Quá trình dạy con học ăn?

Từ xưa ông bà đã có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở” chỉ các kỹ năng cơ bản mà bé nào cũng phải học, phải biết. Hôm nay mẹ hãy cùng BSnhi tìm hiểu quá trình dạy con học ăn, để áp dụng cho bé yêu của mình nhé!

Quá trình dạy con học ăn?

1. Khi nào bắt đầu cho bé ăn dặm được

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mẹ chỉ nên cho con ăn dặm từ 6 tháng trở lên để đảm bảo bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để hấp thu đủ dưỡng chất, và kháng thể từ mẹ. Điều này đặc biệt đúng và cần tuân thủ ở các vùng nông thôn, điều kiện vật chất, dinh dưỡng chưa đảm bảo, bởi nếu cho bé ăn dặm sớm, bé sẽ ít bú sữa mẹ trong khi dinh dưỡng từ thực phẩm lại không đủ cung cấp cho cơ thể của con sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn hiện nay như tp.HCM hoặc Hà Nội thì các bố mẹ đã có nhiều lựa chọn dinh dưỡng hơn dành cho con, các bữa ăn dặm cũng chất lượng nên phần nào hạn chế được nguy cơ suy dinh dưỡng, do đó, có thể cho bé bắt đầu ăn dặm trong khoảng từ 4-6 tháng. Không được sớm hơn vì hệ tiêu hóa của bé không có men để hấp thu và tiêu hóa thực phẩm ngoài, cũng không được trễ hơn vì sau 6 tháng sữa mẹ không còn đáp ứng đủ dinh dưỡng mà cơ thể bé cần, ngoài ra ăn dặm trễ cũng làm tăng nguy cơ biếng ăn. Bên cạnh đó, các bố mẹ cũng cần lưu ý: khi cho bé bắt đầu ăn dặm từ tháng 4 thì đây chỉ là giai đoạn cho bé làm quen, mỗi lần ½ – 1 muỗng nhỏ rồi tăng dần tuỳ theo sức ăn của bé, sữa mẹ vẫn nên là nguồn thực phẩm chính; khi bé được 5-6 tháng tuổi thì mới bắt đầu tách riêng bữa ăn và cữ bú để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con.

2. Quá trình dạy con học ăn

Bé yêu có ăn đúng khẩu phần dinh dưỡng cần thiết và phát triển đầy đủ trong từng giai đoạn hay không phụ thuộc vào việc mẹ tập cho con ăn ngay từ nhỏ. Quá trình dạy con “học ăn” cần theo nguyên tắc “từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc” và bao gồm các giai đoạn như sau:

Giai đoạn bắt đầu ăn dặm

Khi bé yêu được 6 tháng, mẹ nên cho bé ăn dặm với các loại bột thay vì nấu cháo. Vì dù có xay, gạo vẫn không nhuyễn bằng bột, không thích hợp với dạ dày còn non yếu của bé. Thời gian đầu, mẹ có thể cho con ăn thử một ít rồi mới dần tăng khẩu phần lên cho bé. Cũng trong thời gian này, mẹ nên khuấy bột hơi lỏng để bé dễ ăn hơn.

Khi bé mới bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho bé bột ngọt, vì vị ngọt gần giống như sữa, bé sẽ cảm thấy quen và chấp nhận ăn dễ dàng hơn. Từ 7 tháng, bé bắt đầu quen dần với việc ăn dặm, mẹ có thể chuyển sang các loại bột mặn. Mẹ có thể luân phiên thay đổi hai loại bột này để bé không bị ngán, mẹ nhé!

Giai đoạn ăn cháo

Khi con được 8 tháng, mẹ có thể dùng gạo xay nhuyễn nấu cháo cho con. Tuy nhiên, mẹ lưu ý không nên kết hợp nhiều loại rau củ, thịt cá vì có thể làm mất mùi vị và khiến bé khó tiêu. Khi nấu cháo cho con, mẹ nhớ nêm thêm dầu ăn, vì đây là nguồn chất béo, năng lượng và hỗ trợ hấp thu vitamin cho bé.

Giai đoạn bắt đầu ăn cơm

Bé chỉ nên làm quen với cơm nhão tán nhuyễn sau 19 tháng, khi đã có ít nhất 16 chiếc răng sữa. Và đến khoảng 24 tháng, khi răng sữa đã có được 20 chiếc, bé có thể tập ăn cơm mềm. Ban đầu khi tập cho bé ăn, mẹ có thể cho 1 đến 2 muỗng cơm nát vào cho bé ăn cùng cháo, sau đó tăng dần lượng cơm lên và bớt cháo lại cho đến khi bé quen ăn cơm.

Giai đoạn bé có thể ăn được như trẻ lớn

Mẹ có thể cho con ăn cơm bình thường (không cần xay nát hay nấu nhão) khi con đã mọc đầy đủ răng hàm, khoảng từ 2 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này bé cần nhiều năng lượng, thế nên mẹ nhớ cho ăn cơm cùng các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác nhé. Đồng thời, mẹ cũng cần thường xuyên thay đổi thực đơn để bé không bị ngán và chán ăn.

3. Lưu ý khi chế biến thức ăn cho bé dưới 1 tuổi

Mẹ nên lưu ý không cho bé dưới 8 tháng ăn các loại thịt, cá như bò, gà, cá biển, hải sản,… vì các loại này rất dễ làm bé yêu bị dị ứng. Khi chế biến thức ăn cho bé dưới 1 tuổi, mẹ không cần nêm thêm gia vị, đặc biệt là muối vào món ăn. Vì trong các loại rau và thịt, cá đã có sẵn một lượng muối đủ dùng cho bé. Mẹ cũng lưu ý không sử dụng nước hầm xương để nấu cháo hoặc bột cho con, vì nước chỉ có vị ngọt và mùi thơm, không có giá trị dinh dưỡng.

BSnhi hi vọng bài viết trên đã mang đến những thông tin bổ ích trong quá trình mẹ dạy con “học ăn”, giúp con phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Chúc bé khỏe, mẹ vui ^^

Theo bsnhi

Leave a Reply

Or