Làm gì khi con quá nhút nhát?

Con bạn là một đứa nhóc hiếu kỳ, luôn mồm luôn miệng với mọi người hay là một đứa miệng im như thóc? Bé cảm thấy thích thú hay sợ hãi khi phải ở trong một môi trường xa lạ? Nếu con bạn nằm trong trường hợp thứ hai, có thể những cách sau đây sẽ giúp bé vượt qua được sự nhút nhát của mình, bạn nên xem qua một chút nhé!

Khi có khách đến nhà chơi, các bé nhút nhát sẽ có khuynh hướng lẩn tránh hơn là ra chào khách. Thật ra đối với những bé nhỏ, nhút nhát là điều hết sức bình thường, không có gì là nghiêm trọng cả. Ngay cả thiên tài Albert Einstein cũng đã từng là một đứa trẻ sống nội tâm và không nói lời nào cho đến khi ông lên 4 tuổi.

Khi tiếp xúc với một môi trường mới hoặc thậm chí là khi gặp những người thân quen, con của bạn có thể hơi e ngại, rụt rè một chút. Nhút nhát là tính cách của bé và điều này không có nghĩa là bé gặp vấn đề gì bất thường. Do đó, bạn không nên thúc ép bé giao tiếp nếu bé không thích vì một khi bạn làm không khéo, nó sẽ phản tác dụng và làm cho bé ngày càng nhút nhát hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn có cách làm cho bé cảm thấy thoải mái với những tình huống thường ngày, bé có thể từ từ vượt qua sự nhút nhát của mình đấy!

Giúp bé chuẩn bị tinh thần cho các tình huống xã hội

Trước khi đến dự một bữa tiệc sinh nhật hoặc một tình huống xã hội nào đó, bạn có thể nói chuyện với bé về sự kiện sắp xảy ra, nói cho bé biết có những ai tham gia và có những điều thú vị gì… để giúp bé giảm bớt sự lo lắng. Càng cảm thấy thoải mái, bé sẽ càng dễ dàng vượt qua sự nhút nhát của mình và chủ động nói chuyện với mọi người có mặt trong sự kiện. Việc ra lệnh hay yêu cầu bé làm những việc mà bé chưa thực sự sẵn sàng sẽ chỉ làm cho bé thêm sợ hãi. Để bé cảm thấy thoải mái và thể hiện tính cách riêng của mình một cách tự nhiên nhất, mẹ nhé!

Tôn trọng nhu cầu được ở sát bên bạn của bé

Bạn có biết mình là nơi trú ẩn an toàn của con trong mọi tình huống xã hội đáng sợ không? Đó là lý do tại sao bé lúc nào cũng muốn bám sát vào bạn. Một khi bé cảm thấy thực sự an toàn, bé sẽ có đủ dũng khí để giao tiếp với mọi người.

Nếu bé muốn được nắm tay hay ngồi trong lòng, bạn có thể chiều ý bé một chút. Bạn cũng có thể cùng bé khám phá các hoạt động với nhau như cùng một đội. Tại các buổi tiệc sinh nhật, bạn có thể cùng bé tham gia các trò chơi với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, bạn không nên làm “đại diện phát ngôn” cho bé khi bé không nói chuyện với các bạn khác mà nên động viên bé diễn đạt suy nghĩ của mình.

con qua nhut nhat 1
Đừng ép bé khi bé chưa thật sự sẵn sàng.

Khuyến khích bé tham gia các hoạt động mang tính tương tác

Khi bé tham gia vào các hoạt động mang tính tương tác cao như bóng đá, mèo đuổi chuột … sẽ khuyến khích bé tương tác với đồng đội của mình, tình bạn thêm khăng khít và bé sẽ bắt đầu muốn nói chuyện nhiều hơn. Mặt khác, khi bé tương tác với nhiều người sẽ làm bé ít căng thẳng hơn khi tham gia hoạt động tương tác một-một, như bơi lội và thể dục dụng cụ . Nếu bé của bạn có khả năng sáng tạo, bạn có thể khuyến khích bé tự thể hiện mình thông qua các môn nghệ thuật, sân khấu, ca hát hoặc khiêu vũ vì nó sẽ cho bé cơ hội để kết giao với những bạn sáng tạo khác và bước ra khỏi vỏ bọc của mình.

Khi nào bạn sẽ cần đến sự trợ giúp chuyên nghiệp

Nếu như sự nhút nhát của bé vượt quá tầm kiểm soát của bạn và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bé: bé không muốn chơi với các trẻ khác, ngay cả những người trong gia đình bé cũng không muốn nói chuyện, bé cô lập bản thân trong một thời gian dài hoặc cảm thấy cực kỳ sợ hãi khi có nhiều người xung quanh…thì đây chính là lúc bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Tham khảo ý kiến bác sỹ tâm lý trẻ em hoặc bác sĩ nhi khoa để kiểm tra và tìm hiểu phương pháp điều trị phù hợp cho bé.

Theeo MarryBaby

Leave a Reply

Or