Xâm hại tình dục trẻ em – Dưới góc nhìn từ hoạt động du lịch tại Việt Nam (phần 1)

Một trong những điểm đến ưa thích của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em là khu vực Đông Nam Á vì tập trung những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển (giá rẻ), tình hình chính trị ổn định, hệ thống pháp luật còn tương đối lỏng lẻo. Trong 11 nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước “đi đầu” về nạn du lịch tình dục trẻ em.Tiếp theo là các nước Campuchia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.

 

Ảnh minh họa

Xu hướng xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch trên thế giới và khu vực Đông Nam Á

Xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch là việc các cá nhân sử dụng các chuyến du lịch nhằm mục đích quan hệ tình dục với trẻ em, có thể từ quốc gia này sang quốc gia khác, hoặc từ các vùng địa lí khác nhau trong cùng một quốc gia _ Theo định nghĩa của ECPAT, tổ chức phòng chống mại dâm, khiêu dâm và buôn bán trẻ em nhằm bóc lột tình dục

Báo cáo thường niên của Tổ chức Lao động thế giới năm 2010 đưa ra hàng loạt con số đáng báo động về tình trạng xâm hại tình dục. Trên toàn thế giới có khoảng 1,39 triệu người bị ép lao động trong các cơ sở kinh doanh hoạt động tình dục, đặc biệt trong số đó có khoảng 40-50% nạn nhân là trẻ em.

Một trong những điểm đến ưa thích của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em là khu vực Đông Nam Á vì tập trung những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển (giá rẻ), tình hình chính trị ổn định, hệ thống pháp luật còn tương đối lỏng lẻo. Trong 11 nước Đông Nam Á, Thái Lan là nước “đi đầu” về nạn du lịch tình dục trẻ em. Theo số liệu nghiên cứu của Trường đại học Chulalongkorn, Thái Lan (công bố năm 2009), có khoảng 2,8 triệu người hoạt động mại dâm, trong đó có 800.000 người dưới 18 tuổi. Tiếp theo đó là Campuchia. Theo tài liệu mới nhất do UNICEF công bố hiện có khoảng 33.000 trẻ em người Campuchia đang bị ép làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ mại dâm, trong đó có cả các cơ sở chuyên phục vụ cho khách du lịch là người nước ngoài. Indonesia cũng là một trong số các quốc gia được liệt kê trong “top đầu” về nạn du lịch tình dục trong khu vực, đặc biệt là sau khi nước này phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận sóng thần xảy ra năm 2005. Theo số liệu do Tổ chức UNICEF cung cấp vào năm 2008, có khoảng 40.000 – 70.000 trẻ em Indonesia là nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Trong số đó, có gần 14.000 trẻ là nạn nhân của nạn du lịch tình dục. Những năm gần đây, Thái Lan đã siết chặt các hoạt động liên quan đến tình dục trẻ em, vì vậy Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanma  đang thu hút số lượng ngày một nhiều những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, trở thành điểm đến thay thế của hoạt động phi pháp này.

Xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch tại Việt Nam

Trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục trong hoạt động du lịch : Trẻ em bị bóc lột sức lao động: ăn xin; làm các công việc khác nhau trên đường phố như bán đồ lưu niệm, quà vặt, sổ xố, thuốc lá, bưu thiếp, đánh giầy; trẻ làm việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch như hướng dẫn viên, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, quán karaoke, quán bar, nhà nghỉ khách sạn. Thủ phạm lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại tình dục trẻ em ở những nơi họ đến thăm hoặc lưu trú. Thủ đoạn của chúng rất đa dạng. Ví dụ: mua chuộc trẻ bằng tiền, dụ dỗ trẻ bằng tình cảm, sử dụng internet để tiếp cận trẻ, lợi dụng hoạt động du lịch để đưa trẻ đi đơn lẻ, thông qua các đối tượng môi giới để thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ.

Tại Việt Nam, việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua con đường du lịch đã xuất hiện gắn với lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 12 năm 2012, số du khách quốc tế ước đạt khoảng 6 triệu lượt, tăng 14%, số du khách nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh những lợi ích mang lại từ sự phát triển du lịch, Việt Nam đang phải gánh chịu hệ lụy từ ngành dịch vụ này, đó là tình trạng xâm hại tình dục gia tăng.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố, mỗi năm trung bình có khoảng 1000 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện trên toàn quốc. Theo báo cáo của Cục Thống kê tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC)  trong 5 năm (2007-2011), cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hơn 6.500 vụ với gần 6.800 bị can phạm các tội liên quan đến xâm hại  tình dục trẻ em. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp đã truy tố gần 5.300 vụ với hơn 5.800 bị can. Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử hơn 5.200 vụ với hơn 5.700 bị cáo. Dư luận xã hội đang lên tiếng báo động về tình trạng số trẻ em bị hiếp dâm, bị cưỡng dâm, bị đẩy vào con đường mại dâm để phục vụ cho thị trường tình dục ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Qua khảo sát của Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ lao động thương binh xã hội thì hiện nay toàn quốc có khoảng 7000 em gái dưới 16 tuổi đang hoạt động mại dâm, chiếm 15% tổng số gái bán dâm. Trong số đó, có khoảng 40% số em gái bị đẩy vào thị trường mại dâm là do trước đó các em đã bị lạm dụng tình dục và có tới 2/3 số em phải bán dâm trước 14 tuổi.

Theo số liệu thống kê hàng năm, Bộ công an tiến hành điều tra, số vụ khởi tố xâm hại tình dục trẻ em chiếm khoảng 50% số vụ việc xâm hại trẻ em. Số vụ xét xử tội danh xâm hại tình dục trẻ em chiếm khoảng 90% các vụ xâm hại trẻ em đưa ra xét xử hàng năm tại Tòa án. Tất cả các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện đưa ra điều tra, truy tố là những vụ việc rất nghiêm trọng và hầu hết đều được xét xử tại tòa án. Nạn nhân của các hành vi xâm hại tình dục ngày càng phức tạp với độ tuổi quá nhỏ, có trường hợp chỉ 2 đến 3 tuổi hoặc một vụ có nhiều trẻ em bị xâm hại. Như vậy có thể thấy tính phổ biến và mức độ nghiêm trọng của xâm hại tình dục trẻ em so với các vụ việc xâm hại trẻ em nói chung là rất cao. Đối tượng phạm tội không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả những đối tượng là người nước ngoài có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc liên quan đến khách du lịch là rất khó kiểm soát.

Thông qua việc thu thập và phân tích thông tin trên các phương phương tiện thông tin đại chúng, xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch đang phát triển có hai xu hướng giả thuyết:

Thứ nhất, du lịch tình dục trẻ em gắn với khái niệm khách du lịch là người nước ngoài thì chưa phát triển thành xu hướng mà mới tồn tại ở một số địa bàn phát triển du lịch với những vụ việc liên quan hành vi du lịch tình dục trẻ em đơn lẻ do người nước ngoài thực hiện đã được phản ánh trên báo chí như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lạng Sơn, Lào Cai.

Thứ hai , du lịch tình dục trẻ em với khái niệm khách du lịch trong nước và ngoài nước thì hành vi xâm hại tình dục trẻ em như dâm ô với trẻ em, giao cấu với trẻ em, mua dâm người chưa thành niên đã xảy ra trên các địa bàn phát triển du lịch và có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai….

Hiện nay chưa có số liệu công bố định kỳ về các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch bởi các hành vi xâm hại tình dục núp bóng dưới nhiều thủ đoạn rất đa dạng, khó phát hiện như mua chuộc trẻ bằng tiền, dụ dỗ bằng tình cảm, sử dụng internet để tiếp cận, lợi dụng hoạt động du lịch để đưa trẻ đi đơn lẻ… Đối tượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục trong hoạt động du lịch chủ yếu là trẻ nghèo sống lang thang bán đồ lưu niệm, đánh giầy, bán báo, làm việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch như hướng dẫn viên, nhà hàng ăn uống, quá cà phê, karaoke… Trẻ có thể bị xâm hại ngay tại địa bàn thường xuyên sinh sống hoặc cũng có thể bị đưa ra khỏi địa bàn, ra khỏi Việt Nam đến Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… Chủ yếu các trường hợp được ghi nhận hoặc phát hiện để xử lý thông qua nhóm đồng đẳng. Trước các phân tích và giả thuyết trên, trong thời gian tới cần chuẩn hóa khái niệm và nhận thức về tội phạm du lịch tình dục trẻ em để làm cơ sở cho những nghiên cứu và đánh giá cụ thể về thực trạng du lịch tình dục trẻ em.

Tuy nhiên Cục Thống kê tội phạm (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho biết, từ năm 2009-2011, cả nước có hơn 50 vụ án xâm hại tình dục trẻ em mà đối tượng gây án là người nước ngoài. Đặc biệt tập trung vào một số tỉnh, thành phố phát triển du lịch như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai… đây là những trung tâm du lịch lớn hoặc là nơi có nhiều trẻ em di cư đến từ địa bàn khác.

Thông tin từ Tổ chức Di trú thế giới (IOM) cho biết trong năm 2007, tổ chức này đã phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế đưa 1.273 trẻ em là nạn nhân của các vụ mua bán người với mục đích khai thác tình dục từ Thái Lan về Campuchia và từ Campuchia về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình.

Thủ phạm và nguyên nhân của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch

Thủ phạm gây ra các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em du lịch có thể là bất kỳ ai, thuộc mọi thành phần xã hội, với nhiều hoàn cảnh kinh tế, nghề nghiệp, dân tộc khác nhau. Họ lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi để trải nghiệm quan hệ tình dục với trẻ em, với suy nghĩ không ai biết nhân thân của mình và cũng không bị trừng phạt.

Tình trạng trẻ bị xâm hại có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ nghèo đói, sự buông lỏng quản lý và giáo dục trẻ em từ gia đình và nhà trường. Nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm đến con, thiếu kỹ năng giáo dục và bảo vệ con. Nhà trường cũng không giáo dục cho các em kỹ năng phòng ngừa để giúp trẻ nhận biết, phòng tránh. Sự lỏng lẻo và những bất cập trong hệ thống pháp luật cũng góp phần làm cho tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không thuyên giảm.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em là thiếu cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở. Theo quy chuẩn quốc tế, cứ 2.000 dân có một cán bộ chuyên trách công tác xã hội, trong khi ở Việt Nam, 10.000 dân mới có một người kiêm nhiệm công tác xã hội.

Xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch là vấn đề phức tạp, không phải là một vấn đề riêng của một cá nhân, cộng đồng, một quốc gia hay một khu vực nào mà là một vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu. Núp bóng dưới hình thức du lịch với xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng các phương tiện hỗ trợ di chuyển, những kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong cùng một quốc gia hoặc từ một quốc gia này sang một quốc gia khác để thực hiện mục đích xâm hại tình dục trẻ em. Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua con đường du lịch chưa phát hiện được nhiều, nhưng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Đức trước bài học ở Thái Lan, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách có liên quan cũng như có chương trình hành động liên ngành nhằm  ngăn chặn ngay từ đầu để hạn chế tốc độ phát triển, tránh hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

 

theo: zing

Leave a Reply

Or