Những điều mẹ cần biết khi tiêm ngừa cho bé năm 2015

Ngày nay, tiêm ngừa được xem là phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả cho trẻ em với một số bệnh phổ biến. Vì thế mẹ cần đưa bé đi tiêm ngừa theo đúng thời điểm thích hợp để bé có được kháng thể phòng bệnh tốt nhất, đồng thời mẹ cũng cần lưu ý những điều như sau.

Tiêm ngừa được xem là phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả cho trẻ em. Ảnh minh họa: Internet

1. Những việc chuẩn bị trước khi cho bé tiêm

Mẹ cần mặc quần áo đơn giản cho bé, điều này giúp bác sĩ dễ dàng thao tác khi khám và tiêm ngừa.

Mẹ nên cho bé ăn hoặc bú vừa phải trước giờ tiêm, không để bé quá no vì rất dễ ọc/ói nhưng không để bé quá đói sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết.

Mẹ nên vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ để tránh bị nhiễm trùng.

Mẹ cần kiểm tra lại hồ sơ sức khỏe của bé trước khi đến chỗ tiêm (quan trọng nhất là sổ có ghi lịch tiêm ngừa trước đó).

Mẹ cần thông báo cho bác sĩ, y tá về tình trạng bệnh cấp của bé (nếu có) trước khi tiêm ngừa.

2. Mẹ cần biết về lịch tiêm ngừa và nguyên tắc tiêm ngừa.

Chương trình tiêm chủng quốc gia mẹ cần đưa bé tiêm đúng lịch để việc phòng ngừa bệnh cho bé đạt hiệu quả tốt nhất (trừ những trường hợp hoãn tiêm).

Tất cả vaccine tiêm cho bé đều phải được tiêm đúng thời gian quy định của Bộ Y tế và nhà sản xuất. Nếu bé có hoãn tiêm sau đó tiêm ngừa lại thì không cần phải bắt đầu lại mà vẫn tiếp tục tiêm theo lịch tiếp theo.

(Mẹ tham khảo lịch tiêm chủng mới nhất cho bé tại đây – Lịch tiêm chủng quốc gia mới nhất cho trẻ sơ sinh.)

Nguyên tắc tiêm ngừa là 2 vaccine sống không tiêm quá gần nhau (lao, sởi, thủy đậu … ), ngoài ra không chống chỉ định các loại vaccine tiêm cùng lúc với nhau.

Tuy nhiên, việc tiêm hơn 1 mũi vaccine trong 1 lần ngoài tăng đau đớn cho bé thì khi phản ứng sau tiêm xảy ra khó xác định do tiêm loại nào. Vì thế, tốt nhất nên tiêm 1 loại vaccine/lần. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt: nhà xa, ghép tạng… có thể được chỉ định tiêm từ 2 loại vaccine trở lên.

3. Những thời điểm không nên cho bé tiêm ngừa

Khi sức khỏe bé không tốt mẹ không nên cho bé tiêm ngừa

– Bé đang bệnh, đặc biệt là đang sốt.

– Bé có dấu hiệu bị dị ứng.

– Bé có biểu hiện kích động, có vấn đề về não, thần kinh.

– Bé đang trong tình trạng suy giảm miễn dịch mắc phải (nhiễm HIV) hoặc có bệnh bẩm sinh (tạm thời bé đang uống thuốc ức chế miễn dịch: gamma globulin, corticoid… trong vòng 3 tháng).

– Bé có phản ứng không tốt ở lần tiêm trước với loại vaccine đó.

Khi bé có truyền máu trong vòng 1 năm thì không nên tiêm ngừa.

Khi bé vừa tiêm vaccine trong vòng 4 tuần thì không nên tiêm ngừa.

Lưu ý: Để xác định các trường hợp không nên tiêm ngừa này, mẹ cần đưa bé đi khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định nhé.

4. Những phản ứng sau khi tiêm và cách chăm sóc bé

Bé sau khi tiêm ngừa thường gặp những phản ứng như sau:

– Sốt, thường kéo dài 2 ngày, hơi quấy, biếng ăn tạm thời.

– Phản ứng tại chỗ tiêm: đau, sưng đỏ.

– Phản ứng đặc biệt với từng loại vaccine: BCG (vết loét tại chỗ tiêm sau 6 – 8 tuần, nổi hạch nách cùng bên tiêm), sởi (nổi lát đát ban hồng rải rác sau 1 – 3 ngày tiêm) …

Mẹ cần biết cách chăm sóc bé sau tiêm ngừa như sau:

– Chườm mát nơi tiêm.

– Cho bé uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn với bé sơ sinh.

– Mặc đồ thông thoáng cho bé.

– Cho bé uống thuốc hạ sốt khi cần thiết (sốt cao trên 38,5 độ, bé quấy khóc, mỗi cử thuốc cách nhau 4 – 6 giờ)

– Đưa bé quay lại cơ sở y tế ngay khi nhận thấy bất thường ở bé.

 Theo ebe

Leave a Reply

Or