Nguyên tắc an toàn khi con bắt đầu tập đi

Trẻ tập đi thường rất hào hứng khi được chạm và khám phá những đồ vật xung quanh. Điều này sẽ giúp bé phát triển các kỹ năng của mình, nhưng cũng dễ khiến bé gặp nguy hiểm. Chính vì vậy, mẹ cần đặc biệt ghi nhớ những lưu ý sau đây để đảm bảo an toàn cho nhóc quậy

Theo thống kê, độ tuổi tập đi là giai đoạn trẻ dễ bị tai nạn thương tích nhất. Bất ngờ hơn, phần lớn số tai nạn này thường xảy ra ở nhà, nơi được các mẹ đánh giá an toàn cao nhất. Nguyên nhân vì trong độ tuổi tập đi, hầu hết các bé thường rất thích du ngoạn và khám phá khắp nơi, nhưng lại không lường được hết những hậu quả có thể xảy ra. Mẹ sẽ làm gì để bảo vệ an toàn cho bé trong giai đoạn này? Ngăn cấm không cho con khám phá? Thực tế, mẹ chỉ cần tuân thủ một số quy tắc an toàn sau đây nếu muốn giữ an toàn cho những nhóc quậy.

An toàn cho bé tập đi

1/ Không chủ quan

Thực tế, mỗi ngày qua đi, bé cưng sẽ phát triển thêm một chút về kỹ năng vận động và khả năng nhận thức của mình. Điều này có nghĩa, những gì bé chưa thể làm ngày hôm nay, bé có thể làm điều đó vào ngày mai, ngày mốt hoặc ngày kia.

2/ Không bao giờ để trẻ một mình trong bếp hoặc trong nhà tắm

Vì đây là 2 nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy nhất trong nhà. Nếu như phòng tắm lúc nào cũng tràn ngập hóa chất độc hại, thì nhà bếp lại ẩn chứa dao, kéo và những vật sắt nhọn dễ gây thương tích. Thậm chí, nguy hiểm sẽ tăng lên rất nhiều lần nếu bé “lởn vởn” trong bếp lúc mẹ đang nấu ăn.

3/ Cẩn thận khi có khách đến chơi nhà hoặc khi đến nhà người khác

Khi có khách đến nhà, bạn sẽ dễ bị phân tâm và sẽ không để ý nhiều đến hành động của bé. Những lúc này, bố hoặc mẹ nên có 1 người ngồi canh chừng bé và người còn lại sẽ lo tiếp đãi khách khứa. Tương tự, khi đến nhà người khác làm khách, bạn cũng nên phân công một người canh chừng bé. Tránh để trẻ chơi một mình, nhất là ở những nơi có hồ bơi.

4/ Lưu ý những điều nhỏ nhặt

Hầu hết các trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ đều bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ nhặt, thậm chí khó ngờ nhất. Vì vậy, ngoài những mối nguy “lồ lộ”, mẹ cũng đừng nên bỏ qua những lưu ý nhỏ sau đây:

– Giữ bao ni-lông và bóng bay đã bị nổ hoặc xì hơi tránh xa bé

– Bọc kín các ổ điện không sử dụng

– Cất rượu, thuốc lá ngoài tầm với của trẻ

– Diêm, bật lửa hoặc bất kỳ dụng cụ tạo lửa nào cũng nên cất vào trong tủ khóa, tránh xa tầm với của trẻ

– Nếu đặt bé trên bề mặt nào đó có thể xoay hoặc di chuyển, mẹ nên đứng gần và hướng tay trẻ về phía mình

Leave a Reply

Or