Tưởng con là thần đồng, hóa ra mắc bệnh

Mẹ Ping tình cờ đọc được bài viết này, thấy vấn đề này rất nhưng cũng rất đáng đế quan tâm trong suốt quá trình nuôi con khôn lớn, chia sẻ với cả nhà nha.

1373369855_giao-duc-som2-jpg

Hè năm nay, để thưởng cho cậu con trai vừa đạt học sinh giỏi lớp 1, chị Thuận đưa cháu từ Quảng Ninh lên Hà Nội chơi, ghé thăm vài người thân. Đi đâu, chị cũng tự hào kể về cậu nhóc với nhiều khả năng như “thần đồng” của mình: “Nó siêu lắm, từ lúc bé tí đã biết hết các số, chữ, chơi trên máy tính nhoay nhoáy, dù không ai dạy. Đến lớp được vài buổi thì đọc thông, làm toán thạo luôn, khiến cô giáo cũng ‘choáng'”.

Thế nhưng, khi nhìn cậu cháu trai, với vẻ ngoài sáng sủa nhưng chân tay lại hết sức lóng ngóng, không thể tự đi vệ sinh, hay nói lan man khi được hỏi những điều đơn giản…, người dì cảm thấy lo lắng. Chị thử đưa cho Tũn một cuốn truyện, cu cậu đọc rất lưu loát nhưng sau đó hỏi lại thì không hiểu ý nghĩa gì trong sách. Làm về giáo dục, chị thấy bất ổn và khuyên chị Thuận nên đưa con đi khám. Khi bác sĩ xác định cu Tũn mắc một rối loạn về phát triển, gọi là hội chứng Asperger, chị Thuận mới bàng hoàng.

Thật ra, trước đó, ông bà ngoại bé và một số người quen từng góp ý nhưng chị Thuận thường gạt đi vì thấy con biết nói sớm, nhận biết nhanh, ở lớp luôn đạt điểm tốt, thậm chí còn nổi trội hẳn về môn toán so với các bạn. Bấy lâu nay, chị chỉ hơi buồn vì thấy cháu không gắn bó, chẳng thích chơi hay thể hiện tình cảm với mẹ, nhưng lại nghĩ do tính cách của bé trai là vậy.

Trái ngược với chị Thuận, chị Ngọc (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) thấy con “khang khác” từ lúc cháu hơn 2 tuổi nhưng thổ lộ điều này với ai chị cũng bị mắng vì mọi người đều cho là cháu rất thông minh, lanh lợi. Lúc cháu hơn 3 tuổi, khi cho con đến trường mầm non, chị Ngọc mới tìm được sự đồng cảm từ cô giáo của bé.

Cô cho biết, trong lớp cháu không thích chơi với các bạn, cô hỏi không nói, nhưng thỉnh thoảng lại nói một mình hoặc nói những điều chẳng liên quan. Trong những giờ tập vận động như ném bóng, bật cao… cháu không làm được như các bạn. Cháu nhận biết chữ, số nhanh, thậm chí đọc sách tốt nhưng những việc dễ dàng như gọi tên bố mẹ, đồ vật, phân biệt màu sắc thì lại không làm được dù mẹ và cô đã dạy.

Cho con đi khám, chị Ngọc không ngạc nhiên nhưng vẫn thẫn thờ khi bác sĩ nói cháu bị Asperger. Hiện chị cho cháu đi trị liệu tuần hai buổi ngoài thời gian lên lớp bình thường.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, cố vấn đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em 18001567, cho biết, Asperger là một bệnh rối loạn về sự phát triển. Người ta mới biết đến bệnh này chỉ từ hơn chục năm nay dù những trẻ bị hội chứng đã được bác sĩ nhi khoa Hans Asperger (Áo) mô tả từ năm 1944. Đây là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa, thuộc phổ nhẹ và có khả năng sinh hoạt cao nhất của tự kỷ. Tỷ lệ trẻ trai bị bệnh cao hơn trẻ gái 3 lần.

“Nếu một bên là trẻ tự kỷ, một bên là trẻ bình thưởng thì trẻ Asperger ở giữa, gần với bình thường hơn, và bác sĩ sẽ không gọi trẻ Asperger là trẻ tự kỷ”, nhà tâm lý giải thích.

Vì lý do đó, những trẻ mắc hội chứng này thường dễ can thiệp, tác động, nhất là được phát hiện sớm, và có thể trở thành trẻ gần như bình thường.

Tuy nhiên, việc phát hiện trẻ mắc Asperger khá khó khăn, khiến nhiều phụ huynh chỉ đưa con đi khám khi trẻ đã vào tiểu học. Không như trẻ tự kỷ, thường chậm nói và kém phát triển trí tuệ, các em Asperger phần lớn vẫn nói bình thường, thậm chí nói khá nhiều, và có trí tuệ trung bình, khá.

Nhiều bậc phụ huynh còn nhầm tưởng con có khả năng vượt trội do những trẻ này thường có tư duy về toán, kỹ thuật tốt. Không ít em từ nhỏ đã có sở thích đặc biệt về mặt tri thức như toán, vật lý, có khả năng đọc sách, thuộc lòng thơ, truyện, say mê nghiên cứu máy móc, đồ điện tử, tin học… Trẻ cũng có thể có trí nhớ phi thường, khả năng tự học những gì mình yêu thích.

Những em mắc chứng này thường có vốn từ nhiều, nhưng lại hay nói rườm rà, không đúng hoàn cảnh. Kỹ năng xã hội của các em kém, không biết chủ động giao tiếp và gặp khó khăn trong việc sử dụng cử chỉ như nét mặt, điệu bộ… để diễn đạt. Các em giao tiếp bằng mắt kém, ít có khả năng hiểu được người đối diện nói gì. Những trẻ này thường thích sống cô đơn. Hơn nữa, khả năng phối hợp vận động tay chân của các em không tốt khiến trẻ rất vụng về, lóng ngóng.

Theo tiến sĩ Kim Quý, hiện nay, người ta chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh này và cũng không có thuốc đặc hiệu nào để điều trị. Bởi thế, không còn cách nào khác là bố mẹ, kết hợp với các thày cô giáo tìm ra những cách giáo dục phù hợp, giúp trẻ khắc phục những điểm yếu như dạy giao tiếp, ứng xử… và phát huy các thế mạnh, là khả năng tư duy thiên về kỹ thuật, toán, tin học…

Nhà tâm lý giáo dục cũng khẳng định, với bệnh này, phát hiện càng sớm thì việc can thiệp càng hiệu quả và càng giúp trẻ dễ hòa đồng với môi trường, xã hội, tốt nhất là trong 3 năm đầu đời.

“Để làm được việc này, không có cách nào khác là bố mẹ cần luôn quan tâm theo sát từng mốc trưởng thành của con, tham khảo thêm các thang đánh giá về chuẩn phát triển theo độ tuổi, các dấu hiệu bất thường… để kịp thời phát hiện và trị liệu, mang đến cơ hội được hòa nhập và sống như những người bình thường cho trẻ”, bà nói.

Theo Vnexpress

8 thoughts on “Tưởng con là thần đồng, hóa ra mắc bệnh

Leave a Reply

Or