Mảnh vỡ tuổi 15

Còn nhớ năm chị Tư của tôi học lớp 11, một lần uống ngà ngà say, ba lên trường của chị tôi, chửi rủa xối xả ngay từ ngoài cổng trường. Ba bảo chị ăn cắp tiền của ba. Chị tôi xấu hổ với thầy cô, bạn bè nên một tuần sau đó đã nghỉ học.

Còn chị lên thành phố, xin làm công nhân. Đến lượt tôi, ba cũng nhiều lần bêu riếu tôi là đứa ăn cắp tiền. Vì gia cảnh khó khăn, tôi luôn chậm đóng học phí. Có lần cô chủ nhiệm mời ba lên. Ba đến trường gặp cô giáo trong tư thế chân nọ đá chân kia, miệng sặc mùi men. Suốt buổi, ba chỉ nói đi nói lại một câu: “Tôi đã cho nó đóng tiền học phí. Là nó lấy đi bao bạn bè. Chính các thầy cô làm hư nó…”.

Trường tôi học ở khu vực nông thôn hẻo lánh. Thầy cô lương ba cọc ba đồng, ngoài thời gian đến lớp, họ còn phải làm rẫy, nuôi heo mới mong đủ sống. Tôi không trách thầy cô không chia sẻ với nỗi khó khăn của học sinh, chỉ cảm thấy buồn vì họ không thông cảm và hiểu cho hoàn cảnh khốn khó của học sinh.

Đến giờ chào cờ đầu tuần, thầy phụ trách cầm một bảng danh sách dài tên những em học sinh chưa đóng học phí. Cả một hàng dài học sinh cúi mặt lầm lũi, lần lượt đi lên. Và lần nào trong số lũ học trò nhếch nhác ấy cũng có mặt tôi. Dường như thầy cô đã làm cho đám bạn học có hoàn cảnh khá giả hay trung bình kia không còn biết cảm thông với cảnh khổ của bạn bè mà thay vào đó là sự khinh miệt.

Sau giờ chào cờ, tôi gặp cô giáo chủ nhiệm ở hành lang và cố giải thích cho cô hiểu chuyện tôi chậm đóng tiền học phí vì cha mẹ chưa kịp bán bắp. Cô đã hét vào mặt tôi: “Em đừng có lừa thầy dối bạn nữa. Chính ba em đã nói với cô em lấy tiền đóng học phí đi bao bạn bè ăn quà vặt…”. Tôi lặng người. Tức tưởi.Tiếng cô giáo xen lẫn tiếng bạn bè xầm xì, to nhỏ. Tôi lê chân dọc theo hành lang mà nước mắt chảy dài. Càng cố nén càng uất ức. Tôi về lớp, ngồi gục mặt xuống bàn, khóc như mưa.

Từ chuyện cô giáo mắng chửi tôi ăn cắp, sau đó trong lớp, nhiều bạn học bắt đầu nghi ngờ tôi có tật thó mó. Khi các bạn mất viết, thước kẻ… mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía tôi. Vì ai cũng tin lời cô giáo là “bản án” chính xác nhất. 15 tuổi, suốt năm học lớp 9, tôi bị trầm cảm kéo dài, trong đầu cứ luôn nghĩ đến cái chết. Ngày nào đến lớp, chỉ giờ học tôi mới ngẩng mặt lên. Vào giờ ra chơi, tôi thường ngồi gục mặt xuống bàn. Tôi không giao du, nói chuyện với bất cứ bạn học nào. Điểm số của tôi sa sút dần. Tôi thi tốt nghiệp đậu “vớt” nhưng không đủ điểm vào trường cấp III ở gần nhà. Mẹ quyết định gửi tôi trọ học ở trên thị xã. Cũng may, chính việc rời khỏi xóm làng, trường cũ và người cha hay say xỉn đã giúp tôi dần lấy lại lòng tự trọng, niềm tin vào bản thân.

Bây giờ khi đã ở tuổi trưởng thành, nhớ lại những ngày tháng cũ, tôi vẫn không khỏi chạnh buồn. Người lớn thường nghĩ trẻ con “dễ giận nhanh quên”. Họ thản nhiên sỉ nhục, chà đạp nhân phẩm, lòng tự trọng của trẻ mà không quan tâm trẻ có tổn thương hay không. Chính suy nghĩ hời hợt ấy đã đẩy trẻ đến không ít bi kịch đau lòng. Hãy tôn trọng trẻ như một người lớn “thu nhỏ” để trẻ không phải lớn lên với một tâm hồn rách nát và những vết ố khó phai mờ theo thời gian.

Hạ Thảo

Theo Phunuonline

Leave a Reply

Or