Người lớn nên dạy kiến thức giới tính cho trẻ thế nào?

Theo từng độ tuổi, phụ huynh có thể dạy cho trẻ kiến thức cần thiết về giáo dục giới tính để giúp con tự bảo vệ mình.

Câu chuyện về giáo dục giới tính luôn là đề tài mang lại rất nhiều trăn trở cho các phụ huynh trong giai đoạn hiện nay. Việc nên bắt đầu giải thích với trẻ khi nào, cách nói thế nào không phản tác dụng… khiến nhiều người khó xử.

Giáo dục giới tính cho trẻ là điều cần thiết nhằm cung cấp thông tin phù hợp trước khi trẻ có thể tự tìm hiểu trên mạng hoặc qua các kênh thông tin khác kém chất lượng.

Dựa trên cột mốc phát triển giới tính trẻ em, dưới đây là hướng dẫn phụ huynh có thể tham khảo nhằm bảo vệ và đồng hành cùng trẻ một cách vui khỏe và an toàn.

Trẻ dưới 2 tuổi

Mục tiêu của giai đoạn này là giúp trẻ cảm thấy thoải mái và không xấu hổ với tất cả bộ phận trên cơ thể mình. Phụ huynh hãy giúp trẻ nhận biết tên gọi (hoặc từ lóng) và chức năng của các bộ phận trên cơ thể.

Nếu trẻ không thích mặc quần áo hoặc có thói quen đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm, việc cần làm là đặt giới hạn thời điểm, địa điểm có thể và không thể làm hành động này. Ngoài ra, phụ huynh cần giúp trẻ phân biệt sự khác nhau về giới tính.

day kien thuc gioi tinh cho tre anh 1
Cha mẹ hãy dạy kiến thức giới tính phù hợp theo từng độ tuổi của con. Ảnh: Pinterest.

Trẻ từ 2-5 tuổi

Trong giai đoạn này, trẻ cần biết tên gọi chính xác của các bộ phận trên cơ thể. Việc phân biệt giới tính được đặt lên mức độ mới. Trẻ cần được giải thích rằng bạn trai và bạn gái tuy khác nhau những sẽ có những điểm giống nhau.

Bên cạnh đó, ngoài những chức năng cơ bản, hãy giúp trẻ thấu hiểu và lắng nghe cơ thể, tôn trọng sự khác biệt.

Khái niệm về sự riêng tư đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này. Trẻ cần nhận thức được bản thân có những bộ phận riêng tư mà mọi người không thể nhìn thấy. Đây là bước đầu giúp trẻ học cách bảo vệ bản thân cũng như tôn trọng sự riêng tư của người khác.

Trẻ sẽ bắt đầu tò mò về việc “con được sinh ra từ đâu?”. Để giải đáp thắc mắc này, cha mẹ có thể trả lời một cách đơn giản, không cần thiết đề cập chi tiết. Ví dụ: Để một em bé chào đời thì nhất định cần có sự góp sức của ba (tế bào/tinh trùng) và mẹ (tế bào/trứng) để tạo ra “hạt mầm” là con. “Hạt mầm” sẽ dần lớn lên trong tử cung/bụng của mẹ. Cha mẹ rất vui vì có con và rất muốn gặp con.

Khi “hạt mầm” đủ lớn và muốn ra ngoài để gặp cha mẹ (khoảng 9 tháng 10 ngày), mẹ sẽ cần sự hỗ trợ của các bác sĩ. Khi đó con được ra đời”.

Để hỗ trợ cho trẻ trong độ tuổi này, phụ huynh cần kiên nhẫn và thẳng thắn trong việc giải thích với con. Từ đó, trẻ có thể hiểu cha mẹ là nguồn hỗ trợ đáng tin cậy và dễ dàng “gửi gắm” tâm tư của mình.

Cha mẹ có thể tham khảo một số sách, truyện giới tính để giải đáp cho trẻ các thông tin cần thiết một cách sinh động.

day kien thuc gioi tinh cho tre anh 2
Không biết về những điều nên và không nên, trẻ có thể bị xâm hại hoặc làm hại chính mình. Ảnh: Times of India.

Trẻ từ 5-8 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ tiếp thu mọi điều từ ba mẹ. Vì thế, đây là cơ hội vàng để phụ huynh thiết lập mối quan hệ tin tưởng với trẻ, đặc biệt trong việc giáo dục giới tính.

Ngoài việc giải thích một cách chi tiết hơn, phụ huynh hãy hỏi ý kiến của trẻ để kiểm tra điều con đã biết và tìm hiểu điều bé muốn biết. Cha mẹ có thể tận dụng các nguồn tư liệu gần gũi xung quanh như phụ nữ mang thai, cảnh hôn trên truyền hình…, để giáo dục về giới tính cho con.

Bên cạnh đó, ở thời điểm này, trẻ cần hiểu các kỹ năng về chăm sóc cơ thể và học cách từ chối cũng như bảo vệ bản thân. Việc phát triển những khái niệm đầu tiên về dậy thì, gia đình, bạn bè, tình yêu giúp trẻ hiểu cơ thể và các mối quan hệ xung quanh.

Một số câu hỏi về hành vi tính dục của trẻ cũng cần được phụ huynh giải thích. Điều này giúp bé nhận thức rõ giới hạn đâu là những hoạt động chỉ dành cho người lớn.

Nếu trẻ vô tình thấy hình ảnh nhạy cảm trên Internet hoặc những nơi khác, trẻ cần nói với cha mẹ và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.

Trẻ khoảng từ 9-12 tuổi

Ở giai đoạn này, việc nhận thức về thời kỳ dậy thì cần được trang bị một cách chi tiết hơn, đặc biệt về mối liên hệ giữa chúng đến quá trình mang thai.

Bé gái cần chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên và bé trai cần hiểu về xuất tinh. Quan trọng hơn hết, trẻ cần học cách phòng tránh việc mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ở thời điểm này, trẻ sẽ tò mò về những hành vi tình dục. Chính vì thế, phụ huynh cần hỗ trợ trẻ cách sử dụng các thiết bị điện tử một cách an toàn.

Bạn hãy trao đổi với con quan điểm của cha mẹ, gia đình về khái niệm một mối quan hệ tôn trọng và gắn bó. Đây là thời điểm quan trọng giúp trẻ hiểu giá trị và niềm tin của cha mẹ về những chủ đề liên quan tình cảm.

Phụ huynh cần đa dạng trong cách giáo dục, tạo điều kiện, giúp trẻ phát triển kỹ năng tự quyết định, giao tiếp và đàm phán.

Quan điểm về việc giáo dục giới tính cho trẻ đã thay đổi rất nhiều trong những năm nay. Bởi lợi ích của việc giáo dục giới tính không mang tính “vẽ đường cho hươu chạy”. Ngược lại, kiến thức này sẽ giúp bé nhận thức rõ và đưa ra những quyết định tốt hơn nhờ sự hướng dẫn chi tiết từ phụ huynh.

Việc xây dựng các cuộc trò chuyện nhỏ, thường xuyên, lặp đi lặp lại với con cái góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh cho trẻ trong tương lai.

Theo Zingnews

Leave a Reply

Or