Xử lý nguy hiểm trong 10 triệu chứng bệnh phổ biến ở trẻ em

Tiêu chảy, sốt, ho, nghẹt mũi… là các triệu chứng bệnh lý rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Chúng có thể vô hại với trẻ nhưng cũng có thể tiềm ẩn mối nguy hiểm nếu bố mẹ không biết cách chăm sóc.

Dưới đây là những cách nhận biết và xử lý các trường hợp nguy hiểm đối với 10 triệu chứng bệnh vốn rất phổ biến ở trẻ nhỏ.

1. Tiêu chảy

be benh 1.
Trong vòng 24 giờ nếu bé dưới 6 tháng tuổi không thể cầm tiêu chảy nên cho trẻ đến bệnh viện ngay

Nhiễm trùng, thức ăn khó tiêu hóa hoặc uống quá nhiều nước ép trái cây có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy. Nếu bị tiêu chảy, mẹ nên cho bé ở nhà để chăm sóc, tránh để tình trạng mất nước nghiêm trọng. Trong vòng 24 giờ nếu bé dưới 6 tháng tuổi không thể cầm hoặc có thêm các triệu chứng khác như sốt, nôn, đi tiểu ít, tim đập nhanh, phân có máu hoặc đen cứng và đau bụng dữ dội, bố mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện ngay.

 

2. Sốt

Gọi cho bác sĩ ngay nếu:

– Bé dưới 3 tháng sốt cao hơn 39 độ C (đo ở hậu môn)

– Bé 3-6 tháng tuổi sốt cao hơn 38 độ C

– Trẻ quấy khóc, cáu kỉnh và không thể dỗ nín.

Trong trường hợp bé bị sốt và đi kèm đau tai, ho, lờ đờ, nổi phát ban, nôn mửa hoặc tiêu chảy, có thể giúp bé hạ sốt bằng cách cởi bỏ bớt quần áo và cho ngâm mình trong bồn nước ấm. Nếu thấy dấu hiệu không thuyên giảm, hãy gọi cho bác sĩ.

3. Táo bón

Táo bón là khi đầu phân cứng và gây đau đớn khi bé rặn “ị”. Bác sĩ có thể khuyến khích bạn nên cho bé uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ hơn để giúp làm mềm phân. Nếu nặng, có thể phải uống thêm thuốc làm mềm phân. Nhưng nếu có các triệu chứng khác như đau bụng hoặc nôn mửa, bạn nên cho bé đi khám.

4. Phát ban

Da của trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm. Phát ban xuất hiện trên da trẻ có thể là mụn nhỏ màu trắng (mụn thịt), nổi dát, khô, gây ngứa và eczema. Để tránh phát ban quanh khu vực mang tã, tức hăm tã, nên thay tã cho bé thường xuyên và thoa thuốc mỡ để phòng ngừa hăm tã. Đối với bệnh eczema, không cho bé dùng xà phòng có tính tẩy mạnh và chú ý giữ ẩm da thường xuyên. Nếu bé đau nặng hoặc sốt cao do nhiễm trùng từ vảy đóng, nên cho trẻ đến bệnh viện.

5. Ho

be benh 2.
Nếu để ý tiếng ho của trẻ, bạn có thể đoán được bệnh

Nếu để ý tiếng ho của trẻ, bạn có thể đoán được bệnh. Tiếng ho có đờm và khan họng, có thể bé bị viêm thanh quản. Ho đi kèm sốt nhẹ thường là cảm lạnh thông thường. Sốt cao hơn có thể là dấu hiệu viêm phổi hay cảm cúm. Thở khò khè, đi kèm cơn ho có thể là hen suyễn hoặc nhiễm trùng. Trẻ bị ho gà thường ho kèm theo cơn co thắt và âm thanh phát ra gần giống như tiếng gà. Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm có thể làm loãng không khí và giảm bớt các triệu chứng ho của trẻ. Nếu chỉ đơn thuần là ho, đừng cho trẻ uống thuốc cảm, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 4 tuổi.

 

6. Đau bụng

Khi khó chịu ở bụng, bé có thể khóc rất nhiều, cong lưng và nhổm người lên. Nó có thể là do trào ngược, ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng hoặc các lý do khác. Phần lớn, các cơn đau bụng ở trẻ nhỏ rất ngắn vàa sẽ qua đi mà không đe dọa nguy hiểm. Nhưng nếu nó không cải thiện hơn hoặc bé bị nôn, tiêu chảy, lờ đờ và sốt thì nên gọi cho bác sĩ.

7. Đau răng

Vào thời điểm 6 tháng tuổi, chiếc răng đầu tiên của trẻ sẽ nhú lên. Mọc răng có thể làm cho trẻ rất khó chịu và thường làm sơn sốt. Để giảm đau, có thể cho trẻ nhai vật gặm nướu đã được ướp lạnh hoặc cho bé ngâm mình trong nước ấm để thấy dễ chịu hơn. Nếu bé quá đau, có thể nhờ bác sĩ kê thuốc và đó thường là acetaminophen.

8. Đầy hơi

Bé bú không đúng tư thế hoặc ăn quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi. Do đó, cần khuyến khích bé ăn chậm rãi và không xóc bình sữa của trẻ. Nên ợ hơi nhiều lần và không nằm nghỉ ngay sau khi ăn no.

9. Nghẹt mũi

Không tự ý mua thuốc cảm lạnh cho trẻ nhỏ dưới 4 tuổi để trị nghẹt mũi. Thay vào đó, nên dùng nước muối sinh lý để làm loãng chất nhầy dịch mũi và hút nó ra ngoài hoặc làm khèn giấy cho trẻ tự hỉ. Vào ban đêm, nếu có máy phun sương tạo độ ẩm, trẻ sẽ giảm bớt triệu chứng.

10. Nôn trớ

be benh 3.
Cần cho trẻ ợ hơi sau khi ăn no để tránh trào ngược

Điều này rất phổ biến ở trẻ nhỏ và chúng thường vô hại. Cần cho trẻ ợ hơi sau khi ăn no để tránh trào ngược. Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ cho trẻ dùng trong ngày và cố gắng để trẻ uống đủ nước. Nếu bé nôn thốc, nôn tháo không dừng sau 1 tiếng, kèm theo sốt và không thể giữ lại bất cứ thức ăn nào cho vào miệng, bố mẹ nên cho bé đi khám.

Khi thấy những triệu chứng này xảy đến với con, điều trước hết bố mẹ cần làm là giữ bình tĩnh và tin vào bản năng làm mẹ của mình. Tiếp tục theo dõi dấu hiệu bệnh và gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu triệu chứng tăng nặng. Một số dấu hiệu nguy hiểm bao gồm: vị giác thay đổi, kiệt sức, lờ đờ, khó thở, phát ban, cứng cổ, co giật, sốt cao và tã khô trong suốt 8 tiếng.

Yeutre.vn

Leave a Reply

Or