Mới mang bầu, phải khám những gì?

Lần khám thai đầu tiên là vô cùng quan trọng để xác định xem bạn đã chắc chắn có con chưa.

Vậy trong lần đầu đi khám thai này, mẹ bầu sẽ được bác sĩ khám những gì. Hãy cùng tìm hiểu những nội dung khám cần thiết dưới đây:

Cân nặng

Phụ nữ mang thai nếu quá gầy hoặc quá béo đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi trong thai kỳ và lúc sinh nở. Trước khi có bầu nếu chị em có thể trạng cân nặng thấp thì trong thời kỳ bầu bí cần bổ sung dinh dưỡng cân đối để nâng cân trong giai đoạn này.

Đối với trường hợp mẹ bầu béo phì ngay từ giai đoạn đầu có thai sẽ gặp nhiều nguy cơ bị đái tháo đường, huyết áp cao, tiền sản giật và phải mổ lấy thai. Vì vậy bác sĩ sẽ phải theo dõi chặt chẽ mức độ tăng cân của bạn, đồng thời suốt thai kỳ bạn sẽ phải tuân thủ một cách nghiêm túc chế độ dinh dưỡng đặc biệt.

Chiều cao

Nhiều chị em vẫn đang thắc mắc không hiểu chiều cao có liên quan gì đến việc mang thai và sinh con phải không? Ở phụ nữ có chiều cao dưới 1m50 sẽ có khung chậu nhỏ hơn bình thường và có thể gặp khó khăn trong thời gian sinh nở.

Ở một số quốc gia, người ta cũng xem xét số đo khung chậu thông qua cỡ giày dép bạn đi. Tuy nhiên, chị em không nên quá lo lắng vì chiều cao và số đo cỡ giầy không phản ánh một cách chính xác kích thước khung chậu của mẹ bầu. Nhiều chị em có chiều cao khiêm tốn nhưng vẫn sinh nở mẹ tròn con vuông một cách hoàn hảo.

Khám tay

Móng tay: màu sắc và tình trạng móng tay phản ảnh chế độ ăn và mức độ thiếu máu của chủ thể. Việc xem xét móng tay của thai phụ sẽ giúp bác sĩ đánh giá tổng quát sức khỏe của bạn.

Lòng bàn tay, bàn chân: đây là vị trí có khả năng các tĩnh mạch nhỏ bị vỡ hình thành các nốt trông như mạng nhện. Nếu phụ nữ mới mang thai đã xuất hiện các nốt nhện hoặc những vùng thâm tụ máu tại chân thì cần làm các xét nghiệm về đông máu sớm.

Khám bụng

Hãy thông báo với y bác sĩ những thông tin chi tiết về các phẫu thuật vùng bụng mà bạn đã trải qua trước đó như sẹo mổ, vị trí sẹo mổ, các biến chứng sau mổ ( nếu có) để bác sĩ có những phương pháp chăm sóc tốt nhất cho thai kỳ của bạn.

Khám núi đôi

Các chuyên gia y tế khuyên rằng phụ nữ cần có lịch khám núi đôi định kỳ để can thiệp kịp thời các vấn đề y tế. Đa số phụ nữ mắc bệnh ung thư vú thường khởi phát từ 40 tuổi trở lên, nhưng không thể loại trừ các trường hợp chị em đã từng có các khối u xơ hoặc đang trong quá trình bị ung thư vú.

Phụ nữ mang thai bị ung thư vú thì khối u thường phát triển nhanh chóng cùng những tế bào bất thường. Vì vậy việc phát hiện sớm giai đoạn bệnh để có hướng điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân cải thiện đáng kể tình trạng xấu của bệnh.

Mới mang bầu, phải khám những gì? 1

Có rất nhiều nội dung cần được khám trong lần khám thai đầu tiên. (ảnh minh họa)

Khám âm đạo và khung chậu

Khám âm đạo trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể không cần thiết với tất cả các thai phụ, tuy nhiên nếu bạn có khí hư hoặc ra máu đột ngột thì bác sĩ cần phải kiểm tra cổ tử cung để đánh giá mức độ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn do sự gia tăng nồng độ hormone nội tiết tố dẫn tới sự thay đổi của môi trường âm đạo.

Nếu chị em đã từng sinh mổ trước đó thì cần thông báo với bác sĩ để tiến hành đo khung chậu.

Xét nghiệm nước tiểu

Qúa trình xét nghiệm nước tiểu, các y bác sĩ sẽ xác định lượng đường, protein và thể xêtôn ( chất hóa học được tạo ra khi chuyển hóa mỡ) từ đó đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ.

Thông thường, nước tiểu của chúng ta không có đường và protein do thận đã đảm nhiệm chức năng lọc và đào thải.

Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai, do lưu lượng máu gia tăng một cách đột ngột khiến thận lọc không kịp, vì vậy đôi khi trong nước tiểu của thai phụ có lẫn một hàm lượng nhỏ đường và protein.

Đối với những chị em bị mắc bệnh tiểu đường thì kết quả sẽ tìm thấy thể xê tôn trong nước tiểu. Với những phụ nữ khỏe mạnh, không mắc bệnh thì rất có thể bạn đang bị rối loạn chuyển hóa chất do khẩu phần ăn chưa có đủ dinh dưỡng hoặc thời gian ốm nghén đã nôn mửa liên tục.

Xét nghiệm máu

Việc xác định nhóm máu của bạn nằm trong nhóm nào trong số 4 nhóm máu: A, B, AB,O có ý nghĩa quan trọng đối với thai nhi.

Phần lớn phụ nữ hiếm khi bị xuất huyết trong thời gian mang thai nên không phải truyền máu, tuy nhiên trong một số trường hợp khẩn cấp việc đã xác định nhóm máu của cá nhân sẽ tiết kiệm thời gian quý giá khi cần truyền máu nhanh chóng.

Bên cạnh 4 nhóm cơ bản trên, mỗi người đều mang nhóm Rh+ ( rất phổ biến)hoặc Rh- ( nhóm máu hiếm). Nhóm Rh rất quan trọng đối với sức khỏe sản khoa vì mẹ bầu nếu rơi vào nhóm máu hiếm Rh- trong khi thai nhi có nhóm máu Rh+, có thể tạo ra những kháng thể có hại cho thai nhi.

Việc xét nghiệm máu thời kỳ này, bác sĩ cũng đánh giá ý nghĩa chỉ số nồng độ Hemoglobin trong máu. Chỉ số bình thường là 10,5-15,0 g/l. Nếu chị em có nồng độ Hemoglobin giảm thì có nghĩa bạn đang bị thiếu máu cần phải bổ sung các thực phẩm chức nhiều dinh dưỡng đặc biệt là sắt. Thiếu máu là tình trạng rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.

Ngoài ra việc thực hiện xét nghiệm công thức máu tổng quát sẽ phân tích chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu để đánh giá tình hình sức khỏe nói chung. Ví dụ thiếu máu không phải chỉ do thiếu sắt mà còn do các bệnh về máu, thiếu vitamin. Việc xác định kịp thời sẽ giúp bác sĩ có hướng điều trị phù hợp cho thai phụ.

Siêu âm lần đầu tiên

Lần siêu âm đầu tiên có thể được thực hiện khi thai phụ đang ở giữa tuần thứ 8 hoặc 12 để đo kích thước thai nhi. Đồng thời việc siêu âm trong thời điểm này sẽ giúp các y bác sĩ xác định số lượng thai nhi bạn đang có. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để quá trình chăm sóc tiền sản diễn ra an toàn.

Khi thai nhi bước sang tuần 18-20, mẹ bầu nhất thiết phải siêu âm ở giai đoạn tiếp theo này để xác định một cách rõ ràng sự phát triển các cơ quan và hệ cơ thể của thai nhi.
theo: kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or