Tuần lễ đầu tiên sau khi sinh (P.1): 3 ngày đầu tiên

Những bỡ ngỡ, những thắc mắc, những biểu hiện của mẹ và bé sau khi sinh 1 tuần dành cho những người mẹ mới sinh con lần đầu, những mẹ đang mang thai, cho con bú và các thành viên trong gia đình để chăm sóc mẹ và bé…

24 giờ đầu tiên – Ngày thứ nhất
Ngực mẹ: bầu ngực mẹ hầu như chưa thay đổi gì trong ngày đầu tiên sau sinh, nó vẫn mềm bình thường.
Sữa mẹ: Lúc này ti mẹ đã sản suất sữa non: đó là những giọt sữa đặc, màu vàng đậm. Mặc dù rất ít, nhưng nó chứa nhiều calo và protein cho bé. Trong vòng 24-48 giờ đầu tiên, bé chỉ cần mút những giọt sữa non này là đủ. Mỗi cữ bú của bé sẽ chỉ cần 5-15 ml sữa. Vì thế, mẹ hãy mạnh dạn cho con bú mẹ nhé!

Sản dịch: Sau sinh, các mẹ chú ý chỉ nên nằm nghỉ ngơi trong 8 giờ sau đó đi lại, vận động nhẹ nhàng bởi điều này vừa giúp co dạ con lại đẩy nhanh sản dịch ra ngoài, rút ngắn quá trình hậu sản.

Thiên thần của mẹ: Sau khi sinh, việc tiếp da giữa mẹ và bé hết sức quan trọng. Bé sẽ có phản xạ tìm bầu vú mẹ ngay từ giờ đầu sau sinh, sau khi được đáp ứng, bé sẽ có giấc ngủ dài. Có những bé lại ham ăn hơn khi liên tục đòi bú và có giấc ngủ ngắn, nhưng không sao cả. Mỗi lần bé có thể bú từ khoảng 5-10 phút hoặc thậm chí 20-30 phút một hoặc cả hai bầu vú mẹ.

Chuyện đi ngoài của bé: Trong vòng 24 giờ đầu tiên, nếu bé làm ướt 1 hoặc 2 chiếc tã là bình thường. Tã bé có thể chỉ ướt một chút, hoặc dính đầy phân su màu đen hoặc xanh. Bé sẽ đi phân su ít nhất một lần trong ngày đầu tiên của mình.

Rốn bé: Ngày đầu tiên bé chưa được tắm nên mẹ chỉ cần kiểm tra rốn bé xem có bị chảy nước hay không. Nếu rốn bé khô thì hoàn toàn bình thường. Mẹ chỉ cần lau nhẹ rốn cho con bằng nước muối sinh lý, dung dịch sát trùng và lau khô rốn trước khi băng rốn.

Cho bé bú: Việc cho bé bú đúng tư thế là rất quan trọng. Để biết bé bú có đúng tư thế không, mẹ hãy kiểm tra núm vú sau khi bé bú xong. Núm vú không nên bị bẹp, bị chèn ép, dẹt, chỏm hoặc bóp méo. Nếu tình trạng này xảy ra, nghĩa là mẹ cần cho con bú đúng ở lần sau. Hãy yên tâm, cho con bú là điều tự nhiên mà bất cứ bà mẹ nào cũng có thể làm, chỉ cần mẹ và bé hợp tác là có thể ổn.

1-tuần-sau-sinh-3
Cho bé bú đúng tư thế sẽ giúp mẹ và con cùng thoải mai, vui vẻ với chuyện bú ti (Ảnh: Internet)

Mẹ hãy nhớ: Không việc gì phải lo lắng hay xấu hổ khi nhờ đến sự trợ giúp của người thân. Hãy để bản thân hai mẹ con cảm thấy thoải mái nhất có thể. Sự giúp đỡ ban đầu này sẽ sớm khiến mẹ tự tin hơn.

24 -48 giờ đầu sau sinh – Ngày thứ 2
Ngực mẹ: Mẹ có thể cảm thấy bầu ngực mình to và nặng nề hơn trong ngày thứ 2 sau sinh. Nếu sinh mổ, thì mẹ vẫn chưa trải qua cảm giác này đâu.

Núm vú của mẹ: Mẹ có thể cảm thấy rất đau khi cho em bé bú. Nhưng cơn đau chỉ diễn ra sau một vài phút thôi. Nếu đau nhiều thì có thể mẹ đã bị nứt cổ gà. Hãy tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ.

Sữa mẹ: Ngực mẹ vẫn đang sản xuất sữa non, bây giờ lượng sữa non đã nhiều hơn một chút, đủ cho nhu cầu của bé.

Sản dịch: Ra sản dịch là điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh (kể cả đẻ mổ và sinh thường). Quá trình này thường kéo dài từ 2- 6 tuần. Trong 3 ngày đầu, sản dịch ra nhiều có màu đỏ tươi. Sau đó màu máu nhạt dần, giống như dịch loãng. Mẹ vệ sinh sạch sẽ chỗ kín hàng ngày, và vận động để sản dịch được ra hết, tránh tình trạng “bế dịch” có hại cho sức khỏe của mẹ.

Thiên thần của mẹ: Bé sẽ thức dậy nhiều hơn và mở mắt quan sát xung quanh. Bé sẽ khóc và đòi ăn nhiều hơn, khoảng 30 phút cho mỗi bên vú. Bé sẽ cần khoảng 10 đến 12 cữ bú trong vòng 24 giờ, bất kể ngày đêm, ít nhất bé cần bú 6 lần trong vòng 24 giờ. Nhịp mút của bé đã trở nên sâu và nhịp nhàng hơn. Bé sẽ cần nhiều thời gian hơn để bú mẹ và để mẹ âu yếm cho đến khi con quen với cuộc sống bên ngoài tử cung của mẹ.

1-tuần-sau-sinh-6
Dung tích dạ dày bé rất nhỏ, nên mẹ không phải sốt ruột khi bé bú ít nhé. Bé sẽ tự điều chỉnh lượng sữa bé cần (Ảnh: Internet)

Chuyện đi ngoài của bé: Bé cần phải làm ướt nhiều bỉm hơn trong khoảng thời gian 24 giờ tiếp theo này. Mẹ cần thường xuyên kiểm tra bỉm của con: có thể bé vẫn cọn ị phân su, nhưng đã ít hơn và chuyển sang màu nâu.
Rốn bé: Ngày thứ hai trở đi, bé đã được tắm rửa sạch sẽ. Mẹ để ý cách các cô y tá tắm cho bé, vệ sinh rốn cho bé để đảm bảo rốn bé sạch sẽ và khô ráo.

Mẹ hãy nhớ: Kiểm tra hình dạng núm vú của mẹ sau khi con bú. Hãy yêu cầu sự giúp đỡ bất cứ khi nào mẹ cần cho bé bú hoặc bé ị-xè, vì lúc này cơ thể mẹ vẫn còn đau. Mẹ cần nghỉ ngơi nhiều trong giai đoạn này, vì có thể mẹ sẽ phải thức đêm để cho bé bú.

48-72 giờ sau khi sinh – ngày thứ 3
Ngực mẹ: Bầu ngực của mẹ vẫn có thể mềm mại hoặc bắt đầu cảm thấy nặng nề hơn và căng hơn. Mẹ cũng sẽ cảm thấy đau khi chạm vào ngực.

Núm vú của mẹ: Một số mẹ sẽ cảm thấy nhạy cảm hơn ở hai núm vú trong vòng 72 giờ đầu tiên do lượng sữa tăng lên, cùng với việc bé bú mẹ đác tác động đến núm vú.

Sữa mẹ: Bây giờ sữa mẹ đã lỏng hơn chứ không đặc như trước, dòng sữa cũng trong hơn, chuyển từ màu vàng sang màu trắng kem. Lượng sữa cũng tăng dần đều đáp ứng với nhu cầu của bé.

Sản dịch: Ngày thứ ba, sản dịch vẫn ra nhiều, các mẹ có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày, loại có cánh và thấm hút tốt. Lưu ý thay băng mỗi giờ trong ngày đầu tiên sau sinh và từ 3-4 giờ trong những ngày tiếp theo. Trước và sau khi thay băng, các mẹ chú ý rửa tay sạch sẽ để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn.

Thiên thần của mẹ: Em bé được “lập trình” từ trong bụng mẹ để biết những gì bé phải làm để được bú mẹ. Bé có thể sẽ khóc, hoặc chun chun miệng đòi bú. Bé sẽ muốn bú mẹ thường xuyên hơn. Bé cũng thích được mẹ ôm ấp và bé thấy ổn hơn khi được nằm trong vòng tay mẹ. Bé có thể nhìn chằm chằm vào mọi vật thể trong vòng bán kính 50-60cm: đây cũng là khoảng cách chuẩn từ khuôn mặt mẹ đến đôi mắt bé khi mẹ cho bé bú. Bé đã được nghe tiếng mẹ trong vài tháng cuối còn trong bụng mẹ, và bây giờ bé sẽ nhận ra mẹ qua tiếng nựng ngọt ngào của mẹ.

Chuyện đi ngoài của bé: Bé sẽ ị nhiều hơn do bé ăn nhiều hơn. Một ngày bé thay ít nhất 3 chiếc bỉm trong ngày thừ 3 bé chào đời. Phân bé bây giờ đã chuyển sang màu nâu/vàng.

Rốn bé: Mẹ vẫn kiểm tra rốn bé thường xuyên nhé. Rốn bé khô, không chảy mủ hoặc không ướt nước là bình thường. Rốn bé sẽ rụng sau sinh khoảng 7 ngày, có khi cả tháng sau rốn bé mới rụng đấy mẹ ạ.

1-tuần-sau-sinh-4
Trước khi tắm bé, mẹ nên mát xa cho con. Tắm bé thật nhanh và lau khô cho con sau khi tắm để bé đỡ bị nhiễm lạnh (Ảnh: Internet)

Mẹ hãy nhớ: Mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, do đó mẹ hãy ngủ hoặc nghỉ ngơi khi bé ngủ. Sự thăm hỏi của bạn bè, người thân lúc này sẽ khiến mẹ mệt hơn, đuối sức hơn. Mẹ cần được nghỉ ngơi, hoặc học cách chăm sóc bé.

Theo webtretho

Leave a Reply

Or