Muốn con ngoan thì phải đánh!

Đứng dậy! Nằm úp xuống! Quay mông ra đây!… Đó là những câu nói mà con gái tôi khi nghe thấy đã khóc oà. Bởi vì nó biết, thế nghĩa là nó sắp bị ăn đòn! Bởi vì với tôi, đã nuôi con thì phải đánh!

Lúc tôi chưa có con, có lần qua nhà người chị họ chơi, thấy chị đang cho con ăn. Thằng bé chẳng tập trung, cơm ngậm trong miệng chảy cả nước. Chị quay ngay lưng cái thìa đang bón, vả đánh “bốp” cái vào má thằng bé. Hồi đó, tôi choáng lắm. Sau nuôi con, tôi thấy cũng là sự bình thường.

muon-con-ngoan-thi-phai-danh

Chẳng bà mẹ nào tự dưng lại thích đánh đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Nhưng, roi vọt giúp tôi dạy dỗ con mình một cách dễ dàng và vừa ý hơn hẳn khi tôi còn áp dụng những biện pháp mềm mỏng.

Nếu ai hỏi lý do để yêu một đứa trẻ là gì thì có lẽ tất cả các bà mẹ trên đời này đều thật dễ dàng trả lời: vì đó là con mình, vì bé rất đáng yêu, vì bé cười làm thế giới toả sáng, vì bé là hiện thân của một hình ảnh khác mà mẹ yêu thương….. Còn tôi, tôi có hàng tá lý do cho việc vì sao một đứa trẻ bị đánh đòn: mẹ bảo chào hỏi khi gặp người lớn nhưng không nghe lời; vừa ăn vừa ngậm; mẹ nấu mì thì đòi ăn cơm, nấu cơm lại đòi ăn mì; làm ồn khi em ngủ; bắt nạt em, tranh mẹ với em; thấy có người bênh (thường là ông bà) là quay sang thách thức, hỗn hào với mẹ; bám theo mẹ đi làm; không chịu đi lớp…..

Nhà tôi không ngày nào không có cảnh, mẹ thì khàn giọng nhắc nhở, còn con thì mắt dán vào tivi, hay mải mê chơi cái gì đó, hoặc miệt mài ngó đàn kiến trên tường…. Tất nhiên, thường kết thúc là việc con bé phải tuân thủ ý tôi với vài roi lằn mông.

Đừng vội bảo tôi là trẻ con đứa nào chẳng thế, phải bảo ban nhẹ nhàng chứ sao lại đánh! Thử hỏi, có bao nhiêu bà mẹ dám tuyên bố là suốt tuổi thơ con không có chữ đòn roi?

Nhà tôi luôn có một chiếc roi để sẵn trên kệ. Những lúc chuẩn bị đánh con, giọng tôi trở nên gằn lại. Có lúc cáu quá, tôi thét lên, không còn chủ ngữ nữa. Thậm chí, vài lần, tôi còn không thể xưng hô mẹ – con mà chuyển sang mày – tao. Tôi cũng từng gọi con là “con kia”, “con láo toét này”…

Đứng dậy! Nằm úp xuống! Quay mông ra đây!… Đó là những câu nói mà con gái tôi khi nghe thấy đã khóc oà. Bởi vì nó biết, thế nghĩa là nó sắp bị ăn đòn! Tôi thì rất hài lòng về việc này, bởi như thế, ít nhất là nó đã biết sợ cái roi – sợ tôi.

muon-con-ngoan-thi-phai-danh-1

Có hôm, gọi đến chục lần nó không vào tắm. Tôi tắt tivi, nó vẫn ì ra ngoài phòng khách, tôi đã lôi xềnh xệch nó, vừa lôi vừa vung roi vụt. Vừa lôi, vừa đánh tôi vừa gào lên: “Mày điếc à? Tao đập chết mày bây giờ? Có biết tao gọi bao nhiêu lần rồi không”. Mặc cho nó gào khóc, tay tôi cứ vụt, miệng tôi cứ hét. Vụt một roi tôi lại hét một lần “gọi không vào này!”, “không nghe tiếng này!”, “ương này”… Tóm lại là rất nhiều, cho đến khi mông nó lằn đỏ lên vệt ngang vệt dọc, và cơn giận của tôi theo đó trôi đi, tôi mới dừng tay, dừng miệng.

Đấy là lỗi lần đầu. Còn thường khi lỗi của nó bị lặp lại thì tôi cứ thế mà đánh luôn. Tôi lẳng lặng đến chỗ để roi, rút ra, kéo tay nó dậy. Có lần, mùa đông nó mặc đồ dày, tôi còn lột quần nó ra, vụt trực tiếp vào mổng, vụt roi nào nó quắn lên roi ấy. Những khi ấy, là tôi hoàn toàn bình tĩnh chứ không hề nóng giận. Nhiều khi nó bất ngờ vì bị tôi đánh, nhưng nó rất nhanh hiểu ra lý do. Nhanh hơn nếu tôi giải thích cả trăm lần.

Chồng tôi những hôm đó thường rất xót con, có lần kêu tôi ác. Nhưng tôi thì không. Tôi không có kiểu đánh rồi xót, rồi chui vào đâu đó khóc lóc, rồi dằn vặt, ân hận. Đau đớn, dằn vặt thế thì đừng có đánh, đừng có mắng. Tôi chỉ thấy thoải mái. Như là được đi xả stress. Như là đang ức đến tận họng lại được ra đứng trước biển hét vang một tiếng. Vì sao ư? Vì sau đó con đã nghe theo ý muốn của tôi, không chỉ một lần, mà cả những lần sau khi gặp vấn đề kiểu đó, độ ì và ương bướng của nó cũng giảm đi đáng kể, nhất là nếu nó thấy tôi nhắc lên từ “roi”.

Tôi cũng có phẩn hả hê vì cuối cùng, tôi – mẹ nó, vẫn là người chiến thắng. Sự ương bướng của nó, dù đến đâu vẫn chỉ là của một đứa trẻ con, không vượt qua được ý chí và sức mạnh tôi.

Tôi luôn tin rằng, thà tôi tự đánh có đau cũng chỉ chút ít, còn hơn để con hư, sau này ra đời mà bị người đời đánh, thì nó còn đau gấp vạn lần.

Thế đấy. Tôi đã rút ra bài học cho mình rằng: Dạy một đứa trẻ không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng cả hành động, hành động ấy đôi khi là cả đòn roi. Một đứa trẻ mới sinh ra thì như một tờ giấy trắng, nhưng mỗi ngày lớn lên nó cũng tiếp nhận từ xã hội đủ điều hay dở, có cả những hay dở bản năng. Nó có nhiều, rất nhiều điểm để yêu thương, thì cũng có những điểm để phải uốn nắn, dạy dỗ.

Ai đó sẽ bảo, đánh đòn làm trẻ bị ám ảnh tâm lý, dẫn tới những tì vết tình cảm cả cuộc đời. Tôi nghĩ trường hợp ấy rất ít. Hơn 80 triệu dân Việt Nam chắc chỉ có vài trường hợp. Cả thế hệ chúng tôi, có đứa trẻ nào không phải ăn đòn. Thậm chí, roi vọt còn đi vào thơ văn, là một biểu tượng sinh động của tuổi thơ, của tình yêu thương. Tất nhiên, chắc rằng cũng sẽ có người bị ảnh hưởng, nhưng tôi nghĩ, đấy, hoặc là những bố mẹ quá tàn tệ, đánh con mà như đòn thù; hoặc đứa trẻ ấy, tâm lý quá mong manh, nhạy cảm, và bố mẹ chúng cũng có lỗi đã không hiểu được con mình.

Tôi khâm phục bà mẹ nào cả đời không đánh con một roi mà vẫn có những đứa con ngoan. Có thể tôi không giỏi dạy con như những bà mẹ ấy – những bà mẹ chỉ là số hiếm trên đời, và cuộc đời cũng phải cho họ thêm nhiều ưu ái khác để họ may mắn có những đứa con ngoan ấy.
Còn với riêng tôi, thì…. đã nuôi con, dạy con, là phải đánh!

Đã nuôi con thì phải đánh. Muốn con ngoan thì phải đánh. Đó là chia sẻ của một bà mẹ gửi đến Mẹ Việt dạy con.

Mời bạn chia sẻ quan điểm của mình ở mục Bình luận phía dưới, hoặc gửi email tới mevietdaycon@gmail.com. Bài viết được đăng được hưởng nhuận bút theo quy định.

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or