Phế cầu khuẩn nguy hiểm hơn những gì mẹ tưởng
Do dễ lây lan, dễ tấn công và gây nhiều bệnh lý nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên phế cầu khuẩn luôn nằm trong danh sách các bệnh cần được chủng ngừa sớm cho trẻ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Sự nguy hiểm của phế cầu khuẩn
Chia sẻ về sự nguy hiểm của phế cầu khuẩn đối với trẻ, ThS. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đây là loại vi khuẩn khu trú trong vùng hầu họng của đa số mọi người(2) (bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ).
Vì có vị trí khu trú đặc biệt, nên phế cầu khuẩn rất dễ lây lan và phát tán trong cộng đồng qua đường hô hấp, qua tiếp xúc gần với người đang mang mầm vi khuẩn(3). Với người trưởng thành có sức đề kháng tốt, khi bị lây nhiễm, phế cầu khuẩn gần như vô hại. Nhưng với trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn non yếu, phế cầu khuẩn lại cực kỳ nguy hiểm khi chúng dễ dàng bùng phát gây nên những căn bệnh chết người như: viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa… Ước tính mỗi năm trên thế giới có đến nửa triệu trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong bởi các bệnh này(1).
Tại Việt Nam, các căn bệnh do phế cầu khuẩn gây ra luôn nằm trong danh sách bệnh nguy hiểm phổ biến ở trẻ nhỏ. ThS. BS. Trương Hữu Khanh cho biết: “Viêm phổi và viêm tai giữa là các bệnh phổ biến nhất do phế cầu khuẩn gây ra tại Việt Nam. Đây chính là những căn bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vì khó điều trị, dễ gây biến chứng và có thể gây tử vong cũng như biến chứng.”
Nói rõ hơn về những khó khăn trong việc điều trị các bệnh nguy do phế cầu khuẩn, ThS. BS. Trương Hữu Khanh cho biết, đó là do phế cầu khuẩn đang ngày càng gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh. Do đó, quá trình điều trị hiện khá vất vả vì phải sử dụng kháng sinh mạnh nhất, đồng thời luôn phải phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau, từ đó làm thời gian và chi phí điều trị cũng tăng lên nhiều lần.
Hiểu rõ mức độ nguy hiểm của phế cầu khuẩn, mẹ sẽ chủ động phòng ngừa đúng cách để bảo vệ con tốt hơn trong những năm tháng đầu đời.
Làm thế nào để bảo vệ trẻ vững chắc trước phế cầu khuẩn?
ThS. BS. Trương Hữu Khanh cũng cho biết, vì phế cầu khuẩn rất dễ lây lan nên các biện pháp phòng tránh thụ động mà phụ huynh thường áp dụng cho trẻ như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, hạn chế tiếp xúc với người lạ… là cần thiết, nhưng vẫn không đủ để bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi sự tấn công của phế cầu khuẩn. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là chủ động cho trẻ chủng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn ngay từ 6 tuần tuổi.
Lưu ý về việc chủng ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ ngay từ 6 tuần tuổi, ThS. BS. Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: “Vì 6 tuần tuổi là thời điểm vàng để bé chủng ngừa khá nhiều bệnh như: mũi tổng hợp (6 thành phần hoặc 5 thành phần), vi rút Rota và cả phế cầu khuẩn, nên phụ huynh cần chú ý chọn loại vắc xin phù hợp để có thể chủng ngừa các mũi tiêm khác nhau cho trẻ trong cùng một ngày. Vì hiện nay trên thị trường có 2 loại vắc xin chủng ngừa phế cầu, một loại sẽ có kháng nguyên “đụng” với kháng nguyên trong mũi tổng hợp (5 trong 1 hoặc 6 trong 1) nên cần phải chủng ngừa cách nhau một tháng, một loại thì không “đụng” nên hoàn toàn có thể chủng ngừa chung. Do đó, để đảm bảo an toàn thì phụ huynh nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ để lựa chọn loại vắc xin phù hợp để hoàn thành kịp tất cả các mũi chủng ngừa cần thiết đúng và đủ lịch trước khi trẻ 6 tháng tuổi.”
Phụ huynh cần chú ý tham khảo ý kiến Bác sĩ để lựa chọn các loại vắc xin có thể tiêm phối hợp cùng nhau, từ đó đảm bảo lịch chủng ngừa đúng thời điểm cho trẻ ngay từ 6 tuần tuổi.
Hy vọng với những chia sẻ trên từ ThS. BS. Trương Hữu Khanh, phụ huynh sẽ có cái nhìn khách quan và hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của phế cầu khuẩn, từ đó nghiêm túc tuân thủ lịch chủng ngừa để bảo vệ con vững chắc trước những căn bệnh nguy hiểm trong những năm tháng đầu đời.
Theo Afamily