Cách tránh sai lầm khi dạy con

Trong nhiều trường hợp, các bé có thể khiến ba mẹ hoàn toàn mất kiểm soát. Tình trạng này xảy ra nhiều hơn khi ba mẹ mắc sai lầm trong cách dạy con như không tuân thủ nguyên tắc hay chỉ chú ý đến các mặt tiêu cực… Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp bạn cải thiện tình hình

Không rời xa nguyên tắc

Một khi bạn đã đặt ra nguyên tắc như bé lớn không xưng hô “mày, tao” với bé nhỏ, không đi giày khi đã bước vào nhà… thì cần nhắc bé làm theo. Nếu bạn quá lơi lỏng, bé sẽ không hiểu tại sao có lúc bạn cho phép, đến lúc khác thì lại không cho phép những hành động này.

Vì vậy, đối với các nội quy trong nhà, thời khóa biểu ăn, ngủ, học tập, bạn cần thực hiện chặt chẽ để tạo ra một thói quen tốt cho bé và cả gia đình. Nếu bạn thấy bé đã duy trì tốt các thói quen của mình thì có thể nới lỏng quy tắc, nhưng nhớ là thỉnh thoảng thôi nhé, bằng không bạn sẽ phải mất thời gian tập lại thói quen từ đầu cho con.

Có cái nhìn bao quát

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ba mẹ có khuynh hướng tập trung theo dõi những việc họ không muốn con mình làm. Vì vậy, cá tính nghịch ngợm của bé có thể khiến ba mẹ cảm thấy những khía cạnh tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Một lần làm vỡ chồng chén đĩa, la khóc om sòm sẽ dễ bị ghi nhớ hơn là lời chào ngoan ngoãn hay thói quen đi ngủ đúng giờ của bé.

Để khắc phục lối nhìn nhận này, ba mẹ nên chú ý hơn đến những hành động tích cực của bé và ghi nhận những hành động đó. Cách thức rất đơn giản, chỉ là một lời khen ngắn gọn như: “Mẹ thích sự thân thiện của con khi chơi với các bạn đấy”.

day-con-can-tranh-nhung-sai-lam-460x345

Quan tâm đến trạng thái của bé

Nếu bạn đang cố phân tích hơn thiệt với một đứa trẻ giận dữ hoặc đang đói và mệt thì nên dừng lại. Bé sẽ không tập trung vào những gì bạn nói. Đừng bỏ qua những “cảnh báo” như bé đang chán, đói hoặc mệt mỏi. Nên để cho bé vui vẻ, khỏe mạnh và có tâm thế thật thoải mái khi nghe bạn nói chuyện.

Không nuông chiều những đòi hỏi vô cớ

Những lời mè nheo của trẻ nhỏ đôi khi khiến bạn thấy bực bội. Quả là khó chịu khi bạn thì đang bận bịu chuẩn bị bữa tối, còn bé thì khóc toáng lên và đòi đi công viên. Nếu bạn nhượng bộ thì ngay lập tức, điều này sẽ càng khuyến khích bé nhõng nhẽo nhiều hơn. Bé đã đủ lớn để biết cách đưa ra đòi hỏi và nắm được điểm yếu của ba mẹ. Đối với sự mè nheo này, tốt hơn hết là bạn không đáp ứng.

Điều chỉnh thời khóa biểu của bé

Bạn cứ hết đưa bé đến lớp học nhạc rồi lại học vẽ, học nhảy… và rồi tự hỏi vì sao con thường mất ngủ hoặc thức quá khuya. Sự thực là, bé cần thời gian để “hạ nhiệt” sau những hoạt động sôi nổi đó, dù đã thấm mệt nhưng bé không dễ dàng đi vào giấc ngủ như bạn nghĩ đâu.

Đừng để bé bị quá tải mà hãy dành cho bé một khoảng thời gian để vui chơi thư giãn sau những giờ học tại trường.

Khuyến khích bé vui chơi

Những điều quý giá nhất đối với lứa tuổi này chính là vui chơi tự do. Đó là cách tốt nhất để thúc đẩy bộ não phát triển. Ngay cả những việc nhà như quét nhà, dọn bàn cũng chỉ là trò chơi với bé. Bé sẽ làm tốt khi nào mình thực sự vui và muốn làm.

Dành thời gian riêng cho con

Một khi bạn đã lên lịch để chơi cùng bé, đừng để những cuộc điện thoại, cái hẹn bất ngờ hay email, tin nhắn Facebook… cắt ngang. Đó là khoảng thời gian chỉ dành cho ba mẹ và bé mà thôi. Bé luôn biết khi nào mình được quan tâm thực sự, khi nào không. Chỉ một nửa giờ thực sự tập trung, nhiệt tình và vui nhộn cùng con còn quý giá hơn bỏ ra cả ngày mà đầu óc bạn lại đang bay bổng ở đâu đó xa lắc.

Phản ứng khéo léo khi con nói dối

Ba mẹ cần xem xét hiện tượng nói dối ở khía cạnh trải nghiệm và cảm xúc. Khi nói dối, bé sẽ có một chút sợ hãi, một chút phấn khích và bé vẫn biết rằng hành động đó sai trái. Nếu bạn tỏ ra quá sức giận dữ và chỉ chăm chăm vào những nguyên tắc đạo đức, bé sẽ cảm thấy mình phạm một lỗi quá nặng nề và trở nên hoảng hốt. Chỉ cần nói với bé rằng, “ba mẹ thấy rằng việc làm đó không tốt, và chắc con cũng vậy phải không nào”. Kiên nhẫn và bao dung là hai đức tính quan trọng mà bạn cần khi muốn cải thiện tật nói dối của bé.

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or