Trẻ tự tin hơn là nhờ ba mẹ

Dưới sự bảo bọc, yêu chiều của ba mẹ, không ít trẻ trở nên nhút nhát và tự ti khi bước ra thế giới bên ngoài. Bí quyết nào giúp bé con nhà bạn thêm tự tin? Tham khảo ngay cách dạy con của người Nhật nào mẹ!

Mặc dù thường xuyên đưa con ra ngoài chơi, nhưng không hiểu sao bé con nhà bạn vẫn luôn la khóc khi gặp người lạ, ngay cả khách đến chơi nhà cũng làm bé sợ hãi. Nỗi lo này càng lớn hơn khi bé đến tuổi đi học, mẹ không thể nào tìm ra cách tách con khỏi mình những ngày đầu đưa bé đến trường.

Vấn đề trẻ nhút nhát trong những năm đầu đời là chuyện khá bình thường. Tuy nhiên, nếu không tìm biện pháp xử lý và cải thiện ngay từ đầu, hệ quả về sau khá nghiêm trọng. Tính cách tự ti phát triển theo thời gian chính là trở ngại rất lớn trong việc giao tiếp xã hội của trẻ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học hỏi, cũng như hình thành nhân cách. Trên thực tế, trẻ nhút nhát luôn là đối tượng chịu đựng vấn nạn bạo lực, bắt nạt học đường. Làm sao để củng cố lòng tự tin cho con ngay khi còn nhỏ?

dạy con tự tin, chăm con phong cách nhật

Biểu hiện bé nhút nhát

Trước hết, mẹ nên dành thời gian quan sát mức độ nhút nhát của bé con nhà mình. Bé có hay bám dính lấy mẹ mỗi khi ra ngoài, không thể rời nửa bước? Với bạn bè cùng lứa tuổi, bé rất khó để chơi chung hay hòa đồng? Mỗi khi ai đó hỏi chuyện, bé thường có biểu hiện sợ hãi, mếu máo hay thường xuyên mút tay?

Nếu bé có những biểu hiện trên, mẹ nên tìm biện pháp phù hợp để xử lý và khắc phục. Quan trọng nhất nên tìm ra nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng không mong muốn này. Có thể do lối sống, cách sinh hoạt của gia đình đã ảnh hưởng đến cách hành xử và tính cách của bé. Mẹ có thường xuyên đưa bé ra ngoài? Cách giao tiếp của ba mẹ trước những người lớn khác?

Ba mẹ là “tấm gương”

Theo đó, mẹ nên chủ động cho con tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Thời gian trong tuần không cho phép, tranh thủ 2 ngày cuối tuần đi siêu thị, đến công viên, ra sở thú,… Khi gặp người khác, niềm nở chào hỏi và tươi cười, và không quên nhắc bé con chào hỏi theo. Ba mẹ chính là tấm gương tuyệt vời cho con trẻ. Ban đầu trẻ có thể sẽ hơi ngượng ngùng không chịu mở lời, nhưng cũng đừng vì thế lại la mắng trẻ. Mẹ có thể dịu dàng nói với con: “Mẹ biết con thấy ngại nhưng cô/chú đó rất tốt bụng, cô/chú sẽ rất vui nếu lần sau con chào cô/chú đấy”.

Việc giao tiếp với bạn đồng lứa cũng rất cần thiết cho trẻ những năm đầu đời. Ở nhà với người lớn, ông bà, ba mẹ, trẻ làm sao học được những hành vi ứng xử đúng độ tuổi của mình? Đó là lý do mẹ cũng nên cân nhắc việc cho bé đi học sớm. Thời gian đầu tuy sẽ vất vả, chuyện ốm đau khá liên miên, nhưng đổi lại về sau không chỉ tính cách được cải thiện, cả sức khỏe và kỹ năng khác của bé sẽ phát triển toàn diện hơn.

Vui chơi cùng các bạn cùng tuổi chính là cầu nối giúp bé thêm tự tin và sẵn sàng giao tiếp với mọi người. Phải bắt đầu từ xã hội thu nhỏ của con trước khi mở rộng ra thế giới rộng lớn chung quanh. Mẹ nên cố gắng tạo điều kiện cho các bé chơi đùa cùng nhau. Thay vì mặc để các bé tự chơi hay dạy cách chơi thế này thế kia, tốt nhất mẹ nên sáng tạo ra trò chơi hay cho các con tham gia hào hứng. Khi trẻ chơi, đừng chăm chút quá nhiều, thậm chí có thể càng lơ càng tốt. Chỉ có như vậy, bé mới có thể vượt qua sự nhút nhát của bản thân và thoải mái kết bạn.

Thêm một lời khuyên cần thiết dành cho mẹ: Các bé nhút nhát thường rất dễ bị tổn thương, thu mình hơn hẳn so với trẻ khác. Do đó, mẹ luôn phải đối xử dịu dàng, trò chuyện với con bằng lòng tin, tình yêu thương và sự chân thành. Việc lo lắng quá mức hay tỏ ra thờ ơ với trẻ đều không phải cách hay, thay vào đó, luôn ủng hộ và tin tưởng mới là động lực giúp con vượt qua sự tự ti, nhút nhát.

Với những tuyệt chiêu dạy con thêm tự tin của mẹ Nhật, đảm bảo mẹ sẽ không phải “lăn tăn” về tính nhút nhát của trẻ. Tham khảo sách Chăm con phong cách Nhật để thêm nhiều thông tin hữu ích khác mẹ nhé!

Theo Marry Baby

Leave a Reply

Or