Công thức tự tính cân nặng thai nhi theo chuẩn bác sĩ

Trong 9 tháng mang thai, cân nặng thai nhi có lẽ là vấn đề được các mẹ quan tâm hàng đầu, bởi thông qua đó có thể đánh giá tình trạng phát triển của bé. Cân nặng của bé trong bụng mẹ sẽ thay đổi theo từng tuần thai, tuổi thai càng cao thì cân nặng càng tăng lên nhiều hơn.

Cân nặng của bé được chú trọng hơn cả từ khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Việc biết được cân nặng của thai nhi là vô cùng quan trọng, giúp mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống sao cho bé phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, một thắc mắc của hầu hết các mẹ là có thể tự tính được cân nặng của con không, hay phải chờ vào những lần đi siêu âm?

Câu trả lời cho mẹ là hoàn toàn có thể tự tính được cân nặng của con yêu trong bụng bằng những công thức đơn giản dưới đây.

cong-thuc-tu-tinh-can-nang-thai-nhi-theo-chuan-bac-si-1

Mẹ có thể tự tính cân nặng của con bằng những công thức đơn giản (Ảnh minh họa: Internet)

Cách 1: Ước lượng qua chu vi bụng

Cách đơn giản nhất mà mẹ dễ dàng kiểm tra được cân nặng của thai nhi là sờ nắn bụng để đo chiều cao tử cung và chu vi bụng.

Công thức như sau: Trọng lượng thai nhi (g) = ((chiều cao tử cung (cm) + chu vi bụng (cm)) x 100)/4.

Chiều cao tử cung được tính từ bên bờ trên mu đến đáy tử cung. Vòng bụng đo ở chỗ phình nhất, thường là qua rốn. Tuy nhiên công thức này chỉ cho mẹ một con số ước lượng. Sai số có thể khá lớn vì còn tùy thuộc mẹ bầu béo hay gầy, nước ối nhiều hay ít.

Cách 2: Tính theo chỉ số siêu âm

Siêu âm thai là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất hiện nay vì độ chính xác cao, an toàn và rất nhanh chóng. Trong siêu âm sản khoa có rất nhiều công thức để tính trọng lượng thai nhi, tuy nhiên trước khi tự tính toán cân nặng của bé, mẹ cần hiểu rõ về các ký hiệu và thông số trên kết quả siêu âm:

BPD – Đường kính lưỡng đỉnh

AC – Chu vi bụng

FL – Chiều dài xương đùi

HC – Chu vi vòng đầu

TAD – Đường kính ngang bụng

Dưới đây là một số cách tính tiêu biểu:

+ Dựa số đo đường kính lưỡng đỉnh (BPD) tính trọng lượng thai nhi theo công thức:

Trọng lượng (gam) = [BPD (mm) – 60] x 100

Ví dụ: đường kính lưỡng đỉnh 90mm thì thai nhi cân nặng (90 – 60) x 100 = 3kg

Hoặc theo công thức sau:

Trọng lượng (gam) = 88,69 x BPD (mm) – 5062

Ví dụ: BPD = 90mm, thai nhi cân nặng: 88,69 x 90 – 5062 = 2920g

+ Dựa theo đường kính ngang bụng (TAD) tính trọng lượng thai nhi theo công thức:

Trọng lượng (gam) = 7971 x TAD (mm)/100 – 4995

Ví dụ: TAD = 100mm, thai nhi cân nặng: 7971 – 4995 = 2976g

+ Dựa cả 3 số đo (mm) lưỡng đỉnh (BPD), đường kính ngang bụng (TAD), chiều dài xương đùi (FL):

Tính theo công thức:

Trọng lượng (gam) = 13,54 x BPD + 42,32 x TAD + 30,53 x FL – 4213,37

Có thể nói phương pháp tính cân nặng thai nhi qua số đo siêu âm là chính xác nhất, tuy nhiên nó không mang tính tuyệt đối, và mẹ đừng ngạc nhiên nếu chỉ số đo trước đó con được 3,2kg mà khi chào đời lại chỉ nặng có 3kg.

Mẹ cũng cần biết thêm rằng ở những tháng cuối thai kỳ, trọng lượng thai nhi tăng chủ yếu là sự tích tụ glycogen gan và chất béo, phản ảnh cụ thể trong việc tăng chu vi bụng. Như vậy, chu vi bụng của thai nhi liên quan mật thiết đến cân nặng của trẻ. Công thức tính trọng lượng thai nhi trên thế giới có rất nhiều nhưng hầu hết đều do các nhà khoa học phương Tây nghĩ ra. Chính vì vậy khi đo trên các em bé châu Á cũng sẽ tạo những điểm khác biệt, sai số từ 10% – 15%. Càng gần cuối thai kỳ các số đo này sẽ càng chính xác hơn, thường từ tuần 34 trở đi.

Mẹ cũng không nên chỉ chăm chăm dựa vào cân nặng thai nhi để phán xét tình hình sức khỏe, sự phát triển của bé mà phải khám thai thường xuyên, đối chiếu với kết quả khám của bác sĩ chuyên khoa để có kết quả toàn diện nhất. Ngoài ra, một điều mẹ bầu luôn luôn phải nhớ đó là có chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất và có lối sống khoa học, tích cực.

Theo ebe

Leave a Reply

Or