Lưu ý khi tẩm bổ cho bé lúc ốm

Việc bé bị ốm và không muốn ăn các loại cháo, bột có trộn rau, thịt là điều không quá khó hiểu do ở thời điểm này, hệ tiêu hóa của bé đang rất yếu nên rất khó tiêu hóa thức ăn. Vì vậy nếu bé thật sự không muốn ăn, các mẹ không cần phải ép bé.

Nếu bé thật sự không muốn ăn, các mẹ không cần phải ép bé

Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc ép bé ăn các thức ăn khó tiêu hoặc có mùi vị làm bé khó chịu dễ dẫn tới những hậu xấu sau này như chứng lười ăn, chán ăn, sợ ăn… do “ám ảnh” bởi những món đã bị ép ăn trong thời kỳ ốm.

Trong thời điểm này, việc ăn dặm khó có thể bảo đảm cung cấp dinh dưỡng cho bé. Vì vậy nên bổ sung thêm các loại vitamin và sữa bột công thức cho bé. Khi bé đã hết sốt và khỏi bệnh, bạn nên tập cho bé thói quen ăn uống bình thường trở lại, tốt nhất là bắt đầu từ những món cháo nấu với các loại rau củ có mùi dễ chịu hoặc gần như không có mùi như cháo su su, cháo bí xanh, bí đỏ, bông cải xanh… Sau khi bé đã quen dần với những hương vị này, bạn có thể tập cho bé ăn cháo nấu với các loại thịt như thịt gà nạc, thịt lợn nạc… rồi dần dần chuyển sang các loại nguyên liệu có hương vị mạnh như cháo tim cật, các món canh, món xào có ít dầu mỡ…

Tuy nhiên, một nguyên tắc bạn cần nhớ là nên cho bé ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu trong thời kỳ bé mệt, ốm và tăng cường dinh dưỡng khi bé khỏe trở lại. Một số ông bố, bà mẹ đã sai lầm khi thấy con ốm càng nặng càng tăng cường các món bổ béo cho con. Như vậy chỉ làm hệ tiêu hóa của bé thêm mệt mỏi, bản thân bé càng khó chịu hơn mà thôi. Ngoài việc ăn uống, bổ sung thêm nước cho bé cũng là điều vô cùng quan trọng. Bạn có thể cho bé uống nước hoa quả, oresol, nước cháo loãng và truyền dịch tại các cơ sở y tế nếu cần thiết. Trong quá trình sốt, bé rất dễ bị mất nước và muối khoáng trong cơ thể nên nếu không được bù lại kịp thời, bé có thể gặp nhiều biến chứng về thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể.

Theo Kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or