Dạy con kiểu Tây

Cơn sốt… dạy con theo kiểu Tây đang trở thành trào lưu mới của nhiều bà mẹ. Nhưng dạy con thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.

1281495760-de-con-tu-lap

Dạy con kiểu Tây: Chưa chắc đã tốt

Nuôi dạy con độc lập và tự tin theo phong cách Tây là mong muốn của rất nhiều ông bố, bà mẹ. “Cứ ra công viên, nhìn những đứa trẻ con Tây, chúng hoạt bát, nhanh nhẹn và khỏe mạnh… mà thèm. Thế nhưng, nếu cứ ép buộc con trẻ “sống như Tây” chưa hẳn đã là tốt”, mẹ Thu chia sẻ.

Đã từng có thời gian đi du học ở nước ngoài, nên chị Thu cũng muốn giáo dục cho con ngay từ nhỏ những thói quen sống của người phương Tây. Cứ nhìn con ngậm cơm hàng tiếng đồng hồ, hay nhà hàng xóm có đứa trẻ dù lên bốn nhưng mẹ vẫn phải xúc cơm cho ăn, nựng mãi mà cũng chẳng xong một bát… chị Thu kết luận: “Tất cả là do cách dạy con của người Việt, toàn chiều và làm thay con thì đứa trẻ nào chẳng dựa dẫm, ỷ lại. Rút kinh nghiệm, mình phải áp dụng cách dạy con như người phương Tây, chúng phải là một người độc lập, biết tự lo cho bản thân mình”.

Nói là làm, bé Vy mới được 6 tháng tuổi, chị Thu đã bế con đi chơi. Mặc chồng ngăn cản vì tiết trời Hà Nội những ngày này rất giá lạnh. Không phải mẹ Thu không thương, không xót bé Vy, mà chỉ tại: “Trẻ con nước ngoài chúng bé tý, mà bố mẹ còn bế ra ngoài chơi tuyết, còn lạnh hơn gấp nhiều lần cũng có sao đâu”.

Tối về, Vy ốm, sốt, cả nhà lo lắng không yên, gọi bác sỹ tới, thì mẹ Thu nói: “Sương gió cho dạn dày, khỏe mạnh”. Cả nhà đều lắc đầu ngao ngán, sau buổi hôm đó, vợ chồng Thu xảy ra chiến tranh lạnh chỉ vì… dạy con kiểu Tây.

Cũng áp dụng phương pháp dạy con kiểu Tây, chị Thắm thở dài kể: “Bé Tôm được một năm thì mình cho bé ra ngủ phòng riêng, ban đầu cũng hơi lo nhưng dần dần thì quen. Khi Tôm làm việc gì mình cũng để bé tự giác làm, không giúp đỡ, không chiều chuộng. Bây giờ, Tôm cũng đã gần 4 tuổi, nhưng người buồn nhất lại chính là mình, vì cảm thấy… con không tình cảm. Nhiều lúc muốn chiều con, muốn ôm con ngủ cùng nhưng bé đều không thích”.

Từ nhỏ vợ chồng anh Phong đã cho con đi tắm biển. “Nhưng dạn dày thì chưa thấy đâu, mà con bé đã bị dị ứng đỏ khắp người. Chắc bởi môi trường nước không được sạch lắm”, anh Phong cho hay.

Dạy thế nào cho đúng?

Rất nhiều ông bố, bà mẹ dạy con theo kiểu Tây, nhưng dạy thế nào cho đúng thì không phải ai cũng làm được.
Cũng áp dụng phương thức dạy con kiểu Tây, nên khác với các bé cùng khu phố, bé Mi con anh Vinh rất nhanh nhẹn, thích khám phá thế giới xung quanh, mà bố mẹ lại rất yên tâm  vì Mi rất ít khi ốm vặt: “Vợ chồng tôi cũng không hề chiều con quá đáng, cái gì đúng thì chiều, còn lại cháu phải độc lập. Từ nhỏ, Mi đã không hề khóc đòi bố mẹ cái gì, nên vợ chồng tôi khá hài lòng. Việc dạy con theo kiểu Tây là tốt, tuy nhiên dạy như thế nào, áp dụng cái gì cho phù hợp với môi trường sống ở Việt Nam lại là bài toán mà những bậc phụ huynh cần xem xét. Không phải cứ áp dụng nhất nhất theo kiểu Tây đã là tốt”.

Minh sau lần áp dụng  cho con ăn theo kiểu Tây, mà cậu con trai vẫn “chứng nào tật nấy”.“Việc rèn luyện tính độc lập, sự mạnh dạn cho những đứa trẻ không phải là việc cứ nhất nhất bắt con ngủ riêng từ khi còn bé, bắt con nhịn đói để con tự giác ăn… Theo tôi, tính cách này sẽ được hình thành trong quá trình sống. Chỉ cần các bố, mẹ biết dạy con đúng cách”, mẹ Minh cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng một phần phương pháp dạy con kiểu Tây, chị Minh thường khích lệ con hòa nhập với mọi người, ra vườn cùng mẹ chăm sóc cây cỏ để tinh thần thoải mái, bé có thể nghịch bẩn, có thể khám phá thế giới xung quanh dưới con mắt quan sát của mẹ.

Chị cũng thường khuyến khích con mời bạn về nhà chơi, ở lại cả ngày, cùng ăn trưa với gia đình. Bằng cách này chị quan sát được con ở nhiều khía cạnh khác, cũng để cho con vui vẻ với bạn bè. Đặc biệt, chị cũng thường tổ chức party nhỏ nhỏ ở nhà, mời bạn bè đem con cái tới để tụi nó chơi với nhau, hoặc tập trung anh chị em họ lại cho tụi nó chơi với nhau, tụi nhỏ hào hứng lắm.

Các mẹ có thể dành thời gian rỗi, cùng hẹn các bà mẹ khác đưa  con tới, tổ chức một buổi đi chơi, đi dã ngoại hoặc bữa tiệc nhỏ, hoặc các hoạt động ngoại khóa. Mỗi gia đình sẽ đứng lên tự tổ chức luân phiên. “Các bé có thể chơi, hoạt động cùng nhau, các bố mẹ cũng có thời gian gặp gỡ bạn bè. Cả gia đình đều vui”, chị Minh bật mí.

Theo Babymarry

Leave a Reply

Or