Cho con tiền để làm việc nhà = mua chuộc con?

Để con kiếm tiền khi làm việc nhà sẽ giúp con hiểu giá trị lao động hay khiến con đam mê tiền bạc từ nhỏ, cái gì cũng quy ra tiền?! Nếu không cẩn thận, đó là một ranh giới mong manh!

Thưởng tiền để con giúp việc

“Con đổ rác, dọn bát đĩa, lau nhà… và được hưởng 2000, 5000 hoặc hơn tùy công việc. Con rất hào hứng và chủ động làm việc, không để mẹ nhắc nhở. Mỗi lần được nhận tiền công (mẹ làm bảng đánh dấu mỗi lần con  hoàn thành công việc và cộng lại vào cuối tuần), con cứ loay xoay đi lại chờ đợi rồi nhảy lên vì sung sướng” – một bà mẹ chia sẻ trên diễn đàn về việc “trả lương” để con làm việc nhà.

Cho con tiền để làm việc nhà = mua chuộc con?

Cho con tiền làm việc nhà có khiến con chỉ biết đến tiền từ nhỏ? Ảnh: Internet.

Mặc dù cảm thấy mình ít nhiều thành công trong việc khiến con hứng thú làm việc nhà, người mẹ này vẫn không khỏi lo lắng: Liệu có phải mình đang mua chuộc con không? Làm như vậy về lâu dài có ảnh hưởng gì xấu đến con không?

Trao đổi trong một buổi tọa đàm Làm bạn cùng con với Ths Trần Thị Ái Liên, nhiều bà mẹ cũng chia sẻ rằng mình học cha mẹ Tây cách cho tiền để con làm việc nhà. Nhìn chung, các con ý thức và trách nhiệm hơn, các con cũng mừng vui với số tiền tự tay mình làm ra. “Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa trân trọng sức lao động, đồng tiền với thái độ quá ham mê tiền bạc, quy hết mọi thứ ra tiền, bỏ qua những thứ khác?” – một bà mẹ đặt ra câu hỏi.

Theo Ths Trần Thị Ái Liên, việc cho tiền để con làm việc nhà cần được xem xét để xây dựng cho con thói quen trân trọng sức lao động, chứ không phải đam mê tiền, chỉ biết đến tiền. Tiền cũng không nên là cách duy nhất để dạy con về giá trị lao động (lao động chỉ để kiếm tiền).

“Nếu con không chia sẻ việc nhà với cha mẹ, chỉ làm khi có tiền, mọi việc đều được tính toán bằng tiền thì con sẽ không hiểu được việc chung, việc riêng, trách nhiệm với gia đình,  con có thể nghĩ rằng “ở đời tất cả phải được quy hết bằng tiền”

Trẻ em khoảng 2,3 – 7 tuổi cần được rèn luyện để làm việc nhà, chia sẻ trách nhiệm với gia đình. Trẻ từ 8 tuổi trở lên mới bắt đầu có nhu cầu dùng tiền cho những mong muốn chính đáng vượt lên số tiền mà con có. Lúc này, ngoài những công việc con san sẻ với gia đình vốn có, cha mẹ có thể gợi ý về những việc làm thêm để con kiếm tiền, có thể trong hoặc ngoài gia đình. Chẳng hạn, trẻ em Mỹ nhiều em bán nước chanh trước cổng nhà để kiếm tiền.

Theo Ths Trần Thị Ái Liên, điều quan trọng nhất  khi cho con làm việc nhà, làm thêm để kiếm tiền là cho con trải nghiệm cảm giác sung sướng và tự hào khi mình tự làm, tự phục vụ, giúp đỡ được người khác và tự kiếm được tiền của riêng mình.

“Cảm giác đó còn quan trọng hơn tiền. Sau này nếu con chọn công việc không chỉ vì tiền mà còn cân bằng giữa tiền bạc, niềm đam mê và lối sống thì đó sẽ là công việc bền vững. Nếu không chú ý đến khía cạnh này, cha mẹ vô tình hình thành ở con thái độ chỉ tập trung vào tiền, quy mọi thứ ra tiền.”

Cho con tiền để làm việc nhà = mua chuộc con?

Những lưu ý quan trọng khi cho con tiền làm việc nhà

–  Nên có những công việc con làm để chia sẻ với gia đình, giúp đỡ bố mẹ và mọi người và để con cảm nhận niềm vui của sự chia sẻ. Có thể vạch ra những công việc này dựa trên nguyên tắc cả hai cùng thắng: con, bố mẹ được làm những công việc mình thích, hợp với khả năng, tính tình…

–  Nếu con muốn có thêm tiền, con có thể làm thêm một số việc khác: chẳng hạn: dọn kho để đồ, rửa xe…

–  Mọi việc nên được trao đỏi công bằng, hai bên cùng có lợi. Nếu con ấm ức, chưa thỏa mãn, cha mẹ cần trao đổi cụ thể với con. Điều này cũng dạy cho con về cách thương lượng, trao đổi trong công việc, đánh giá đúng sức lao động dựa trên độ khó khăn, phức tạp của công việc.

–  Giúp con có thái độ đúng đắn với tiền bạc, hiểu rằng tiền chỉ là công cụ trao đổi hàng hóa, không tốt không xấu. Tốt hay xấu là ở cách người ta làm ra và sử dụng đồng tiền. Nếu giàu có được làm ra từ sự tham lam gian dối thì là xấu, nhưng nếu làm việc trung thực, chính đáng, có lợi cho xã hội là tốt.

–  Dạy con chi tiêu hợp lý số tiền con có được. Việc đầu tiên là xác định rõ cái con cần và cái con muốn. Những thứ cần là thứ không thể thiếu, nếu không có được thì hại sức khỏe, tương lai… Những thứ muốn là thứ có càng tốt, không có cũng không sao. Điều này sẽ giúp con cân nhắc thu – chi hợp lý, có kỷ luật để không mua những thứ không chính đáng, nhưng cũng không tiết kiệm đến mức hại mình.

–  Dạy con về sự tích lũy, giá trị của sự tích lũy, có ý chí để tạo ra vật chất, biết chờ đợi để đầu tư vào những thứ thật sự đáng giá và cần thiết.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or