Làm gì khi sữa ra nhiều

Bất cứ bà mẹ nào cũng mong có sữa nhiều để cho con bú, song khi sữa mẹ ra quá nhiều không chỉ gây nôn trớ, nghẹn thở cho bé khi bú, mà còn gây ra không ít phiền phức cho mẹ. Vậy phải làm thế nào đây?

Làm chậm dòng sữa

Với hiện tượng sữa về nhiều, trước hết mẹ chuẩn bị sẵn một chiếc khăn mềm (dạng khăn sữa) để thấm khô vùng ngực mỗi lúc cần thiết. Những hướng dẫn sau sẽ giúp mẹ làm chậm lại dòng sữa của mình:

– Ngay sau khi vừa ngậm ti, nếu thấy bé ngấu nghiến tu ti nhưng có hiện tượng thở gấp, há to miệng do dòng sữa về nhiều, mẹ hãy tìm cách đưa bé rời khỏi ti mẹ một lúc. Đợi cho đến khi dòng chảy của sữa chảy đều và từ tốn hơn, bạn mới nên cho bé bú lại.

– Chỉ cho bé bú một bên ngực trong mỗi cử bú. Như vậy bé vừa bú được trọn vẹn lượng sữa, vừa chỉ bị hiện tượng sữa ra ào ạt một lần trong những phút đầu bú sữa.

– Ấn nhẹ vào vùng núm vú trong lúc cho bé bú để làm giảm dòng chảy khi sữa đang chảy nhiều ra.

– Thay đổi vị trí và tư thế bú của em bé. Thay vì luôn bú nằm, tư thế ngồi bú có thể làm cho dòng chảy lớn của sữa mẹ thành những tia nhỏ hơn.

– Tư thế thuận lợi nhất để hạn chế dòng sữa chảy mạnh khi cho bé bú là mẹ ngồi dựa lưng vào tường hoặc nằm thẳng rồi để bé nằm trên người và bú.

– Bơm sữa trước khi cho bé bú và chờ tới khi những dòng chảy lớn chậm lại bạn mới nên cho bé ti.

Bất cứ bà mẹ nào cũng mong có sữa nhiều để cho con bú.

 

Hạn chế chảy, rỉ sữa bất thường

Xuống sữa là một tiến trình vật lý liên quan đến bộ não. Bạn sẽ nhận thấy ngực mình xuống sữa nhiều hơn khi nghĩ tới em bé, nói chuyện về em bé hoặc nghe thấy tiếng em bé khóc. Thông thường, sữa xuống một cách tự phát, không cố định và có thể vào bất cứ thời gian nào. Vì vậy mẹ có thể thường bị chảy sữa, rỉ sữa ở ngay nơi công cộng và gây ra không ít bất tiện. Những hướng dẫn sau sẽ giúp mẹ phần nào tránh được hiện tượng này.

– Mẹ nên mang theo người, đặt ở gần giường ngủ những miếng lót chuyên dụng để dán vào vùng ngực những khi cần thiết. Tránh những miếng lót có chất liệu nhựa hoặc không có tác dụng thấm nước, gây ẩm ướt vùng ngực hoặc khiến ngực bị dị ứng.

– Nếu nhận thấy bị ra sữa quá nhiều, hãy dùng thêm một tấm gạc nữa lót ngực, hoặc lót thêm một miếng mỏng ở dưới ga giường, vị trí mẹ nằm ngủ. Sữa thấm ra ga giường có thể khiến khó giặt, khó tẩy, làm bẩn tấm ga của hai mẹ con.

– Nếu phải đi ra ngoài, mẹ nên chọn áo ngoài tối màu để ngụy trang cho việc chảy sữa.

– Việc bơm sữa càng kích thích sữa chảy ra, nên mẹ đừng cố bơm để hạn chế việc chảy sữa.

– Mẹ có thể gây sức ép lên vùng nhũ hoa để hạn chế việc rỉ sữa, bằng cách ấn mạnh tay lên núm vú hoặc ấn cả bàn tay lên vùng ngực. Tuy nhiên cách này không nên áp dụng trong những tuần đầu mới sinh, vì nó không kích thích sữa chảy ra, thậm chí có thể gây mất sữa.

Theo ebe

Leave a Reply

Or