Không biết quản lý tài chính cá nhân là đang gián tiếp làm hại gia đình mình

Bạn đang gián tiếp giết người thân khi đau ốm nhanh hơn … vì không biết cách quản lý tài chính cá nhân!

Mình nhận ra điều đó vào cái ngày chị Hai báo tin thằng cún cháu vô ý nhảy vào nồi nước sôi, bị bỏng nặng phải nhập viện gấp. Thân là dì ruột của cháu, lại đã đi làm gần 1 năm nhưng mình không để dư ra được bao nhiêu, chỉ có thể hỗ trợ chị được 1/6 tiền viện phí cho cháu mà thôi. Tiền thuốc men cho cháu sau này, tiền bồi bổ cho cháu … 1 mình mẹ cháu phải xoay sở tự lo hết. Nghĩ đến chị một thân một mình bươn chải nuôi 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học, tự thấy mình thật quá vô dụng và bất lực…

Người Mỹ có một câu thành ngữ rất hay: “Save for a rainy day” – có nghĩa là tiết kiệm tiền để dành cho những thời điểm khó khăn cần đến. Ai trong đời chắc cũng ít nhất 1 lần gặp phải tình huống bất ngờ, lâm vào cảnh khó khăn về tài chính phải không?

– Một tháng, đột nhiên có đến 4, 5 cái thiệp mời cưới!

– Hóa đơn tiền điện, tiền internet, tiền nhà … bỗng dưng tăng đột ngột!

– Công việc ở cơ quan đang yên ổn, bỗng nhiên một ngày tên bạn có trong danh sách cắt giảm nhân sự!

– Người thân đột ngột lâm trọng bệnh, qua đời …

Và còn vô vàn những thời điểm mà bạn cần đến tiền. Thậm chí có những thời điểm mà nếu không có tiền, sinh mạng người thân của bạn có thể bị đe dọa. Ngoài kia, mỗi ngày có không biết bao nhiêu người phải nằm nhà “chờ chết” chỉ vì mắc bệnh hiểm nghèo mà không có tiền trả viện phí. Phủi phui cái mồm – nếu một ngày người thân của chính bạn lâm vào hoàn cảnh đó thì sao?!?!

Nếu bạn không học cách quản lý tài chính cá nhân bây giờ, học cách “save for a rainy day” thì đến ngày đó chắc chắn bạn sẽ phải hối hận và ám ảnh với suy nghĩ: Chính mình đã gián tiếp khiến bệnh tình của họ trầm trọng thêm/gián tiếp giết họ!

Học cách quản lý tài chính như thế nào cho hiệu quả?

Việc làm đầu tiên, mình khuyên bạn hãy ghi chép lại tất cả những khoản thu chi trong mỗi tháng. Có 1 phần mềm quản lý thu chi trên điện thoại mà mình đang dùng và cảm thấy rất hiệu quả: Sổ thu chi cá nhân Misa!

Tiếp theo, có 3 trường hợp bạn có thể để dư ra một chút tiền sau mỗi tháng:

– Trường hợp 1: Nếu nguồn thu của bạn là cố định, hãy nghĩ cách giảm chi!

Nếu như mỗi tháng bạn chỉ có thể kiếm được đúng X triệu không hơn, hãy rà soát lại các khoản chi trong tháng và xem bạn đã bỏ tiền cho những mục gì không cần thiết.

+ Bạn có thói quen mua sắm quần áo, trang sức dù tủ đồ của bạn vẫn còn những món đồ mà bạn chưa từng mặc – tháng sau đừng lặp lại hành động này!

+ Bạn nấu cơm luôn luôn bị vượt mức ăn của cả nhà, khiến nhiều khi cơm canh thừa phải đổ đi rất uổng phí – hãy cân đo đong đếm kĩ lưỡng trước khi nấu nướng!

+ Bạn thường xuyên đi ăn uống và tụ tập cùng bè bạn – hãy cân nhắc và giảm thiểu đi một vài buổi, vì mỗi cuộc ăn chơi thế này tiêu tốn kha khá tiền bạc rồi!

– Trường hợp 2: Tăng các khoản thu, khoản chi giữ nguyên

Nhiều người vẫn than phiền tại sao mỗi tháng chẳng tiêu pha gì được cho bản thân mà tiền vẫn đi đâu mất – đó là do những khoản chi cố định của bạn quá lớn!

Mỗi tháng bạn sẽ có những khoản nhất định phải chi như: Tiền nhà (nếu đi thuê trọ), tiền điện nước, internet nếu có; tiền ăn, tiền xăng xe đi lại …

Khi những khoản chi này không thể thay đồi, bạn phải nghĩ cách để tăng nguồn thu!

Ví dụ: Công việc của mình chuyên về viết lách, ngoài làm giờ hành chính, mình vẫn nhận cộng tác với một số đơn vị báo chí để có thể gia tăng thêm thu nhập.

– Trường hợp 3: Tăng thu, tăng cả chi nhưng phải đảm bảo thu vẫn cao hơn chi

Được như trường hợp này thì tốt quá! Khi mà các khoản thu nhập của mình cộng lại vừa đáp ứng được đời sống sinh hoạt cơ bản, vừa đáp ứng thêm được các nhu cầu khác mà không phải com cóp tiết kiệm nhiều.

Đa phần, chúng ta rơi vào trường hợp 1 và 2. Tức là phải nghĩ cách giảm chi, tăng thu nhập để có thể dư ra một ít tiền phòng thân.

99% người Việt đang mắc sai lầm khi tiết kiệm

Tại sao mình lại nói vậy? Vì đa phần chúng ta đang tiết kiệm bằng cách áp dụng công thức:

Tiết kiệm = Thu – Chi

Tức là tiền tiết kiệm hàng tháng chỉ là số dư sau khi đã chi tất cả các khoản trong tháng.

Trong khi công thức đúng phải là:

Chi = Thu – Tiết kiệm!

Tức là khoản tiền tiết kiệm phải được bỏ ra ngay từ đầu! Sau đó mới cân đối các khoản chi tiêu!

Ví dụ: Mùng 5 mỗi tháng được nhận lương, bạn hãy bỏ ra 1 khoản tiết kiệm cố định (có thể là 500k, 1 triệu – tùy vào mỗi người). Số tiền còn lại được dùng để cân đối chi tiêu.

Cách này sẽ giúp bạn tự ép bản thân vào một khuôn khổ, không tiêu xài hoang phí.

Hồi đi tuyển dụng, mình hay hỏi ứng viên: “Bạn mong muốn mức lương thế nào?”

Rất nhiều bạn trả lời chung chung kiểu: “Em hy vọng mức lương có thể đủ để đáp ứng cuộc sống hàng tháng”.

Trời đất, biết thế nào là đủ? Bản thân mình nếu có trong tay 3 triệu, mình sống kiểu 3 triệu! Nếu có 5 triệu, mình sống kiểu 5 triệu! 7 triệu, thì mình có cách sống của 7 triệu!

Nói tóm lại là khi nhận lương, hãy cứ bỏ ra 1 khoản cố định tiết kiệm đi, ép mình nhất định không được tiêu vào. Lúc đó với số tiền còn lại dù ít dù nhiều bạn cũng sẽ sống được thôi – bằng cách này hay cách khác!

CHIA SẺ CỦA 1 CÔ GÁI VỪA NHẬN ĐƯỢC TIN CHỊ HAI ĐI CHỢ BỊ TRỘM RẠCH TÚI XÁCH MẤT SẠCH TIỀN, ĐANG TỰ CHỬI MÌNH VÌ CÁI SỰ BẤT LỰC!

Theo Readzo

Leave a Reply

Or