Cách chọn tên đệm khi đặt tên cho con

Chọn tên đệm hợp lý không chỉ khiến cho tên của bé trở nên ý nghĩa mà còn có vần điệu và hợp thẩm mỹ. Giữa muôn vàn từ ngữ tiếng Việt, làm thế nào để chọn được cho bé yêu của bạn một tên đệm ý nghĩa? Một vài mẹo nhỏ dưới đây sẽ rất hữu ích cho bạn đấy!

Cấu trúc tên tiếng Việt thường là Họ + Tên đệm + Tên chính. Tên đệm, hay còn gọi là chữ lót là một phần không thể tách rời của một cái tên và có thể có ý nghĩa bổ sung hoặc độc lập với tên chính. Để có một cái tên hay cho bé, bố mẹ sẽ cần quan tâm đến cả tên chính lẫn phần chữ lót. Chữ lót thường gồm từ 1 đến 2 từ. Trong một số trường hợp cá biệt, chữ lót có thể là 4-5 từ.

Tên đệm khi đặt tên cho con

Tên đệm được đặt giữa họ và tên chính để tạo ra một cái tên ý nghĩa, đẹp và độc đáo

Tên đệm giúp phân biệt giới tính

Đây là kiểu tên đệm phổ biến nhất và cổ điển nhất. Bạn đã quá quen thuộc với chữ “Thị” cho tên con gái và “Văn” cho tên con trai. Về chữ “Văn” trong tên con trai, nhiều h]ọc giả giải thích rằng đó là vì con trai thời xưa phải lo chuyện đèn sách, văn chương để thi cử, tiến thân trên quan trường. Chữ “Thị” lại có nhiều cách giải thích khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu giải thích rằng “Thị” đầu tiên là từ chỉ họ. Vì các cô gái ngày xưa không được gọi bằng tên riêng, thậm chí không được đặt tên mà chỉ dùng chữ “Thị” sau họ cha để gọi. Có người lại cho rằng đó là từ để chỉ phụ nữ nói chung, người khác lại cho rằng “Thị” là từ có ý miệt thị, coi thường phụ nữ. Dù với ý nghĩa nào đi nữa, cách đặt tên theo truyền thống này đã không còn thông dụng vì người ta nhận thấy rằng có nhiều cách đặt tên cho con hay và ý nghĩa, đồng thời vẫn phân biệt được giới tính mà không cần dùng đến hai chữ này. Chẳng hạn, những tên đệm như Quỳnh, Thu, Mai thường dùng cho con gái, trong khi những từ có hàm nghĩa mạnh mẽ như Tuấn, Mạnh, Vỹ, Công thường dùng cho con trai.

Tên đệm để ghi nhớ về mẹ

Dạng đệm họ mẹ vào giữa họ cha và tên chính của bé rất phổ biến. Một lựa chọn khác là thêm tên của mẹ vào trước tên bé. Đó là cách đặt tên rất ý nghĩa, giúp bé không quên nguồn gốc của mình, đồng thời biết trân trọng và yêu thương mẹ. Đối với cách chọn tên đệm này, hai họ của bố và mẹ thường là hai từ có dấu bằng trắc khác nhau, khi đọc lên sẽ tạo thành âm điệu lên xuống nhịp nhàng, ví dụ Hoàng – Nguyễn, Đặng – Đỗ, Đinh – Hà…

Tên đệm bổ sung ý nghĩa cho tên chính

Đây cũng là một cách đặt tên thường gặp. Phần chữ lót sẽ kết hợp cùng cái tên chính để tạo thành một ý nghĩa rộng hơn. Sở dĩ có điều này là do từ ngữ tiếng Việt là từ đơn âm, một âm có thể tương ứng với 1 từ có nghĩa, hoặc cần ghép nhiều âm lại để tạo thành 1 từ có nghĩa. Những tên có chữ lót kết hợp cùng tên chính có thể kể đến là Trâm Anh, Châu Ngọc, Ngọc Trai, Hùng Dũng, Phú Quý, Quang Vinh… Trong những tên gọi này ta có thể thấy rằng, hai chữ đi cùng nhau mới tạo nên một từ có ý nghĩa trọn vẹn. Cũng có trường hợp, tên đệm và tên chính đều là từ có nghĩa nhưng khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành một từ mới, chẳng hạn “Kim” là vàng và “Chi” là nhánh cây, tạo thành tên “Kim Chi” có nghĩa là cành vàng. Tương tự, tên “Ngọc Điệp” có nghĩa là lá ngọc.

Tên đệm chỉ thứ bậc dòng họ

Theo truyền thống, con cháu của những anh em trong cùng gia đình sẽ sử dụng tên đệm để phân biệt. Thứ bậc sẽ giảm dần theo thứ tự Bá, Mạnh, Trọng, Thúc, Quý. Cụ thể, con của anh cả sẽ mang tên đệm là Bá, con của người thứ hai sẽ mang tên đệm là Mạnh, lần lượt cho đến Quý. Nếu là con cháu của cùng một người thì đời thứ nhất sẽ có tên đệm là Bá, đời thứ hai có tên đệm là Mạnh… Thời xưa, tên đệm chỉ áp dụng cho con trai, nhưng hiện nay tên đệm dạng này cũng áp dụng cho cả con gái.

Tên đệm mang tính thẩm mỹ

Thông thường, việc sử dụng tên đệm để tạo ra một cái tên đẹp, lạ là điều đa số các bậc cha mẹ hướng đến. Những từ được chọn thường mang ý nghĩa chỉ sự quý hiếm, vẻ đẹp, gửi gắm hy vọng vào tương lai.

Gợi ý tên đệm hay cho bé

Dưới đây là một số gợi ý về tên đệm và ý nghĩa của từ Hán Việt tương ứng. Lưu ý, nhiều từ Hán Việt đồng âm nhưng lại có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau:

Ái: Được yêu thích, sủng ái

An: Bình an, yên ổn

Anh: Thông minh, sáng sủa

Bảo: Quý báu, hiếm có

Công: Cân bằng, không che giấu, người có địa vị

Đức: Lương thiện, đạo đức

Đình: Dong dỏng cao như ngọc đẹp, ngụ ý dáng người đẹp; Đều đặn, vừa phải

Duy: Chỉ riêng mình, duy nhất

Gia: Hưng vượng, thuộc về gia đình, Tăng lên, gia tăng

Hải: Biển cả bao la

Hiếu: Tốt lành, hay, giỏi, hiếu thảo

Hoài: Nhớ nhung

Hoàng: Màu vàng, Lấp lánh, sáng rõ, có dòng dõi hoàng gia

Huy: Hay, tốt, khiếm tốn, nhún nhường

Khải: Thắng lợi, vui hòa

Khánh: Việc vui mừng, phúc đức

Lan: Hoa lan

Mai: Hoa mai

Mạnh: Anh cả, Tháng đầu trong mỗi quý, Khởi đầu

Minh: Ánh sáng rạng ngời, sáng suốt, hiểu biết

Ngọc: Bảo vật quý giá

Nhật: Mặt trời

Như: Theo đúng mong đợi

Quỳnh: Hoa quỳnh

Thảo: Cây cỏ, thảo mộc

Thanh: Tiếng tăm, trong sạch

Thành: Bức tường lớn, đô thị lớn

Thiện: Tài giỏi, hiền lành

Thu: Mùa thu

Thủy: Làn nước

Trâm: Đồ cài tóc

Tuấn: Tài giỏi xuất chúng

Vân: Áng mây

Vi: Vây quanh, bao quanh, túi thơm, nhỏ bé

Vỹ (Vĩ): Cao to, vĩ đại, trác việt

Xuân: Mùa xuân

Yên: An ổn

Yến: Chim yến

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or