Nguyên nhân nào gây chậm phát triển chiều cao?

Tốc độ tăng trưởng của một trẻ, quan trọng hơn là chiều cao tại một thời điểm trong việc xác đinh liệu trẻ có vấn đề về tăng trưởng hay không.

Chào BS,
 
Tôi có đứa con mới 3 tuổi, nhưng giờ lo sợ nó lùn giống ba mẹ. Vì vợ chồng tôi điều lùn cả. Hôm trước tôi có nghe người ta nói, trẻ lùn là do yếu tố di truyền từ bố mẹ, điều này có đúng không? Vậy còn có nguyên nhân nào khiến trẻ bị lùn? Có cách nào giúp trẻ cao lên được không? (Bạn đọc)
Chào bạn, 
Trước tiên, BS muốn bạn xác định xem con bạn có tăng trưởng như thế nào qua bảng đối chiếu sau:
Bình thường:
Thời điểm
Phát triển chiều dài/chiều cao
Phát triển cân nặng
Ghi chú
Lúc sanh
Dài 48-53 cm
CN trung bình: 2.7-3.8kg
Trẻ sinh nhẹ ký có thể phát triển nhanh hơn để đuổi kịp trẻ có cân nặng lúc sinh bình thường
1 tuổi
Chiều cao tăng từ 18-25 cm
Cân nặng gấp 3 lần lúc sinh
2 tuổi
Tăng thêm 10-12 cm chiều cao
Cân nặng gấp 4 lần lúc sinh
Từ 2 tuổi trở lên
Chiều cao tăng 5-6 cm mỗi năm.
Cân nặng tăng khoảng 2 – 2.5 kg mỗi năm
Chiều cao tăng trưởng đều đặn cho đến tuổi dậy thì
Dậy thì:
Tăng trưởng vượt trội trong vòng 2 năm
 Nữ: ngừng tăng trưởng chiều cao khoảng 15-16 tuổi
Nam: ngừng tăng trưởng chiều cao khoảng 17-18 tuổi
Nữ: cao lên 6-11 cm mỗi năm.
Nam: cao lên 7-12 cm mỗi năm.
Sau giai đoạn tăng trưởng vượt trội, sự tăng trưởng giảm dần và cuối cùng dừng lại khi đĩa sụn tăng trưởng đóng.
Một khi sụn tăng trưởng đã đóng, trẻ không còn khả năng tăng trưởng chiều cao nữa.
Bác sĩ của bạn có thể tính tốc độ tăng trưởng từ biểu đồ tăng trưởng. Bác sĩ sẽ sử dụng những biểu đồ này để so sánh cân nặng, chiều cao và tốc độ tăng trưởng với cân nặng, chiều cao và tốc độ tăng trưởng của những trẻ cùng giới và cùng độ tuổi. Vì vậy quan trọng là phải lưu giữ những biểu đồ tăng trưởng và mang chúng theo khi lần đầu bạn đi khám bác sĩ.
– Chậm tăng trưởng chiều cao: xảy ra khi tốc độ tăng trưởng thấp hơn vận tốc tăng trưởng phù hợp theo tuổi.
– Thấp (Short stature) khi chiều cao dưới bách phân vị thứ 3 theo tuổi hoặc chiều cao dưới 2 độ lệch chuẩn so với chiều cao trung bình theo tuổi.
– Lùn (“Dwarfism”: severe short stature): chiều cao dưới 3 độ lệch chuẩn so với chiều cao trung bình theo tuổi.
Các nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao
– Di truyền (lùn có tính gia đình): Con cái là sự phản ánh của cha mẹ. Cha mẹ thấp thường con cũng có chiều cao dưới trung bình và ngược lại. Chiều cao khi trưởng thành của trẻ có thể tính được từ chiều cao trung bình của cha mẹ.
 – Chậm tăng trưởng do thể tạng (còn gọi là chậm dậy thì ): trẻ có chậm tăng trưởng trong giai đoạn trước dậy thì, thường thấp hơn các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, trẻ sẽ đạt được chiều cao bình thường khi trẻ kết thúc giai đoạn dậy thì.
– Chậm tăng trưởng trong tử cung: 10% không bắt kịp chiều cao bình thường lúc 2 tuổi. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu con bạn sinh non, nhẹ cân và không đạt được chiều cao bình thường lúc 2 tuổi. Một số trẻ có thể cần phải điều trị để đạt được chiều cao bình thường.
– Suy dinh dưỡng : dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Can thiệp về dinh dưỡng sẽ cải thiện chiều cao cho trẻ.
– Bệnh mạn tính : ví dụ trẻ có bệnh lý suy gan, suy thận…có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất. Điều trị tốt bệnh lý nền có thể cải thiện sự tăng trưởng về thể chất cho trẻ.
– Sang chấn về tâm lý: trẻ bị ngược đãi, lạm dụng…có thể bị ảnh hưởng đến tăng trưởng. Trẻ cần có một môi trường nuôi dưỡng lành mạnh để đạt được sự tăng trưởng tốt.
– Bất thường nhiễm sắc thể : hội chứng Turner, gặp ở trẻ nữ có bất thường nhiễm sắc thể (45 XO), đôi khi trẻ có hình dáng bên ngoài bình thường, nhưng chậm tăng trưởng. Khi trẻ lớn hơn sẽ có các vấn đề về hệ sinh dục như: vô kinh, không dậy thì…Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ cho trẻ.
– Loạn sản sụn và xương : trẻ thường có vẻ bề ngoài bất thường, chân ngắn, tay ngắn, cổ tay, cổ chân bè, hộp sọ bất thường…
– Nguyên nhân nội tiết :
  + Thiếu nội tiết tố tăng trưởng: Khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích nội tiết tố tăng trưởng không đủ, dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu nội tiết tố tăng trưởng.
  + Suy tuyến giáp: Khi cơ thể tiết không đủ nội tiết tố tuyến giáp, chậm tăng trưởng có thể xảy ra, bởi vì những nội tiết tố này tác động trực tiếp lên sự tăng trưởng và chuyển hóa.
  + Ngoài ra các nguyên nhân khác có thể gây chậm tăng trưởng như: hội chứng Cushing, tiếp xúc với hormon sinh dục nam ngoại sinh, tăng sinh thượng thận bẩm sinh, dậy thì sớm…
– Tuy nhiên ở một số trẻ, không xác đinh được nguyên nhân. Những trẻ như vậy gọi là lùn vô căn
Lùn do thiếu nội tiết tố (hormone) tăng trưởng
– Nguyên nhân gây ra chứng bệnh này:
Nói chung, suất độ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính khoảng 1/4.000 – 1/10.000 trẻ sinh sống. Mặc dù thiếu nội tiết tố tăng trưởng không thường gặp, nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.
Thiếu nội tiết tố tăng trưởng có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Trong bệnh thiếu nội tiết tố tăng trưởng bẩm sinh, bất thường trong sự hình thành tuyến yên và vùng hạ đồi xảy ra trong tử cung.
Thiếu nội tiết tố tăng trưởng do mắc phải có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Điều này có thể do tổn thương các vùng xung quanh tuyến yên và vùng hạ đồi như chấn thương đầu nặng, u não, hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não. Trong một số trường hợp, không xác đinh được nguyên nhân (vô căn).
 – Những dấu hiệu cảnh báo:
Nếu bạn nghi ngờ rằng con bạn không phát triển bình thường, đây là những dấu hiệu bạn cần xem xét:
+Tốc độ tăng trưởng ít hơn 4cm/1 năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì.
+Tăng trưởng kém: khi đường cong biểu diễn chiều cao trên biểu đồ tăng trưởng nằm ngang hoặc đi xuống.
+Trẻ thấp: khi chiều cao dưới bách phân vị thứ 3 hoặc dưới 2 độ lệch chuẩn trên biểu đồ tăng trưởng.
Những dấu hiệu này có thể cho thấy khả năng trẻ có vấn đề về tăng trưởng, Bạn nên gặp bác sĩ nội tiết Nhi để được tư vấn. Khi gặp bác sĩ nội tiết Nhi, con bạn sẽ được hỏi bệnh sử, khám lâm sàng cẩn thận và có thể phải làm một số xét nghiệm hỗ trợ để chẩn đoán nguyên nhân của chậm tăng trưởng đặc biệt là thiếu hormone tăng trưởng.
– Điều trị thiếu nội tiết tố tăng trưởng:
Một khi con bạn đựơc chẩn đoán thiếu nội tiết tố tăng trưởng, bác sĩ nội tiết Nhi sẽ khuyến cáo điều trị thay thế bằng nội tiết tố tăng trưởng. Mục tiêu chính là cung cấp lượng nội tiết tố tăng trưởng đều đặn để trẻ có chiều cao trưởng thành càng gần mức bình thường càng tốt. Nội tiết tố tăng trưởng được sử dụng thành công từ năm 1985 trong điều trị thiếu nội tiết tố tăng trưởng.
Thường trẻ cần phải điều trị cho đến khi dậy thì. Nếu tuân thủ đúng, liệu pháp nội tiết tố tăng trưởng thường có lợi cho con bạn để phát triển thành người trưởng thành bình thường. Sự tăng chiều cao được ghi nhận khoảng 3-6 tháng sau điều trị nội tiết tố tăng trưởng. Hầu hết trẻ em được điều trị sẽ tăng trưởng gấp 2-4 lần tốc độ tăng trưởng trước đó trong năm điều trị đầu tiên. Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bình thường sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng vẫn nhanh hơn nếu không điều trị.
Hầu hết các phụ huynh đồng ý rằng tác động của nội tiết tố tăng trưởng trên tâm lý là tích cực. Trẻ có chiều cao gần bằng bạn bè, có vẻ trưởng thành hơn và có thể đạt được chiều cao trưởng thành trong giới hạn bình thường (so với gia đình trẻ) là những ảnh hưởng có lợi của việc điều trị.
theo: camnanggiadinh

10 thoughts on “Nguyên nhân nào gây chậm phát triển chiều cao?

Leave a Reply

Or