Từ vụ sản phụ bị liệt nửa người sau khi gây tê sinh mổ: Những nguy cơ khi gây tê tủy sống mẹ bầu cần biết!
Gây tê tủy sống là kỹ thuật giảm đau được thực hiện trước khi tiến hành mổ lấy thai nhằm giúp sản phụ “vượt cạn” dễ dàng, không cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, phương pháp gây tê này cũng có những biến chứng và tác dụng phụ nguy hiểm.
Mới đây, anh N.Đ.T.P. (ngụ TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã gửi đơn khiếu nại về việc vợ anh là chị N.T.T.Th. (29 tuổi, quê Lâm Đồng) bị biến chứng liệt nửa người bất thường sau khi mổ bắt con tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Mêkông (quận Tân Bình, TP.HCM).
Theo đơn khiếu nại, sản phụ có chỉ định mổ bắt con do thai lớn, tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp. Tại phòng tiền phẫu, sản phụ một lần nữa trình bày tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê và yêu cầu gây mê.
Đồng thời, chị Th. – vợ anh P. cũng đã đăng tải bài viết có nội dung này lên trang cá nhân vào ngày 19/1 cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao, nhiều người bày tỏ ý kiến bức xúc về cách làm việc của BV.
Hiện tại sự việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Gây tê tủy sống là hình thức gây tê trục thần kinh trung ương hay gây tê vùng bằng việc tiêm thuốc tê vào khoang dịch não tủy hay còn gọi là khoang dưới nhện để ức chế toàn bộ cảm giác và vận động từ vị trí khoanh tủy bị ức chế trở xuống dưới. Gây tê tủy sống thường được sử dụng trong các phẫu thuật vùng dưới rốn như: chi dưới, khớp háng, bụng dưới, đáy chậu,…
Phương pháp gây tê tủy sống được áp dụng phổ biến trong sinh mổ nhằm tê liệt nửa dưới của cơ thể sản phụ để mổ bắt thai.
Dù phương pháp gây tê tủy sống giúp sản phụ không cảm thấy đau đớn trong quá trình sinh nở, song vẫn có rất nhiều tác dụng phụ cũng như biến chứng đáng lo ngại liên quan đến thuốc tê, cơ địa người bệnh và kỹ thuật chọc tê.
Liệt thần kinh
Tiêm gây tê tủy sống có thể gây thất thoát dịch não tủy, ảnh hưởng trực tiếp tới thần kinh. Do đó, mẹ bầu có thể gặp chứng liệt thần kinh sọ, nhìn một thành hai, đầu ong ong từ 3-10 ngày. Tình trạng này có thể kéo dài lâu hơn, đến hàng tháng
Ớn lạnh
Cảm giác này thường xuất hiện ngay sau khi mổ lấy thai, khi sản phụ vẫn nằm trên giường mổ. Vì thế các bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên đắp chăn, mặc quần áo kín, đi tất khi trở về phòng hậu phẫu để tránh tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh.
Đau lưng
Đây là cảm giác phổ biến ở các sản phụ, kể cả sinh mổ hay sinh thường không gây tê tủy sống.
Song, đối với những trường hợp sản phụ bị đau lưng sau gây tê tủy sống là do khi tiến hành kim tiêm phải đi qua các lớp da, cơ, mỡ và dây chằng không may gây ra tổn thương mô.
Tụt huyết áp và mạch chậm
Đây là một trong những tác dụng phụ không mong muốn thường gặp, nguyên nhân là do thuốc tê ức chế thần kinh giao cảm gây giãn mạch và tụt huyết áp.
Nếu ức chế thần kinh giao cảm chi phối tim sẽ gây chậm nhịp tim. Ngoài ra, do tụt huyết áp hoặc thay đổi áp lực nội sọ và tác dụng phụ của thuốc họ morphin nên sản phụ có thể cảm thấy buồn nôn và nôn.
Đây là phản ứng khá phổ biến nhưng sẽ nhanh chóng biến mất khi thuốc tê hết tác dụng. Không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.
Đau đầu
Sau sinh từ 24 – 48 giờ, sản phụ có thể sẽ bị đau đầu, đặc biệt là vùng xung quanh trán, sau mắt hoặc đáy hộp sọ do thoát dịch não tủy qua lỗ chọc kim, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, tăng áp lực não tùy hoặc bí tiểu vì tác dụng phụ của thuốc tê.
Những tác dụng phụ này thường xuất hiện sau vài ngày kể từ khi sinh mổ, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện ngay sau khi sinh và biến mất sau khoảng vài ngày.
Hầu hết các trường hợp sinh mổ đều ghi nhận sản phụ bị đau đầu do tác dụng phụ của gây tê tủy sống, nhiều sản phụ còn bị đau xuống vùng cổ. Những cơn đau có thể kéo dài hoặc đau từng cơn, đau nhói.
Gây ngứa ngáy, khó chịu
Mẩn ngứa thường xuất hiện sau khi tiêm thuốc tê, khi thuốc đã bắt đầu ngấm và tác dụng lên cơ thể. Tình trạng này sẽ giảm và hết dần sau khoảng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp sản phụ ngứa nghiêm trọng và kéo dài. Nguyên nhân là do tác dụng của thuốc giảm đau được thêm vào trong thuốc tê.
Suy hô hấp và tuần hoàn nhẹ
Đây là những nguy cơ tiềm ẩn thường xảy ra với các bệnh nhân béo phì, có tiền sử dị ứng thuốc gây tê.
Lúc này, sản phụ sẽ có một số biểu hiện như: khó thở, tê cánh tay, cử động cánh tay, vai và thân yếu, cùng với đó là cảm giác buồn nôn, nôn mửa. Thế nhưng nếu được cho thở oxy và tiêm tĩnh mạch thì tình trạng này cũng sẽ ổn định và không đáng lo ngại.
Ngoài các tác dụng phụ kể trên, sản phụ còn có thể gặp phải một vài triệu chứng khác như: nhiễm trùng điểm tiêm, tê bì tay chân, bí tiểu,… Theo đó, sản phụ cần cân nhắc kỹ để đưa ra cho mình các lựa chọn giảm đau an toàn và phù hợp với thể trạng.
Sản phụ cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện gây tê tủy sống?
Trước tiên, sản phụ cần thông báo với bác sĩ về các tiền sử bệnh, tình trạng dị ứng hoặc những loại thuốc đang hoặc đã được sử dụng trong thời gian gần đây để các sĩ lên kế hoạch và lựa chọn phương pháp phù hợp.
Thực hiện các hướng dẫn về vấn đề khi nào ngừng ăn và uống trước khi phẫu thuật.
Đồng thời, sản phụ cũng sẽ được các bác sĩ hướng dẫn rõ ràng trước khi phẫu thuật, chẳng hạn như việc liệu sản phụ có thể ăn bất cứ thứ gì trước khi phẫu thuật hay không. Thông thường, sản phụ nên bắt đầu nhịn ăn khoảng 6 giờ trước khi làm phẫu thuật. Ngoài ra, sản phụ có thể uống nước, chẳng hạn như cà phê, cho đến một vài giờ trước khi phẫu thuật.
Trường hợp nào không được gây tê tủy sống khi mổ lấy thai?
Năm 2017, Bộ y tế đã ra văn bản khuyến cáo các đơn vị y tế trên toàn quốc không áp dụng phương pháp vô cảm (trong đó phổ biến nhất là gây tê tủy sống) trong mổ lấy thai đối với các trường hợp sản phụ có triệu chứng: sản giật, tiền sản giật, rau bong non, ru tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm, rau cài răng lược… Nếu áp dụng gây tê tủy sống khi mổ lấy thai đối với các trường hợp sản phụ có bệnh lý trên sẽ có nguy cơ tai biến cao (suy đa tạng, rối loạn đông máu, ngừng tim, tắc mạch ối).
Theo Afamily