều hơn. Vì vậy, thay vì la mắng và bắt ép con ăn hết cả tô cơm, bạn có thể kể một câu chuyện và khuyến khích bé ăn nhiều hơn. Nếu bé không thích, bạn không nên bát con ăn quá nhiều trong một lần. Bạn có thể cho bé ăn thêm vào bữa phụ, miễn là bé vui thích và có hứng thú khi ăn là được.

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or