Những hoạt động phát triển nhân cách bé

Xây dựng nhân cách tốt cho bé là một việc vô cùng quan trọng. Trẻ con như cây non, nếu ngay từ nhỏ được uốn nắn tạo hình thì khi trưởng thành sẽ trở thành ngọn cây chắc khỏe, cành lá gọn gàng, được người đời tán dương ca ngợi. Đừng nghĩ đến những bài học hay cách dạy đao to búa lớn, vì bạn hoàn toàn có thể xây dựng nhân cách tốt cho con ngay từ những hoạt động nhỏ nhặt hằng ngày.

 

  1. Làm vườn

Làm vườn là một hoạt động ngoài trời thú vị, rèn luyện cho bé nhiều kĩ năng để xây dựng nhân cách tích cực cho bé. Thông qua việc vun trồng từng hạt giống, quan sát chúng nảy mầm và phát triển, bé sẽ học được tính kiên nhẫn, học được về giá trị của sự chờ đợi, rèn được sự bình tĩnh trong cuộc sống. Theo nghiên cứu, những người có đam mê về làm vườn, chăm sóc cỏ cây hoa lá có tính cách ôn hòa và điềm tĩnh hơn khi đối mặt với các biến cố lớn trong cuộc sống.

Những việc như tưới nước, bón phân cho cây, nhìn hạt giống lớn lên từng ngày, ngọn cây đơm hoa khoe sắc, sẽ truyền cho bé tình yêu dành cho thiên nhiên, qua đó bé học được cách thể hiện tình yêu với mọi người: đều đặn nhưng vừa đủ, đúng mực.

Trước tiên, hãy giao cho bé chăm sóc hai chậu cây. Một chậu đang có cây hoặc hoa và chậu còn lại chỉ có đất và hạt giống để bé không “nản” khi ngày ngày nào cũng chỉ thấy màu đen của đất. Bạn nên để bé tự chọn hạt giống yêu thích để có thêm hứng thú trong việc chăm sóc, bạn cũng nên tham gia cùng bé và đừng ngại khuyến khích bé hãy cứ thoải mái làm vườn, đừng ngại bẩn quần áo. Sự thoải mái sẽ đem lại cho bé niềm vui, đó chính là nền móng vững chắc cho việc xây dựng nhân cách tốt đẹp.

  1. Đi chợ cùng mẹ

Mẹ hãy cho bé đi chợ, đi bộ qua từng hàng cá hàng rau, để bé tiếp xúc với sự ồn ào xô bồ, thấy cuộc sống đa dạng, náo nhiệt hơn. Nhất định rằng sau buổi đi chợ, bé sẽ có hàng trăm câu hỏi “tại sao” cho mẹ. Đó chính là dấu hiệu chứng tỏ bé đang nỗ lực học hỏi để phát triển đấy. Bé sẽ được cầm, được sờ và nhận biết nhiều loại thực phẩm, mở mang kiến thức về cuộc sống.

Trong khi đi chợ, bé còn được chứng kiến nhiều thành phần con người, nhiều mảnh đời trong cuộc sống, nhiều kiểu tính cách, thái độ như hung hăng, lừa lọc, thảo mai,….bé sẽ rèn được khả năng quan sát, hình thành lòng trắc ẩn, đồng cảm và biết trân trọng những gì mình đang có. Bé cũng học được tính cẩn thận và đề phòng kẻ xấu giữa phố chợ.

Chợ có thể là một nơi ồn ào xô bồ, dơ bẩn và có nhiều mùi hôi, nhưng bé nhất định sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần từ chợ về nhà. Những bài học tốt nhất đều đến từ trường đời mà, mẹ nhỉ!

  1. Tắm cho thú cưng

Nếu nhà bạn có vật nuôi như chó hay mèo, hãy tập để bé tham gia vào việc tắm cho chúng hoặc cho ăn, dọn chất thải. Tắm cho vật nuôi không chỉ đem lại nhiều niềm vui cho bé. Mà qua đó, bé sẽ hình thành tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống mai sau.

Khi để bé gần gũi với thú nuôi, bé còn phát triển tình yêu động vật, tính cách từ đó mà hòa đồng, bao dung hơn. Nếu không nuôi thú cưng, bạn có thể cùng bé nuôi một bể cá nhỏ hay thường xuyên cho bé đi chơi ở vườn bách thú. Hãy hình thành cho bé tính cách

  1. Dọn rác trong nhà

Hãy sắm cho bé một chiếc xô nhựa nhỏ cầm tay với nhiệm vụ “cao cả” là thu gom rác xung quanh nhà như ly nhựa, mẩu giấy vụn, ống hút…..Cũng hãy cho bé làm những việc đơn giản liên quan đến rác như gói bao rác của từng phòng lại cẩn thận và mang để trước cổng, đúng nơi mà xe lấy rác đi qua.

Việc làm này, tuy đơn giản, nhưng sẽ hình thành cho bé thói quen biết giữ gìn vệ sinh chung, kĩ tính với môi trường sống. Bé cũng rèn luyện được việc tự chịu trách nhiệm với công việc của mình, tự giác đóng góp công việc nhà. Hơn thế, khi bé tiếp xúc thường xuyên với rác, bé sẽ không sợ bẩn, không ngại khó, điều này cốt yếu giúp bé phát triển nhân cách tự tin, tháo vát, dám đương đầu khó khăn mai sau.

  1. Gần gũi với ông bà

Vui với ông bà là một gợi ý gồm nhiều hoạt động, trong đó bố mẹ có thể định hướng bé tập trung vào các việc đơn giản nhưng đem lại ý nghĩa như cùng ông bà xem chương trình ông bà yêu thích, trò chuyện, cùng ăn, cùng chơi trò chơi nhỏ, giúp bà nhặt rau, giúp ông chăm cây cảnh….Việc không cần phải lớn, quan trọng là để bé cảm thấy thoải mái khi ở cạnh người lớn tuổi, tìm được niềm vui bên ông bà cũng như đem đến niềm vui cho các cụ. “Kính lão đắc thọ”, biết thể hiện tình yêu thương, sự kính trọng và hòa hợp với chính những người lớn

tuổi trong gia đình thì khi bé trưởng thành, bước ra xã hội, mới có được đức tính đẹp là biết tôn trọng ý kiến của người lớn tuổi, trân trọng người già. Hãy xây dựng cho bé thói quen sinh hoạt này ngay từ nhỏ, để khi trưởng thành, bạn sẽ nhận ra con mình lễ phép, hiếu nghĩa và quý trọng gia đình rõ rệt.

Theo webtretho

Leave a Reply

Or