Phạt con, mấy ai nở được nụ cười?

Các ông trọng tài ở Châu Âu được đào tạo kỹ lưỡng đến mức vẫn mỉm cười khi thổi còi phạt. Có cha mẹ nào tự đào tạo mình kỹ đến mức, thay vì giận dữ phạt con thì nở được nụ cười?

 
Ảnh minh họa: Internet.

Vừa qua, khi ngồi xem trận bóng đá giữa U19 Nhật và U19 Tottenham ở giải giao hữu quốc tế U19 tại sân Thống Nhất, anh bạn đi cùng đã chia sẻ: “Các trọng tài châu Âu được đào tạo kỹ lưỡng đến mức, họ vẫn nở nụ cười khi giơ thẻ phạt, thậm chí là thẻ đỏ đối với cầu thủ. Còn ông trọng tài người Việt này chỉ phạt cầu thủ thẻ vàng thôi, nhưng động tác vung tay đầy giận dữ”.

Về mặt tâm lý, trước một pha bóng ác ý, mỗi người dễ thể hiện bức xúc ra mặt, dù ai cũng biết rằng, để cảm xúc chi phối khi giải quyết vấn đề là thất bại. Bất giác, tôi nghĩ nhanh đến chuyện cha lỡ tay đánh chết con chỉ vì mất bao tiêu 20kg mới xảy ra ở Đăk Lăk, thấy xót xa biết bao. Nhiều ông bố, bà mẹ vẫn chưa bỏ được thói quen dạy con bằng bạo lực. Nhưng nếu phụ huynh lắng lòng mình để nhìn lại những trận đòn roi trút xuống con, sẽ chiêm nghiệm được nhiều điều đi ngược với nếp nghĩ “đánh cho khỏi hư”.

Tôi còn nhớ như in trận đòn hãi hùng nhất mà cha tôi đã trút xuống, khi tôi còn ở độ tuổi mới lớn. Sau khi nghe mẹ “kể tội”, cha đã lao nhanh ra vườn bẻ một cành cây khá to. Tôi đứng trong nhà, nhìn thấy cảnh đó mà bủn rủn tay chân. Sau vài câu hỏi mà không cần chờ trả lời, cha giáng tới tấp xuống mông, lưng tôi. Trong cơn giãy giụa, tôi còn bị đánh trúng cả đầu. Lạ thay, lúc đó tôi gần như không cảm nhận rõ cơn đau về thể xác, mà cứ ngước lên nhìn nét mặt giận dữ của cha rồi sụp đổ tình cảm trong lòng. Cha mình đây sao? Một người hàng ngày cận kề, chăm sóc, hỏi han, thương yêu đây sao? Thấy tôi nhìn, cha lại giận dữ hơn, quát: “Mày còn trố mắt ếch nhìn tao à?”. Cha đánh dồn dập hơn, tôi lăn lộn khắp nhà, chiếc xe đạp ngã dập lên đầu tôi, cha vẫn tiếp tục đánh.

Sau trận đòn, tôi chẳng nể, chẳng sợ cha nữa, mà còn cảm thấy căm ghét cha. Thậm chí, đôi lúc tôi còn muốn làm ngược ý cha cho bõ ghét.

Bây giờ trưởng thành, cũng có con trai, tôi hiểu được, ngày ấy, cha đã thất bại khi đánh tôi. Những trận đòn kiểu như vậy, “nhân danh” dạy con, nhưng thực chất là trút giận. Khi người cha đang bị áp lực cuộc sống bủa vây, dồn nén, gặp lúc con cái phạm lỗi lầm, người cha ấy đã không làm chủ được mình và trút tâm trạng xấu lên đứa con bé bỏng.

Tôi cố gắng hết mức có thể để không đánh con trai của mình. Thế nhưng, tôi cũng như bao người cha khác, mang nặng áp lực cuộc sống, chất chứa bực dọc hàng ngày nên thường xuyên lớn tiếng nạt nộ. Chắc chắn, đứa con bé bỏng của tôi đang ngơ ngác: Sao cha lạ vậy, mới ôm ấp, dỗ dành, thương yêu đây, mà bỗng dưng nổi giận đùng đùng và đối xử với con như người xa lạ? Câu hỏi đó không dễ tan biến trong tâm hồn trẻ thơ.

Một chuyên gia tâm lý từng đưa ra lời khuyên rằng, các ông bố, bà mẹ đừng lên tiếng dạy dỗ con cái khi chính mình chưa làm chủ được bản thân. Hãy chờ cho tâm trạng cân bằng trở lại, để những hành động dạy dỗ được khách quan. Cái lý thuyết đơn giản ấy, chắc cũng chẳng cần đến chuyên gia nói, hầu như ai cũng tự biết. Vấn đề là mỗi người có ý thức rèn luyện để khống chế cơn nóng giận của bản thân không mà thôi. Cũng có người đưa ra phương pháp cụ thể: Mỗi khi ông bố, bà mẹ nóng giận, hãy dặn lòng “hạ nhiệt, bình tĩnh”. Nếu cảm thấy cơ thể mình vẫn còn run lên, vẫn còn đỏ mặt tía tai, hãy đi tắm cho hạ nhiệt, rồi mới bắt đầu dạy con. Ầm ầm, ào ào để trấn áp con thì quá dễ, còn “luyện nội công” để kiềm chế, không đánh con và không giận dữ khi dạy con mới khó.

Trở lại câu chuyện về thái độ trọng tài – nhân vật được xem là “cha mẹ trên sân cỏ”. Thật ra thì việc trọng tài nở nụ cười khi rút thẻ phạt là không khó. Nhưng rõ ràng, muốn làm được điều tưởng chừng như đơn giản ấy, trọng tài cũng phải có ý thức rèn luyện thường xuyên. Với những ông bố, bà mẹ, việc làm chủ cảm xúc khi dạy con còn khó hơn gấp bội, bởi “càng thương càng giận”. Trước một lỗi lầm của con, việc đòi hỏi cha mẹ nở nụ cười khi dạy dỗ, có là điều quá xa xỉ?

 

 

theo: yeutretho

Leave a Reply

Or