Điên lên là mẹ lôi con ra đánh

Đi làm về mệt mỏi vô cùng, lại còn phải quay cuồng với hàng loạt những việc nội trợ không tên, đã thế thì chồng lại chẳng giúp gì, nên khi con hư hỏng, không ít bà mẹ phải dùng đến roi như một cứu cánh. Chẳng thể mềm mỏng dịu dàng phân tích cho con hiểu, mẹ lôi con ra … tẩn với suy nghĩ là đang dạy con hiệu quả.

Thương con thì cho roi, cho vọt

Vợ chồng anh Hạnh đang yên ấm đột nhiên mấy ngày hôm nay căng thẳng vô cùng. Cả hai anh chị đang đau đầu vì đột nhiên phát hiện cậu con quý tử bỗng dưng nói dối như cuội, đã thế lại còn móc túi mẹ lấy tiền.

Thu nhập cả hai vợ chồng thuộc hàng khủng vì cùng làm ở công ty nước ngoài. Anh chị thay nhau đi nước ngoài xoành xoành. Thế nên cứ mỗi chuyến đi công tác, tủ đồ chơi, tủ quần áo của cu Linh lại đầy ắp lên. Cu Linh không thiếu một thứ gì, hết lego lại siêu nhân, hết xe đua lại đến máy bay điều khiển… Con nhà ai có món gì mới lạ là chị lại lùng mua bằng được.

Thế nhưng anh chị cực ghét con ăn bim bim. Vì chị biết là món ăn đó không béo bở gì, ăn vào lại thêm bệnh tật ra. Nhưng thói đời càng cấm lại càng thích. Trẻ con nhìn thấy bạn ăn lại thòm thèm. Đã thế thì tối nào ti vi cũng quảng cáo sản phẩm đấy suốt, cu Linh thèm lắm.

Nhưng xin mẹ thì không được nên, cậu quyết định ra tay, “tự thân vận động” bằng cách ăn trộm tiền mẹ. Lúc đầu chị Hạnh để ý mấy đồng tiền lẻ đi chợ về vứt trong ngăn kéo bàn trang điểm không cánh mà bay. Chị còn cho rằng mình đoảng, vứt linh tinh nên không nhớ. Nhưng rồi có lần chị “bắt sống tại trận” cậu quý tử đang rón rén rút tiền của mẹ vò lại nhét vào túi quần. Chị thất vọng, buồn về con quá nên đã cho cậu con trai một trận ra trò.

Thương con thì cho roi, cho vọt

Bà nội xót cháu lắm: “Nhìn nó đánh con mà tôi đau lắm. Đánh con mà rồi nó tốt lên được thì không nói làm gì, chứ rồi nó lì đòn đi thì có phải là cách giáo dục tốt đâu?”

Tuy nhiên khi nói chuyện với cả con trai và con dâu thì cả hai gạt đi: “Ngày xưa các cụ bảo cấm có sai ‘thương cho roi cho vọt’ cơ mà? Chiều nó lắm nên bây giờ mới ra nông nỗi này. Bà cứ để vợ chồng con dạy cháu. Nhà chỉ có một mình nó không răn đe từ nhỏ thì sau này hỏng hết”. Cho rằng bố mẹ đi làm việc vất vả để chăm sóc chiều chuộng con, nhưng cu Linh không biết cho, lại còn hư hỏng, nên anh chị đã dùng đến “biện pháp cổ truyền” dạy con.

Thế là không biết có răn đe được Linh không thì chưa rõ, nhưng cả nhà đột nhiên chia thành nhiều chiến tuyến trong cuộc chiến tranh lạnh.

Vừa đánh vừa nghe… “nhạc có lời” từ mẹ thì con mới hiểu ra

“Đòn roi không làm cho trẻ ngoan hơn, mà còn làm cho con trở nên bướng bỉnh và lỳ đòn vô cùng”.  Đấy là tâm sự chung của rất nhiều bà mẹ trẻ sau một thời gian áp dụng biện pháp đòn roi. Dù không muốn đánh con nhưng dường như nhắc nhở, khuyên can không ăn thua, nhiều bà mẹ đã phải dùng đến “cây gậy như ý” này với ước muốn biến con thành  trẻ như ý muốn của mình.

Chị Phương ở Nam Trung Yên, Hà Nội cho rằng: “Nếu con quá bướng bỉnh, nghịch ngợm và lỳ lợm quá mức thì có thể cho đòn. Tuy nhiên trẻ con cần phải vừa múa roi vừa giảng giải thì nó mới ngấm được. Đòn roi cũng phải có lý do của nó. Chứ nhiều lúc điên lên đánh con xong mà nó có hiểu là vì sao bị đánh đâu”.

Bị đánh nhiều trẻ rất dễ lỳ đòn.

Phương pháp vừa phân tích lỗi lầm vừa kèm roi có vẻ như được nhiều bà mẹ ủng hộ. Dù biết rằng mỗi đứa trẻ đều có tính tình, cá tính hoàn toàn khác nhau, không có công thức chung cho việc dạy con, nên mẹ phải biết cách điều chỉnh cho phù hợp với con mình.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đòn roi là một phần của bạo lực gia đình. Việc thường xuyên áp dụng phương thức dạy dỗ kèm đòn roi sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho hành động, tâm lý và lối sống của con trẻ sau này.

 

 

theo: phunutoday

One thought on “Điên lên là mẹ lôi con ra đánh

Leave a Reply

Or