Giải pháp cho xung đột hôn nhân từ góc độ kinh tế học

Đòi hỏi công bằng tuyệt đối trong việc nhà, tranh cãi trắng đêm hay lảng tránh việc “yêu” là những sai lầm mà ngay cả những cặp thông minh nhất cũng mắc phải trong hôn nhân.

Khi hôn nhân ở vào giai đoạn mà tranh cãi lặt vặt lấn át giờ phút yêu thương, nhiều phụ nữ thường tìm đến lời khuyên trên các chương trình tư vấn hoặc tâm sự cùng nhóm bạn thân. Hầu như sẽ chẳng bà nội trợ nào cân nhắc lời khuyên đến từ một nhà kinh tế học như Adam Smith hay John Maynard Keynes bởi hai lĩnh vực này dường như không có điểm chung. Song đừng vội quay lưng đi vì những quy luật kinh tế khô khan và đời sống hôn nhân cũng có những nét tương đồng, mà khi áp dụng sẽ giúp cải thiện đáng kể mối quan hệ với bạn đời.

Chuyên gia kinh tế Paula Szuchman và Jenny Anderson, các tác giả trên thời báo Wall Street Journal và New York Times kết hợp hai phạm trù tưởng như đối lập này để giải thích và tìm giải pháp cho bảy sai lầm điển hình, mà ngay cả các đôi thông minh nhất cũng mắc phải.

1. Sòng phẳng trong việc nhà

Các cặp vợ chồng thường cho rằng đây là phương pháp công bằng và hoàn hảo nhất để giúp nhau chia sẻ việc nhà, dù đó là quét nhà, giặt giũ, nấu nướng hay chăm thú cưng. Tất cả sẽ được phân đôi rạch ròi mỗi ngày.

Tuy nhiên, khi nhắm tới đích 50/50 đồng nghĩa với việc bạn đang giữ tư tưởng cạnh tranh và đảm bảo rằng mình không bị thiệt. Điều này dĩ nhiên không thuộc phạm trù tình yêu. Nó sẽ dễ trở thành nguyên cớ cho những cãi vã vặt vãnh không đáng có khi hai bên không hoàn thành nhiệm vụ hay hoàn thành nhưng không đáp ứng yêu cầu.

Vậy nên, thay vì bỏ công sức chú ý quá mức tới hai chữ công bằng, hãy áp dụng lý thuyết mà các nhà kinh tế gọi là “lợi thế so sánh”. Nguyên tắc kinh tế học này cho rằng mỗi quốc gia sẽ được lợi khi chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những hàng hóa mình có thể với chi phí tương đối thấp hay hiệu quả hơn các nước khác. Tương tự trong gia đình, mỗi người sẽ chịu trách nhiệm cho công việc mình làm tốt nhất hoặc có liên quan với nhau.

Chẳng hạn, người vợ sẽ đảm đương nấu nướng, giặt giũ trong khi đức lang quân chịu trách nhiệm sửa chữa hỏng hóc, lau nhà… Đừng quá bận tâm khi tỷ số có thể chạm ngưỡng 75/25 bởi bạn có thể sẽ không sống nổi khi giao việc chợ búa cho anh xã. Bạn cũng hoàn toàn có thể nhẹ nhàng nhờ anh ấy trợ giúp khi mọi việc trở nên quá sức.

Điều mỗi cặp cần ghi nhớ chính là không nên đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối trong tình yêu, mà hãy tự hỏi liệu mình có đủ nghĩa tình để đồng lòng sẻ chia mọi việc cùng nhau hay không?

2. Lảng tránh “yêu” cho tới khi có tâm trạng

Áp lực công việc khiến nhiều cặp đôi không còn mặn nồng được như lúc mới cưới. Ảnh: knowmore.tv

Áp lực công việc khiến nhiều cặp không còn mặn nồng được như lúc mới cưới. Ảnh:knowmore.tv.

Khi cuộc sống xô bồ ảnh hưởng tiêu cực tới hôn nhân, không phải cặp nào cũng mặn nồng được như lúc mới cưới. Nếu kiên trì chờ đợi, có lẽ sẽ phải vài tháng cả hai không hề gần gũi.

Nhà kinh tế học George Loewenstein đã phát triển một lý thuyết gọi là “lỗ hổng đồng cảm”. Lý thuyết này cho rằng chúng ta sở hữu hai phần, một phần lạnh khi cách hành xử lý trí chiếm ưu thế và phần nóng khi cảm xúc hoàn toàn chi phối bạn. Ở đây, xung đột xảy ra khi lý trí thật sự muốn hâm nóng tình yêu, còn cảm xúc lại gạt đi vì bạn vừa trải qua một ngày tồi tệ và chỉ muốn nghỉ ngơi, không bị ai làm phiền.

Hãy lắng nghe sự giao thoa giữa hai chiều nóng lạnh trong mình. Bạn có thể không có tâm trạng lúc này nhưng ngay sau đó lại có. Đó là khi bạn nghĩ đến sự thăng hoa hạnh phúc, vậy tại sao phải chần chừ khi cơ hội đến? Nó thậm chí sẽ là liều thuốc giúp bạn vượt qua căng thẳng lúc tâm trạng đang tụt dốc.

3. Luôn nghĩ xung đột là tận thế

Tình cảm vợ chồng giống như nền kinh tế, cũng lên xuống trồi sụt. Sự bất định này là điều không thể né tránh, nhưng không tồi tệ như mọi người vẫn nghĩ.

Đây là cơ hội để cả hai có dịp xem xét lại vì sao mọi việc xảy ra như vậy, mình đã làm gì có lỗi và điều gì là quan trọng. Hãy tận dụng những nốt trầm trong hôn nhân và mượn một khái niệm mà kinh tế gọi là “sự hủy diệt sáng tạo” hay đổi mới trước khủng hoảng để suy nghĩ, làm mới bản thân và tìm kiếm giải pháp xóa đi rào cản ngăn cách hai bên.

4. Thức trắng đêm giải quyết bất đồng

Mong muốn khẳng định mình đúng tức thời khiến các cuộc tranh cãi kéo dài thâu đêm. Ảnh: Foxnews.com

Mong muốn khẳng định mình đúng tức thời khiến các cuộc tranh cãi kéo dài thâu đêm. Ảnh: Foxnews.com.

Đây chắc chắn là một ý định tồi tệ, nhưng tiếc rằng mọi người thường có xu hướng hành xử như thế để đi tới cùng vấn đề.

Ngay thời điểm này, cảm xúc dẫn đường và cái tôi trỗi dậy khiến cả hai đều muốn chứng tỏ mình đúng bằng bất kỳ giá nào. Bạn cũng nhớ rằng mình đã đọc được ở đâu đó lời khuyên không nên đi ngủ khi đang tức giận. Và thế là mong muốn mọi việc trở nên sáng tỏ, ít nhất là theo cách bạn nghĩ, càng thúc đẩy và lôi kéo vợ chồng bạn vào một đêm thức trắng.

Tuy nhiên, càng mong muốn giải quyết (hay muốn mình thắng), bạn lại càng rơi vào vực thẳm phẫn nộ và kiệt sức vì chẳng còn tí sáng suốt nào sót lại trong tâm trí giữa lúc khuya khoắt. Kết quả là cuộc cãi vã lại kết thúc bằng việc cả hai đi ngủ trong tức giận.

Đây là lúc khái niệm kinh tế “tâm lý sợ thua lỗ” được áp dụng, với nghĩa mọi người đều ghét thua cuộc. Hay nói cách khác, ai cũng thích chiến thắng nhưng lại vô cùng ghét thất bại. Hãy xem xét bạn ghét thua cuộc tới mức nào và hành động để tối thiểu hóa những thiệt hại gây ra cho cả mình và đối phương vì quá khát khao chiến thắng.

5. Cố đọc suy nghĩ của bạn đời và mong muốn nhận được điều tương tự

Dường như mọi người luôn mong người đầu gối tay ấp lúc nào cũng hiểu mình đang muốn gì. Bạn muốn được tặng một chiếc ôm ấm áp sau ngày dài làm việc tồi tệ hay muốn anh ấy rửa xe giúp vì nó rõ ràng đã quá bẩn nhưng lại mong anh ấy hiểu mà không cần phải mở lời. Thất vọng vì nhu cầu không được đáp ứng là nguồn cơn cho những giận hờn vô cớ và đẩy người bạn đời vào tình thế hoang mang vì không hiểu mình đã làm sai chuyện gì.

Trong kinh tế cũng như đời sống vợ chồng, có một nguyên tắc bạn không nên làm ngơ, ấy là “nguyên tắc minh bạch”. Hãy cho bạn đời biết anh ấy/cô ấy cần làm gì thay vì cứ khăng khăng bám lấy ý nghĩ mình im lặng nhưng sẽ được thấu hiểu, bởi suy cho cùng, thông tin chính là nền tảng cho mọi hoạt động, kể cả hôn nhân.

6. Bỏ quên những cử chỉ yêu thương

Cử chỉ yêu thương dành cho bạn đời mang đến niềm hạnh phúc cho cả hai. Ảnh: living.msn.com

Cử chỉ yêu thương dành cho bạn đời mang đến niềm hạnh phúc cho cả hai. Ảnh:living.msn.com

Tại cơ quan, bạn nghĩ tối nay sẽ dành thời gian cho đấm bóp lưng cho anh ấy hay trông con để cô ấy có thể tận hưởng một buổi tối tự do bên bạn bè. Nhưng ý định ấy bị bỏ lửng vì không phải thời gian thích hợp, danh sách những việc cần làm cứ kéo dài vô tận, hay một bộ phim, một trận cầu hấp dẫn làm thành rào cản của những cử chỉ yêu thương.

Giải pháp cho tình trạng này được các nhà kinh tế học gọi là “hỗ trợ thực hiện cam kết”, là cách giúp chúng ta buộc mình phải hoàn thành những cam kết này. Khi ý nghĩ đó vừa nảy ra, hãy gửi tin nhắn cho ông xã, hay đặt lịch phòng gym cho vợ ngay tối hôm nay, và các đấng mày râu sẽ hoàn toàn tặng cho bạn đời một khoảng thời gian thư giãn.

7. Đánh giá thấp những thay đổi nhỏ

Khi áp lực cân đối giữa công việc và gia đình dồn nén tới mức sắp vỡ tung, tranh cãi liệu một trong hai có nên nghỉ việc để chăm lo gia đình, con cái có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Lúc đó, hãy tạm dừng những suy nghĩ đau đầu này và bắt đầu bằng một thay đổi nhỏ.

Dành một bữa tối nấu ăn cùng nhau, xem phim sẽ giúp bạn bình tâm và ngồi lại bàn bạc để tìm kiếm những giải pháp “vi mô” hơn như thuê người dọn dẹp nhà mỗi cuối tuần, nhờ sự giúp đỡ của gia đình hai bên hay cùng góp ý, sắp xếp lại thời gian biểu của cả hai để cân đối mọi việc. Đôi lúc vấn đề sẽ phình to hơn khi bạn đang lo lắng, trong khi bình tĩnh lựa chọn những giải pháp nhỏ sẽ là lối thoát cho vấn đề và hiệu quả hơn cả biện pháp dài hơi chẳng ai mong muốn.

Khánh Hà (Theo Prevention)

Leave a Reply

Or