Trẻ sốt cao không hạ, mẹ phải làm gì?
Không ít các mẹ bỉm sữa vô cùng lo lắng khi gặp phải trường hợp trẻ sốt cao không hạ mặc dù đã được uống thuốc. Với những bé từ 6 tháng đến khoảng 5 tuổi, nếu sốt cao không hạ có thể dẫn đến những cơn co giật. Vậy nếu bé sốt cao liên tục không hạ, mẹ nên làm gì?
Sốt được xác định là khi nhiệt độ cơ thể tăng hơn mức bình thường, khoảng 38 độ C trở lên – đo tại trực tràng và trên 37,5 độ C nếu đo ở nách. Thực tế, sốt là phản ứng bình thường và lành mạnh của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc khi gặp phải một số bệnh khác.
Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Sốt là triệu chứng, không phải là bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, sốt có nghĩa là bé đang bị bệnh nhẹ. Thường thì mẹ phải xem xét các triệu chứng khác của bé để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Trẻ sốt cao không hạ khá nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Trẻ em có xu hướng bị sốt cao hơn người lớn. Trẻ bị sốt thường bị nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm. Nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng tiết niệu hoặc viêm phổi do vi khuẩn, cũng có thể gây sốt.
Trẻ nhỏ hơn 3 tháng nên được bác sĩ khám bất cứ khi nào chúng bị sốt vì chúng có thể bị bệnh nặng cực kỳ nhanh chóng. Sốt ở trẻ khỏe mạnh thường không nguy hiểm, đặc biệt nếu trẻ không có các triệu chứng khác và sốt sẽ hết sau 3 đến 4 ngày. Hầu hết, trẻ bị sốt sẽ quấy khóc, chơi ít hơn và có thể không ăn nhiều như bình thường.
Nguyên nhân khiến trẻ sốt cao không hạ
Để xác định nguyên nhân khiến bé sốt cao không hạ, trẻ cần phải đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và thăm khám cụ thể. Tuy vậy, cũng có một số nguyên nhân khiến cho bé bị sốt cao liên tục không hạ mà cha mẹ cũng nên nắm kĩ để có được phương pháp điều trị kịp thời, đó là:
– Do cảm nắng: Nắng nóng liên tục là một trong những yếu tố phổ biến khiến trẻ bị sốt.
– Do tiêm chủng: Sau khi tiêm phòng một số bệnh như sởi, ho gà, uốn ván…trẻ thường có xu hướng bị sốt tăng cao.
– Do mặc áo quá ấm: Thường chủ yếu là gặp ở trẻ sơ sinh, nhiều cha mẹ thường mặc nhiều quần áo cho con vì sợ con bị rét.
Mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé sốt liên tục không hạ. (Ảnh minh họa)
– Do cảm cúm: Khi bị cảm cúm, trẻ thường có xu hướng bị sốt trong khoảng 2-3 ngày, kèm theo đó là một số biểu hiện khác như nghẹt mũi, sổ mũi, rát họng, đau họng.
– Do bị viêm tai giữa: Khi bị viêm tai giữa, trẻ thường bị sốt cao liên tục không hạ kèm theo một số các biểu hiện như đau tai, biếng ăn, chảy mủ, nghe không rõ.
– Do trẻ mọc răng: Khi trẻ mọc răng, đặc biệt là răng hàm, răng nanh, trẻ thường biếng ăn và sốt khá cao.
– Do bị sốt xuất huyết: Nếu như trẻ bị sốt cao liên tục không hạ trong 3 ngày, nổi những chấm xuất huyết tại da, chảy máu chân, máu mũi, đi ngoài ra phân đen, hoặc chân tay lạnh, cơ thể bị mệt mỏi, không muốn ăn có thể là trẻ đang bị sốt xuất huyết.
– Do bị viêm phổi: Trẻ thường có dấu hiệu sốt cao, nôn mửa, thở khò khè, chán ăn, bỏ bú. Nặng hơn là môi và chân của bé sẽ tím tái lại.
– Do bị viêm màng não: Kèm theo là mệt mỏi, nôn mửa, thóp phồng, cổ cứng, nhạy cảm với ánh nắng.
– Do bị nhiễm trùng máu: Bé có xu hướng thở nhanh, nôn mửa, bỏ ăn, sốt cao liên tục, nhiễm trùng.
Phải làm gì khi bé sốt cao liên tục không hạ?
Khi trẻ sốt cao không hạ liên tục, mẹ cần phải tìm cách hạ sốt ngay cho trẻ. Ngoài việc theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ liên tục và bổ sung nước cho trẻ thường xuyên mẹ cũng nên thực hiện một số phương pháp sau:
– Hãy để cơ thể của trẻ luôn thoáng mát: Cha mẹ hãy mặc quần áo thoáng mát cho trẻ để giúp trẻ hạ nhiệt nhanh hơn. Không nên đắp chăn ấm vì có thể sẽ khiến cơ thể chậm hạ sốt.
– Bổ sung thêm vitamin C cho trẻ: Lựa chọn những loại hoa quả hoặc độ ăn chứa nhiều vitamin C như nho, cam, quýt, thanh long, kiwi…để giúp trẻ tăng đề kháng và bù nước khi bị sốt.
– Sử dụng thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt cao trên 39 độ C, mẹ phải cho bé uống paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, cứ cách 4 – 6 giờ uống lại nếu còn sốt. Trong trường hợp trẻ không uống được thuốc hạ sốt do bị nôn mửa hoặc đang ngủ, cha mẹ có thể dùng viên hạ sốt để đưa vào phần hậu môn.
Mẹ cần có các biện pháp khi thấy trẻ sốt cao không hạ. (Ảnh minh họa)
– Dùng nước ấm để chườm mát cơ thể trẻ: Pha nước ấm giống như nước tắm, lấy khăn sạch rồi nhúng vào, lau tại 2 bên bẹn và 2 hõm nách, dùng một khăn khác lau toàn thân trong khoảng 30-45 phút. Cha mẹ cần phải thay nước ấm liên tục cho đến khi thân nhiệt của bé đã giảm, nước ấm bốc hơi lên sẽ giúp làm giảm các mạch máu để con hạ sốt nhanh hơn.
– Tắm cho trẻ: Đặt trẻ vào chậu nước ấm trong khoảng 5-7 phút rồi lấy khăn lau thật khô và mặc quần áo.
Trẻ sốt cao không hạ khi nào cần phải đến bác sĩ?
– Bé từ 3 tháng tuổi trở xuống và bị sốt từ 38 độ C trở lên cần phải được chăm sóc y tế ngay. Sốt ở trẻ nhỏ có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nguy hiểm.
– Trẻ ở mọi lứa tuổi và bị sốt lặp đi lặp lại trên 40 độ C.
– Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi và bị sốt trên 38 độ C kéo dài hơn 1 ngày.
– Trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên và bị sốt trên 38 độ C kéo dài hơn 3 ngày.
– Trẻ liên tục quấy khóc không ngừng khi bị sốt.
Một số lưu ý khi chăm sóc bé sốt cao không hạ
Ngoài những cách làm hạ sốt cho trẻ khi sốt cao, mẹ cần phải lưu ý:
– Không sử dụng các loại thuốc hạ sốt nếu như chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
– Không sử dụng những bài thuốc dân gian giúp hạ sốt nếu chưa được kiểm chứng.
– Không để trẻ nô đùa quá nhiều khiến cho trẻ bị mệt mỏi và sốt cao hơn.
– Không cho trẻ gần những vật sắc nhọn, cứng.
– Không mặc quần áo quá ấm hoặc quá dày cho trẻ khi đang bị sốt cao vì trẻ sốt sẽ ra nhiều mồ hôi bị lạnh, có thể khiến cho bệnh viêm phổi nặng thêm.
– Không nên tắm gội liên tục cho trẻ khi trẻ đang bị ốm.
Trẻ sốt cao không hạ có thể sẽ bị động kinh hoặc lên cơn co giật, do vậy, cha mẹ tuyệt đối không được lơ là, chủ quan khi trẻ đang bị như vậy.
Theo Eva