10 quyết định trước khi vào phòng sinh

Có những quyết định quan trọng mà vợ chồng bạn cần đưa ra trước khi đón con chào đời. Và đó là những quyết định nên được đưa ra càng sớm càng tốt nhé, nếu ngày dự sinh đã sắp tới rồi mà bạn vẫn chưa xong thì hãy gấp rút lên vì con có thể khiến bạn bất ngờ trở tay không kịp đó.

1. Bạn có muốn người thân vào phòng sinh cùng mình?
Bạn có muốn “thủ phạm” của cơn đau đẻ vào cùng và đón tay con, hay bạn muốn tốt nhất bố nó cứ chờ ở ngoài để mẹ hoặc chị gái nhiều kinh nghiệm của bạn vào trợ giúp? Hoặc bạn muốn vào chỉ một mình thôi để “giữ hình tượng” với người thân của mình? Hãy làm rõ mong muốn của bạn trước khi vào sinh để đến lúc đấy gia đình không rối loạn cả lên.

husband-wife
(Ảnh: Internet)


2. Bạn chọn phương pháp sinh nào?

Sinh thường không gây tê, sinh thường có gây tê, hay là sinh mổ? Hãy tìm hiểu các phương pháp, cân nhắc và trao đổi với bác sỹ để quyết định.

3. Bạn có muốn thuê hộ lý

…theo kèm để giúp bạn chuyển dạ và sinh nở nhanh chóng, dễ dàng hơn? Các nghiên cứu cho thấy rằng những sản phụ nhận được sự trợ giúp chuyên nghiệp như vậy thường ít bị căng thẳng và ít bị biến chứng trong quá trình sinh. Tuy vậy thì chi phí cũng sẽ bị đội lên với lựa chọn này nên bạn cũng cần cân nhắc, tính toán.

4. Bạn có muốn giục sinh không?
Bác sỹ có thể đề nghị giục sinh nếu bạn đã bắt đầu có những cơn co thắt tử cung nhưng chưa vỡ ối, hoặc nếu đã quá ngày dự sinh, hoặc bác sỹ bận vào ngày dự sinh của bạn và lo là sẽ không chăm sóc chu đáo được cho bạn… Nói chung khi bạn đã được đề nghị cho giục sinh thì tình hình cũng không phải là thư thả lắm đâu để có thể bình tĩnh suy nghĩ, tốt nhất hãy nghiên cứu trước để có thể nhanh chóng quyết định.

5. Bạn có muốn đến bệnh viện luôn khi các cơn co thắt bắt đầu?
Các cơn co thắt có thể bắt đầu từ nhiều giờ trước khi vỡ ối, vậy nên chuyện có muốn vào viện ngay hay không tùy ở bạn thôi chứ không phải là bắt buộc. Bạn có thể cần xuất phát sớm nếu nhà ở xa bệnh viện, nhưng hãy canh thời gian vì vào viện sớm có thể có nghĩa bạn sẽ phải chờ đợi rất lâu, ở nơi tất nhiên là không được thoải mái như ở nhà.

6. Bạn muốn đem gì theo khi đi sinh?
Đi sinh là việc đòi hỏi bạn phải trải qua ít nhất 40 giờ trong bệnh viện nên hãy bảo đảm bạn mang đủ những gì mình cần để cảm thấy thoải mái. Bạn có thể cần máy nghe nhạc với những bài yêu thích, thức ăn nhẹ, nước, gối… Hãy xếp đồ từ sớm khi bạn thư thả, tỉnh táo… vì để nước đến chân mới nhảy thì thể nào bạn cũng sẽ để sót thứ nọ hay thứ kia đấy.

7. Bạn có muốn gây tê giảm đau và khi nào thì bạn muốn?
Các loại thuốc giảm đau đẻ như gây tê ngoài màng cứng có thể áp dụng cho phần lớn phụ nữ, nhưng phải tiêm vào đúng thời điểm. Tiêm sớm quá thì thuốc có thể sẽ bớt tác dụng vào lúc nguy cấp, còn để muộn quá thì thuốc không kịp phát huy tác dụng. Tốt nhất hãy quyết định sớm để bạn có thể tiêm đúng lúc, có thể là khi cổ tử cung mở 4cm.

8. Bạn muốn làm gì với máu cuống rốn của con?
Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh được coi là nguồn tế bào gốc quý giá, có khả năng cứu được mạng người. Bạn muốn làm gì với nguyên liệu quý giá này? Bạn có định trả nhiều tiền để giữ máu cuống rốn con phòng khi cần đến?

9. Bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ?
Nếu bạn muốn cho con bú mẹ, hãy làm rõ điều này với những người thân của mình để tránh chuyện lúc bạn đang mệt gần chết còn phải tranh cãi với những người cứ đòi pha sữa công thức cho con bạn bú. Cho con bú là quyết định riêng của người mẹ, với những lý do riêng, tuy vậy bạn cũng tránh cực đoan, nhất định phải thế này hay phải thế kia.

Sau khi sinh, y tá sẽ bế bé tới để mẹ cho bé bú, kể cả khi con bạn chưa đói thì việc này cũng quan trọng để kích thích việc sản xuất sữa bổ dưỡng cho con.


(Ảnh: Internet)

10. Bạn có muốn có thời gian riêng tư và yên tĩnh với con?
Gia đình, bạn bè bạn đã ngóng chờ sự xuất hiện của em bé từ lâu nên khi bé sinh ra thể nào cũng sẽ có nhiều người ra người vào xôn xao chúc mừng. Nhưng có thể bạn muốn có thời gian riêng tư cùng gia đình nhỏ của mình, chỉ với chồng và con, trước khi bận rộn với những người khác. Hãy thảo luận điều này với chồng bạn để dặn lại những người thân khác của mình thông cảm.

 Theo webtretho

Leave a Reply

Or