Dạy con sự tử tế

Einstein – một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới đã đề cao tính cách con người, cho rằng đó mới là yếu tố quyết định, ngay cả đối với thành tựu về trí tuệ.

Theo Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia), trong các tính cách đáng trân trọng của con người, có lẽ sự tử tế cần được đặt lên hàng đầu. Khi xã hội có những bất ổn thì sự tử tế cứu rỗi để chúng ta không cùng nhau đi xuống bùn đen.

Sự tử tế là điều được bàn đến nhiều gần đây sau khi dư luận xã hội dậy sóng với những hành vi không tử tế. Nhiều ví dụ đau lòng diễn ra hàng ngày. Có những câu chuyện giết người dã man ở ngay trong những mối quan hệ thân thuộc, cha con, anh em, chồng vợ… Hơn bao giờ, chúng ta cần cứu lấy sự tử tế trong mỗi người, nuôi dưỡng nó, lan tỏa nó. Và quan trọng nhất là dạy con chúng ta, thế hệ tương lai, thành người tử tế.

Làm sao để con chúng ta sống tử tế? Có lẽ đây là một câu hỏi không dễ trả lời, nhưng cũng xin đưa ra bàn với quý cha mẹ một vài ý tưởng:

1. Sự tử tế cần dạy từ khi trẻ còn đang tượng hình trong bụng mẹ: người Việt Nam có câu “Con vào dạ, mạ đi tu”. Tu ở đây là tu tâm, dưỡng tính. Người mẹ nghĩ và làm những việc tốt, việc thiện lành, đứa con trong bụng sẽ được nuôi dưỡng bằng thức ăn tinh thần “tử tế” từ đó.

2. Sự tử tế được trao truyền từ chính những hành vi tử tế xung quanh trẻ: cha mẹ, ông bà, bạn bè, hàng xóm, thầy cô giáo… mọi người mà trẻ tiếp xúc sẽ ảnh hưởng lên trẻ. Nếu trẻ được đối xử tử tế, trẻ được thấy cách hành xử tử tế, sẽ học được cách đối xử tử tế với mọi người. Môi trường sống, môi trường xã hội mà đứa trẻ được “tắm” trong đó rất quan trọng đối với sự hình thành những tính cách trong con người trẻ.

3. Giúp trẻ hiểu ý nghĩa của việc sống tử tế đối với trẻ và với mọi người xung quanh. Trẻ cần hiểu mỗi hành vi tử tế làm nở hoa trong tâm hồn mỗi người và giúp cuộc sống trở nên đáng sống hơn. Với những ví dụ thực tế như con ngã, bạn nâng con đứng dậy; con khó khăn bạn giúp đỡ; con buồn bạn lắng nghe… Khi đó, con hạnh phúc và người giúp con còn vui hơn vì thấy mình có ích. Người cho đi bao giờ cũng hạnh phúc hơn người nhận.

4. Con trẻ cần được người lớn giải thích đâu là hành vi tử tế, đâu là hành vi xấu. Trẻ biết giới hạn những hành vi được làm và không được làm, tốt và xấu… từ đó trẻ sẽ biết và làm những điều trẻ cho là đúng, là tốt, là đẹp.

5. Người lớn cần biết xin lỗi nếu mình trót có hành vi không tử tế trước mặt con. Điều này sẽ giúp trẻ tôn trọng người lớn, hiểu được rằng giữa nói và làm cần thống nhất nhưng không dễ dàng, vì ai cũng có thể phạm lỗi. Trẻ sẽ nhận ra: biết sửa lỗi và cố gắng sống tử tế hơn mỗi ngày là điều cần thiết.

Sống tử tế không hề là một việc dễ dàng nếu con người còn đề cao lợi ích cá nhân. Để “thành nhân” chính là biết sống vì người khác.

day-con-su-tu-te.png2

Ảnh minh họa.

Làm sao để dạy con yêu thương, trung thực, coi trọng những giá trị nhân văn trong bối cảnh chính người lớn cũng vô cảm, thấy người bị tai nạn không ai cứu, cha giết con, vợ giết chồng, thần tượng tiến thân bằng hở mông, hở ngực?

Đó là những trăn trở chúng tôi mang tới trò chuyện với ông bố Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, cũng là tác giả của nhiều bài báo nhân văn, sâu sắc.

Có nên dạy con vô cảm để được an toàn?

PV: Không ít cha mẹ cho rằng dạy con vô cảm (coi như không nghe, không thấy, không biết những chuyện tai ương của thiên hạ) là một cách để con không bị lừa, bị thua thiệt hay rước họa vào thân. Họ cho rằng thời nay thì phải thế, đấy là cách để thích nghi với môi trường xung quanh. Anh nghĩ sao?

Nhà báo Phạm Trung Tuyến: Đó có phải là môi trường họ muốn không? Nếu không, tại sao họ bắt con phải thích nghi? Họ tự tước đi khả năng thay đổi môi trường của mình. Tôi tin rằng môi trường sống là do chính mình tạo ra, cần nỗ lực để thay đổi nó trong khả năng có thể.

Dĩ nhiên, đó không phải là môi trường họ muốn, cũng như họ không muốn đi phong bì, luồn cúi… Nhưng nếu không làm điều đó, họ sợ con mình sẽ thiệt thòi…

– Tôi cũng hiểu rằng, khi tôi dạy con theo những giá trị sống mà mình coi trọng, con có thể thiệt thòi. Con có thể cảm thấy lạc lõng, mất quyền lợi, thậm chí không thành công sau này. Mỗi người làm cha làm mẹ đều có những lựa chọn của riêng mình, dựa trên những gì mình biết và trải nghiệm. Cá nhân tôi dạy con rằng: việc con bị thiệt thòi không quan trọng bằng việc con sẽ không xấu hổ về bản thân và những điều mình làm.

Cha mẹ phải là thần tượng của con

Làm sao có thể dạy con những giá trị sống tốt đẹp khi môi trường có quá nhiều điều nhiễu loạn, như đã kể trên?

– Chính mình phải làm gương cho con. Trẻ nhỏ không thể học được những hành vi, thói quen tốt nếu người lớn không làm gương. Thế nên tôi phải buộc sống sao cho con bắt chước, không xa rời những giá trị mà tôi định hướng cho con.

Tôi cũng dạy con rằng, những điều cha mẹ nói chưa chắc đã đúng, những điều thầy cô nói không hoàn toàn là chân lý. Tôi hướng cho con tự nhận thức đúng sai từ trải nghiệm của riêng con, qua những tình huống, câu chuyện thường ngày. Như vậy, con sẽ không ngỡ ngàng trước xã hội nhiều giá trị khác biệt, đảo lộn.

Chẳng hạn?

– Hồi con trai tôi học mẫu giáo, bé về hỏi tôi là có ma thật không? Hóa ra cô giáo dọa ma để con ngồi im không nghịch phá. Tôi nói với con điều cô nói là sai. Nhưng mục đích của cô là tốt, cô muốn các con ngoan ngoãn, nghe lời. Nếu như con ngoan ngoãn, cô sẽ không phải nói điều sai, con hãy giúp cô để cô không phải nói điều sai.

Điều mấu chốt là tập cho trẻ tự tư duy, chịu khó suy nghĩ, không dựa theo kinh nghiệm người khác mà lựa chọn điều mình muốn làm.

Nhiều người sẽ phản đối điều đó. Trẻ con chưa đủ chín chắn để tự mình đánh giá và lựa chọn, dễ bị chạy theo ham muốn dễ dãi…

– Phản ứng đó rất đúng. Trẻ em dễ dàng bắt chước, học tập người lớn những điều xấu cũng như những điều tốt đẹp. Chúng cần những hình mẫu để hướng tới, bắt chước. Vậy tại sao bố mẹ không là thần tượng của con mình? Có ai gần gũi với con hơn bố mẹ? Chúng ta sống với con cái hàng ngày và dễ dàng tác động đến con mình, hơn bất cứ thần tượng nào ở Hàn, Mỹ xa xôi.

Chẳng còn cách nào khác cả, ngoài việc là thần tượng của con, tác động đến con những giá trị mà mình mong muốn, trong bối cảnh xã hội đang tan vỡ, nhiễu loạn hệ thống giá trị, chưa có một chuẩn giá trị chung mà toàn xã hội đều tuân thủ. Tôi mong con sẽ sống đúng với những điều mình mong muốn, còn thành công hay không lại là chuyện khác.

Tôi đã tử tế hơn khi chăm con

Trước đây, tôi cũng như mọi ông bố khác, đi làm suốt ngày, không dành nhiều thời gian bên con, có thể có mặt ngay khi bạn nhậu gọi sau giờ làm, có thể nổi cáu, thậm chí văng tục khi ức chế, bực bội, có thể ung dung hút thuốc nơi công cộng…

Dạy con sự tử tế 2
Bố Tuyến và con gái trong một chuyến đi chơi.

Nhưng rồi, một biến cố không may trong cuộc đời đã khiến tôi một mình nuôi dạy hai đứa con. Khi còn có mẹ chúng, tôi không hề ý thức được các con phụ thuộc vào mình, chịu tác động của mình. Đến lúc làm thay mọi thứ của một người mẹ, tôi mới nhận ra rằng, con sẽ bắt chước cách mình làm, mình sống, những hành vi và thói quen của mình. Không rơi vào hoàn cảnh đó, có lẽ tôi không nhận ra được.

Lúc đầu, tôi phải giả vờ… tử tế, về sớm nấu cơm cho con thay vì đi nhậu, kiềm chế và giữ bình tĩnh khi nổi nóng…, nhưng sau dần, những điều đó thành thói quen, nếp sống của tôi.

Theo afamily

Leave a Reply

Or