3 tháng đầu thai kỳ quyết định sức khỏe tim mạch của bé

3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn phát triển quan trọng của thai nhi, nhất là sức khỏe tim mạch. Vậy, mẹ bầu cần lưu ý gì để bảo vệ tốt nhất cho trái tim của bé yêu?

Nghiên cứu của các chuyên gia Hà Lan cho thấy, quá trình phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu có liên quan mật thiết đến sức khỏe tim mạch của bé khi lớn lên. Nghiên cứu tiến hành trên gần 1.200 trẻ em trong độ tuổi lên 6. Các bé được kiểm tra, đánh giá các yếu tố dẫn đến nguy cơ tim mạch như sự phân bố mỡ trên cơ thể, lượng cholesterol, nồng độ insulin trong máu. So với những trẻ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 tháng đầu thai kỳ, những bé tăng trưởng chậm hơn trong giai đoạn này thường có lượng mỡ bụng và lượng cholesterol không lành mạnh nhiều hơn, đồng thời huyết áp cũng cao hơn hẳn. Thậm chí, trẻ còn có thể gặp một vài “sự cố” liên quan đến tim mạch trong những năm đầu đời.

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe trong tương lai về sau

Hầu hết các cơ quan quan trọng của thai nhi đều hình thành và phát triển trong giai đoạn này. Đồng thời, đây cũng là thời gian thai nhi dễ bị ảnh hưởng bởi nhân tố môi trường, chẳng hạn thuốc lá, rượu, chất kích thích. Đó là lý do vì sao các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên ngưng hút thuốc, uống rượu cũng như tránh dùng một số loại thuốc ngay khi biết mình mang thai. Những thói quen không lành mạnh này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, thậm chí có thể dẫn đến dị tật thai nhi.

Để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn quan trọng này, mẹ bầu nên bổ sung vitamin, đồng thời duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bầu nên cắt giảm thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh, thực phẩm nhiều đường và thực phẩm gây hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá…

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu

– Trong 4 tuần đầu tiên: Cuối tháng thứ nhất, các cơ quan chính trong cơ thể thai nhi bắt đầu hình thành. Phôi thai có hình dáng của một chú nòng nọc nhỏ, với tai và mắt vừa mới nhú.

– Không còn hình dạng của nòng nọc, đến cuối tuần thai thứ 8, thai nhi đã có hình dáng gần giống con người. Mắt, mũi, miệng đang dần hoàn thiện. Nếu siêu âm trong thời gian này, mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy những ngón tay, chân bé xíu của con. Mặc dù hầu hết cơ quan đều đã xuất hiện, nhưng tại thời điểm này, kích thước thai nhi chỉ khoảng 4cm.

– Từ tuần thai thứ 9 – 12, thai nhi hoàn chỉnh sự phát triển tay, chân. Cơ mắt của bé khép chặt và miệng đã bắt đầu thực hành phản xạ mút. Tế bào thần kinh cũng bắt đầu phân chia nhanh chóng, cùng lúc với sự hình thành thần tốc của các khớp thần kinh.

Dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng đầu: Thực phẩm nào tốt cho tim của thai nhi?

Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hệ thống tim mạch của bé cưng. Các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng với ngũ cốc, rau lá xanh và protein nạc. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong giai đoạn này cũng cần tăng cường canxi, đồng, phốt pho và thiamine, 4 dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển tim thai.

Canxi và phốt pho có thể được tìm thấy trong tìm thấy trong sữa với số lượng khuyến cáo hàng ngày khoảng 1.000 và 700 mg tương ứng. Bầu cũng sẽ nhận được ít nhất 1 miligam đồng mỗi ngày từ thực phẩm như hạt điều, đậu và thịt cua. Với thiamin, bà bầu cần bổ sung khoảng 1,4 mg một ngày, có thể được tìm thấy trong yến mạch, đậu Hà Lan và hầu hết các sản phẩm thịt.

Bên cạnh việc tăng cường thực phẩm tốt cho tim, mẹ bầu cũng nên cắt giảm bớt thực phẩm không lành mạnh. Tốt nhất, nên hạn chế lượng chất béo xuống ít hơn 30 phần trăm tổng giá trị calo mỗi ngày. Đồng thời, giữ cho lượng cholesterol và natri dưới 300 mg và 3.000 mg mỗi ngày. Phụ gia thực phẩm như bột ngọt cũng cần hạn chế để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or