Nếu biết nói sớm hơn độ tuổi này chứng tỏ em bé nhà bạn sở hữu trí thông minh tuyệt vời
Một trong những dấu hiệu nhận biết đứa trẻ có thông minh hay không là dựa vào khả năng ngôn ngữ của bé.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng nếu một em bé có thể hiểu những gì người lớn nói và biết phát ra một vài từ có nghĩa trước sinh nhật đầu tiên trong đời, điều đó có nghĩa là não của trẻ phát triển tốt. Bố mẹ nên lưu ý là trẻ sẽ bập bẹ các âm thanh như “mama”, “baba”… từ vài tháng tuổi nhưng đó chỉ là những tín hiệu ngôn ngữ bình thường, còn trẻ biết nói 1 từ có nghĩa như “mẹ, mẹ”, “bà, bà”… kèm theo biểu hiện nhìn về hướng mẹ bày tỏ mong muốn gọi mẹ hoặc được mẹ bế khi chưa đầy 1 tuổi, ấy mới là dấu hiệu của 1 em bé thông minh .
Quá trình học nói của bé bắt đầu ngay trong năm tuổi đầu tiên. Bé sẽ học cách lắng nghe những từ người lớn nói, ghi nhớ và lặp lại các âm thanh ấy. Mỗi em bé sẽ có khả năng và tốc độ phát triển ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Song những đứa trẻ thông minh bẩm sinh dường như hiểu được lời nói của người lớn từ khá sớm. Chúng luôn chăm chú lắng nghe khi ba mẹ hay ai đó nói, đó là cách chúng học ngôn ngữ và sớm thể hiện ra bằng âm thanh của riêng mình. Cha mẹ nên hỗ trợ bé bằng cách nói chuyện với bé thật nhiều và tăng cường đọc sách, đọc truyện cho bé ngay từ vài tháng tuổi:
Dưới đây là một số mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ sơ sinh qua từng giai đoạn, cha mẹ có thể tham khảo
Trẻ sơ sinh từ 1-3 tháng: Có thể cảm nhận vẻ đẹp của thế giới bằng các giác quan
Lúc này, dù bé chưa thể hiểu được thông tin từ thế giới xung quanh như trẻ lớn nhưng bé đang tích lũy kiến thức mới mỗi ngày. Và nhiều chuyên gia ngôn ngữ cho rằng những kiến thức bé hiểu được còn nhiều hơn những gì bố mẹ tưởng tượng.
Bé thích nhất là được ngắm nhìn mọi thứ quanh mình, khi được bố mẹ chơi cùng, bé sẽ “lấy lòng” bạn bằng nụ cười hồn nhiên và ánh nhìn chăm chú.
Bé 4-7 tháng tuổi: Biết phản ứng khi ai đó gọi tên
Bất cứ khi nào bố mẹ gọi tên, bé sẽ quay đầu về phía bạn và cũng sẽ hiểu được cảm xúc, biểu cảm của bạn, đồng thời có bé sẽ phát ra âm thanh như một lời hồi đáp rằng đã nghe thấy tiếng bố mẹ gọi. Dần dần, bé sẽ phân biệt được đâu là người lạ, đâu là người thân trong gia đình.
Trẻ 8-12 tháng: Biết làm theo những hướng dẫn đơn giản
Trẻ sơ sinh ở giai đoạn này có thể hiểu và biết bắt chước những hướng dẫn đơn giản từ người lớn, chẳng hạn như vỗ tay, lắc lư cái đầu… Vì vậy, khi bé nhà bạn đang trải qua giai đoạn này, bố mẹ nên nhẹ nhàng, chậm rãi thực hiện các chỉ dẫn hay hành động để bé bắt chước, tránh ra lệnh, áp đặt hay bắt bé làm theo mà nên khuyến khích, cổ vũ bé.
Trẻ 13-18 tháng tuổi: Có thể hiểu và nói được khoảng 50 từ
Giai đoạn này, bé đã hiểu được những lời nói đơn giản mà bố mẹ hay nói. Điều quan trọng là bố mẹ cần nói với con nhiều hơn nữa, bất cứ khi nào làm việc gì như thay tã, chuẩn bị cho bé ăn, đưa bé đi tắm… hãy nói thành lời để bé học được càng nhiều từ càng tốt.
Trẻ 19-24 tháng tuổi: Bắt đầu hiểu rằng có sự khác biệt giữa mọi người
Lúc này nhận thức của bé cũng đã thay đổi, bé thấy mình và mẹ không phải là một, hiểu biết và suy nghĩ cũng khác nhau nên bé sẽ có suy nghĩ, cảm xúc, chính kiến của riêng mình và bắt đầu đùa giỡn với bố mẹ, thể hiện rõ ý thích của bản thân.
Trẻ 25-36 tháng tuổi: Về cơ bản bé đã có thể hiểu tốt các lời nói của người lớn
Các chuyên gia cho rằng khoảng 2 tuổi, bé sẽ hiểu và nói được ước chừng 150 từ vựng. Và giai đoạn này, khả năng ngôn ngữ của bé sẽ phát triển chóng mặt đến bố mẹ cũng ngỡ ngàng. Bé học cách sử dụng ngôn ngữ và những câu ngắn từ người lớn, đôi khi bé vẫn nói ngược nhưng vẫn đủ để người lớn hiểu bé đang muốn gì.
Và một em bé 2-3 tuổi đã hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa các cá nhân, lúc này đối với bé tình yêu thương và sự tin tưởng là quan trọng nhất, cha mẹ cần hiểu và hỗ trợ bé bằng cách quan sát sở thích, thói quen, hành động… của trẻ để kích thích trí não bé phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Afamily