Hành trình vượt cạn của mẹ ba con

Sau ba lần vượt cạn, một lần đẻ mổ, hai lần sinh thường (mổ đẻ là tập hai), mẹ cháu đúc rút thành bài viết này, chia sẻ cùng các mẹ.

HÀNH TRÌNH VƯỢT CẠN
4-thay-doi-cua-me-sau-1-gio-vuot-can

Hành trình vượt cạn là cuộc hành trình cô đơn, cô độc ghê gớm của người mẹ. Không ai cảm nhận được cái đau của cuộc vượt cạn ngoài những người đau đẻ. Đau của cơn co tử cung giống như đau thấy tháng nhưng luỹ thừa lên nhiều nhiều lần.

Dấu hiệu của chuyển dạ là ra máu báo và cơn co tử cung. Ban đầu là cái đau êm êm. Rất lâu sau mới đến cái đau chịu được. Rồi cũng khá lâu nữa để đến cái đau cố chịu được. Rồi băng băng đẩy người mẹ đến cái đau không thể chịu nổi.
Cơn đau đẻ giống như sóng biển, có dấy lên, có cuộn trào, có đỉnh điểm và có thoái trào, cũng có cảm giác như cái đau từ đáy vực đẩy lên miệng vực rồi chìm lấp xuống. Người mẹ cứ như bị dập vùi trồi lên sụt xuống trong cái biển đau ấy, như tàu lá chuối bị giông dập cho tơi tả, đau bã đau bợi, đau tan đau hoang là những từ gần tả đúng cái đau ấy.

Nếu để đẻ hoàn toàn tự nhiên, không dùng thuốc kích đẻ thì người mẹ sẽ làm quen dần với những cơn đau và kiểm soát được chúng lâu nhất có thể dựa vào việc theo dõi khoảng cách giữa các cơn đau. Thậm chí người mẹ còn có thể dự đoán tương đối chính xác độ mở của tử cung bằng việc xác lập mức đau, xem nếu thang đau là 10 thì mình đang đau ở mức nào, cảm giác đau lắm đau lắm, phải mức 5-6 rồi thì hạ xuống 2-3 bậc vì bao giờ cảm giác cũng bị chênh lên. Tử cung từ 2 mở đến 3 phân là lâu nhất, như cái nãy phải mất rất nhiều thời gian để bật ra, khởi phát cho sự mở, sự nở của đoá hoa dần một nhanh hơn. Người mẹ nên đi bộ nhẹ nhàng và chồng bạn nên dìu bạn, và anh hãy bấm giờ cho các cơn đau của vợ, bao nhiêu lâu thì đau một lần, mỗi lần đau bao nhiêu giây. Điều này giúp người mẹ kiểm soát được cơn đau và hạn chế tối đa những lần thăm khám cửa mình rất đau và khó chịu. Bạn chỉ nên nằm lên bàn đẻ khi tử cung mở khoảng từ 4 phân, khi tử cung mở 6,7 phân thì không được xuống khỏi bàn đẻ nữa.

Điều cốt tuỷ người mẹ phải nhớ là nắm giữ lấy hơi thở của mình, luôn luôn giữ hơi thở đều và sâu để tim em bé đập ổn định và bạn giữ được sức. Sẽ đến lúc bạn cảm giác cố bắt lấy hơi thở mà nó cứ tuột mất, bạn phải cố, cố nữa, lúc này hít vào và thở ra không còn tự nhiên được nữa, nó trở lên khó khăn nhưng cố gắng đừng buông lơi vì chuyên chú vào hơi thở giúp bạn đè lên các cơn đau. Và chắc hẳn bạn chuyển dạ đã cả chục tiếng đồng hồ, lúc này những cơn buồn ngủ cũng vùi dập bạn nhưng là vùi bạn vào cái cảm giác bồng bềnh để lướt trên vài con sóng đau. Thậm chí tôi đã ngủ qua vài cơn đau, thực sự là đã ngủ, cảm giác như mình cắt đuôi được vài ngọn sóng rượt đuổi mình ấy. Bạn biết không, cái bước chuyển sang những cơn đau dồn dập không còn khoảng trống bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được. Lúc này bạn cố giữ bình tĩnh, bám chặt vào thành giường hay níu chặt hết mức vào đệm để chịu đau, bạn ở ngưỡng 8,9 rồi đấy, chịu đau đi đừng để thăm khám. Bạn đột ngột sẽ bị đẩy tới mức 10 ở cái cảm giác buồn lắm rồi, buồn hệt như muốn đi đại tiện, lúc đó bạn gọi bác sĩ nhưng chỉ bắt đầu rặn khi bạn biết chắc chắn tử cung đã mở 10 phân nhé. Khi hai ngón tay thăm khám mở dần ra, bạn không còn thấy chút thành cứng nào, bạn thấy mềm và mở hết tất cả, đã đến phút 90 rồi đấy!!! Bạn hãy tì cằm xuống lấy hơi sâu nhất có thể rồi dồn hơi xuống dưới rặn hai lần. Nhớ nhé, tì cằm, dồn hơi và rặn hai lần. Sẽ không gì ngăn được hết, ở vào cái lúc bạn và thiên thần của bạn muốn gặp nhau rồi. Cái lúc bạn muốn gào lên để rặn cú trót thì nhớ là nuốt gào lại, không gào mà ngậm chặt miệng để dồn cú rặn tống táng. Sẽ cảm giác trơn tuồn tuột và nhẹ bông bỗng. Bé con xám xì của bạn co chân co tay vào mà khóc thật lực. Bạn cố nhìn con rồi nằm vật xuống đó. Bạn giạt vào bờ rồi đó.

Đó là đẻ hoàn toàn tự nhiên. Còn tiêm truyền kích đẻ, nhanh nhưng là một kiểu tra tấn. Vẫn hớn hở vẫy tay chào mọi người để vào phòng đẻ mà sau mũi tiêm truyền kích đẻ bạn bị bọn đau đánh hội đồng luôn. Sẽ chẳng thể đoán đúng độ mở của tử cung, tưởng phải 5,6 mà mới 3. Cứ gọi là đau quằn đau quại và dường như không có khoảng ngưng nào. Bạn cố mà nắm giữ hơi thở, đau thì khóc không tiếng, không được kêu la mất sức. Cũng cố chịu đau để hạn chế bị thăm khám, thăm khám nhiều sẽ bị phù nề cửa mình. Hiện nay còn có dịch vụ đẻ không đau bằng cách tiêm thuốc mê vào tuỷ sống, đẻ theo cách này bạn sẽ không biết khi nào tử cung đã mở 10 phân, khi nào cơn co trào lên để rặn đẻ, bác sĩ sẽ chỉ đạo các lần rặn cho bạn.

Đẻ tự nhiên tốt cho cả mẹ và em bé nhưng trường hợp phải mổ thì người mẹ cũng đừng lo lắng, y học hiện nay rất tiên tiến và trong nhiều trường hợp, đẻ mổ là biện pháp duy nhất để cứu được hai mẹ con.

Trên đây là hành trình vượt cạn thường thấy ở các bà mẹ nhưng có lẽ mỗi người sẽ có cuộc hành trình riêng của mình, không ai giống ai. Nhưng chắc chắn đó là cuộc hành trình gian truân, đau đớn mà vô cùng mãn nguyện. Mỗi người mẹ nên chuẩn bị sức khoẻ thật tốt, tâm lý vững vàng để bước vào cuộc hành trình đón con yêu về với vòng tay của mình.

Theo webtretho

 

Leave a Reply

Or