Chiêu ‘đặc trị’ khủng hoảng tuổi lên 3 của mẹ đông con

Bé sẽ liên tục thắc mắc ‘vì sao’ với mọi vấn đề nhưng thay vì gạt đi câu hỏi dồn dập của bé, chị Hà Châu hỏi lại bé trước khi hướng dẫn con điều đúng.

Không ít các bậc cha mẹ cảm thấy “đau đầu” với việc chăm sóc, dạy dỗ bé trong giai đoạn 2-3 tuổi. Vì ở độ tuổi này, các bé đều tỏ ra bướng bình, nghịch ngợm, luôn thích làm theo ý của mình. Dạy con bằng đòn roi không phải là một biện pháp hiệu quả mà ngược lại, còn có thể tạo tâm lý “phản kháng” và “ám ảnh bạo lực” cho trẻ. Thay vào đó, khi nuôi con ở giai đoạn này, bố mẹ cần kiên nhẫn và linh hoạt hơn trong mỗi cách xử lý tình huống. Chia sẻ dưới đây của chị Hà Châu (TP HCM) có thể giúp bố mẹ tham khảo để đưa ra phương pháp hiệu quả.

Cũng như các phụ huynh khác, chị Hà Châu cũng nhận thấy những thay đổi rõ rệt của các con khi bước vào giai đoạn 2-3 tuổi. Chị kể: “Con bắt đầu có những suy nghĩ, hành động, chính kiến của riêng mình. Con sẽ hiếu động hơn, tinh nghịch, chạy nhảy nhiều hơn, nói nhiều hơn… nói chung là con lúc nào cũng mang trong mình rất nhiều năng lượng và cha mẹ cũng nên cố gắng điều chỉnh để phù hợp với con”. Hà Châu đặt ra nguyên tắc cho từng công việc cụ thể, chẳng hạn như:

1. Sinh hoạt cá nhân

Ở độ tuổi này, con đã có thể tự mặc quần áo, đi giày dép, tự ăn uống và chọn những món ăn con thích, tự vệ sinh cá nhân (tắm rửa tuy không được sạch lắm, biết đánh răng, đi vệ sinh, rửa mặt…), tự soạn quần áo đi học (nếu được cho đi học) …

Cha mẹ cần khuyến khích con làm những điều trong khả năng của con và khuyến khích có nghĩa là nếu có những điều mà bản thân con chưa thể làm hoặc chưa muốn làm thì không nên ép con. Hãy cho con có thời gian thích nghi và thời gian để tập luyện.

Quan điểm của chị Hà Châu là, những vấn đề thuộc về bản năng này, không sớm thì muộn, các con đều sẽ biết và sẽ làm tốt được. Vấn đề là thời gian và sự kiên nhẫn hướng dẫn của cha mẹ. Đừng mang con ra so sánh với những đứa trẻ khác rằng sao con người khác có thể làm được như vậy mà con thì không. Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào cả và cha mẹ nên khen ngợi khích lệ con những việc con mình đã làm được, đơn giản vậy thôi. “Quy tắc vàng của nhà mình trong những việc này là khích lệ chứ không chê bai, hướng dẫn nhưng không bắt buộc các con trong những việc này”, bà mẹ ba con chia sẻ.

1403385-10153638695080727-1741-7537-7901

Sinh nhiều con nên chị Hà Châu luôn đề cao dạy cho các bé tính tự lập.

2. Con luôn tục hỏi ‘vì sao’

Khi con hỏi, Hà Châu và ông xã không nên trả lời ngay mà phải để cho con suy nghĩ xem câu trả lời cho vấn đề con đặt ra là gì, bằng cách hỏi ngược lại con. Chỉ sau khi con đưa ra những suy nghĩ của mình thì tùy xem câu trả lời là đúng hay sai mà anh chị sẽ hướng dẫn con tiếp. Chị Hà Châu nói thêm rằng: “Tất cả các câu trả lời của cha mẹ cho các vấn đề của con cần đơn giản, theo tư duy của con và giải thích hướng dẫn cho con, không nên dập tắt các câu hỏi của con khi mình không biết hoặc chưa nghĩ ra câu trả lời, không nổi nóng trước những câu hỏi dồn dập của con, không trả lời qua loa, nói dối… Tất cả việc đó đều sẽ làm con bị tổn thương và thấy mình không được tôn trọng”.

Hà Châu lý giải rằng, điều quan trọng không phải là trả lời được hay không được những câu hỏi của con mà là thái độ quan tâm, chia sẻ của cha mẹ trước những câu hỏi đó. Đây là bước đầu để giúp con có thói quen tâm sự và gần gũi gắn bó với cha mẹ về sau cũng như con có thể phát triển sự tự tin khi được quyền tự do thắc mắc cũng như được giải đáp những thắc mắc ấy. Qua các câu hỏi đó mình cũng sẽ hiểu được con đang suy nghĩ gì.

3. Con hay ăn vạ

“Đây là chuyện mà bất cứ cha mẹ nào cũng sẽ gặp phải không ít thì nhiều. Lần đầu tiên, Sumi ăn vạ là khi bé đòi quyển sách của anh Hai đang đọc. Anh không cho và bé đã khóc. Mẹ nhờ anh Hai cho em mượn, anh đồng ý và bé nín khóc, vui vẻ ngay. Lúc đó, mẹ hài lòng thích thú mà không biết rằng mình đang bắt đầu tạo ra cho mình những ‘thảm cảnh’ về sau.

Sau vài lần khóc hoặc mếu nhẹ nhàng như thế thành công thì lần đỉnh điểm Sumi làm để phát cho mẹ thấy tín hiệu rằng mẹ đã sai lầm là khi vào nhà sách và đòi mua quyển sách đã có ở nhà. Mẹ giải thích vì sao mẹ không mua cho con nhưng con khóc. Hai mẹ con ra khỏi nhà sách mà không có quyển sách con muốn, con khóc to hơn, gào lên thảm thiết. Mẹ phát hiện mình đã sai, lập tức nhớ ra bài học sách vở rằng phải lờ con mỗi khi con ăn vạ. Con vẫn gào khóc và mẹ lâu lâu vẫn quay lại giải thích, cộng vỗ về con và kết quả là mẹ hết kiên nhẫn, phải đánh vào mông một cái rồi ôm lên xe chở về. Đương nhiên trên đường về, mẹ phải chịu đựng sự bùng nổ của con, khiến mẹ hoang mang, bối rối”.

Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện đáng nhớ của chị Hà Châu liên quan đến thói xấu hay ăn vạ của bé. Chị đã áp dụng cách học được trong sách vở là làm lơ bé đi nhưng dường như cũng chẳng có kết quả khả quan. Sau đó, chị tiếp tục tự tìm hiểu, tham khảo để cuối cùng nhận ra được rằng hai vợ chồng chị đã chọn phương pháp đúng nhưng cách làm thì hoàn toàn sai.

Chị giải thích: “Khi dùng phương pháp làm lơ với con, trước tiên là tất cả các thành viên trong nhà (ông bà, cha mẹ, người giúp việc và cả anh Hai) đều phải thống nhất với nhau rằng sẽ làm lơ mỗi khi con ăn vạ. Khi con bắt đầu ăn vạ vì những lý do vô lý của mình, việc đầu tiên ba mẹ làm là giải thích cho con hiểu vì sao con không được đáp ứng nhu cầu con muốn và đó là lần giải thích duy nhất. Con sẽ gào khóc làm áp lực nhưng ba mẹ làm lơ. Làm lơ nghĩa là tất cả sẽ không chú ý đến, không tiếp xúc bằng mắt, không nói chuyện với con, cho con cái không gian riêng để con thỏa sức gào thét.

Nhưng điều đó không có nghĩa là không để mắt đến con, lâu lâu lén quan sát xem con có làm gì nguy hiểm không mà không để con biết (ví dụ, con đập đầu vào tường…) để kịp thời mang con đến nơi an toàn hơn cho con tiếp tục thỏa sức ăn vạ. con tha hồ tung hoành cho đến khi con mệt mỏi vì không ai để ý thì con sẽ tự động chấm dứt hành động của mình. Như vậy là ba mẹ đã thành công”.

Việc này còn tiếp diễn nhiều lần sau đó cho đến khi con tự hiểu được rằng con không thể có được cái mình muốn, bằng cách con đã làm nữa và con sẽ tự động chấm dứt những chuyện ấy. Việc của ba mẹ cần làm trong trường hợp này là kiên nhẫn chịu đựng, không được mềm lòng.

1799875-10154130820815727-2096-8252-3295

Khi bé ở vào giai đoạn ‘ẩm ương’ của tuổi lên 3, cha mẹ cần kiên nhẫn hơn với con.

4. Xem ti vi, chơi điện tử

Các bé thường bị cuốn theo các chương trình ti vi đến mức “mê mệt”, quên cả ăn uống. Chị Hà Châu cũng khá vất vả trong việc tạo nếp sinh hoạt cho các bé. Chị tham khảo ý kiến của mọi người, tìm đọc sách về các vấn đề liên quan và lên hẳn một “chiến dịch” cấm xem ti vi, cấm chơi ipad.

Chị kể: “Hai đứa con đứa nào cũng buồn. Trong khi anh họ, bạn bè chơi với con bắt đầu chia sẻ về những gì xem được trên ti vi thì con thấy lạc lỏng vì con có được cho xem đâu mà biết. Con bắt đầu thắc mắc ‘Mẹ à, khi nào con với anh Hai mới được xem ti vi’, ‘Mẹ có biết là con thích xem ti vi lắm không nhưng mà vì thương mẹ nên con nhịn đó’, ‘Chơi tí xíu không được sao mẹ? Xem 10 phút không được sao mẹ?’… Mình thấy thương con và nhận ra là mình đang tách dần con ra khỏi đám bạn của nó, ra khỏi những sinh hoạt bình thường mà con cần có. Mình chợt nhớ tới ngày bé mình cũng được xem phim hoạt hình đấy thôi. Và thế là mình tiếp tục hành trình sửa sai.

Quyết định cuối cùng của mình: ‘Dol, Sumi à, tụi con sẽ được xem ti vi nhưng giới hạn lại một chút, chỉ xem một tập phim thôi. Thứ 7 và chủ nhật thì con sẽ được xem nhiều hơn. À, cho ba mẹ coi với nhé, ba mẹ cũng thích xem nữa’. Kết quả khả quan hơn cả mong đợi, mỗi lần xem phim hay chơi gì, con đều rủ mẹ/ba cùng coi. Ba, mẹ chịu khó ngồi coi cùng con rồi bàn luận với con, còn con không lén ba mẹ xem phim hay chơi game nữa’

Nguyên tắc đặt ra là vậy nhưng theo chị Hà Châu, đôi khi chuyện sẽ diễn ra không suôn sẻ mãi, sẽ có lúc con đòi xem thêm tí nữa nên ba mẹ cần cứng rắn để đưa con vào những khuôn khổ nhất định. Cách làm của ba mẹ cần khéo léo để con hiểu và hình thành thói quen.

5. Ba mẹ luôn dành 10 phút trước khi đi ngủ cho con

Vợ chồng Hà Châu có một quy định với nhau rằng, dù cuộc sống bận rộn, công việc rồi sở thích cá nhân, tụ tập bạn bè… nhưng mẹ hoặc ba phải dành một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày dành cho con trước khi con đi ngủ. Hà Châu chia sẻ: “Thường thì mấy bé thích được mẹ đọc truyện, hát cho nghe trước khi ngủ. Thói quen này cần được duy trì cho đến khi con lớn.

Sau 6 năm kiên trì với bé lớn, kết quả mình nhận được là trước giờ đi ngủ, khi con nằm lên giường và gác bỏ hết chuyện vui chơi, học hành, con bắt đầu thích tâm sự cùng ba mẹ những chuyện con đã trải qua trong ngày. Mình nhận thấy có lẽ khi bắt đầu đi ngủ là lúc mà con bình yên nhất và cũng là lúc các con dễ trải lòng nhất”. Vì thế, Hà Châu và chồng luôn cố gắng duy trì và phát huy thói quen này để tạo được mối quan hệ gần gũi, gắn bó chặt chẽ hơn với con.

Theo ngoisao

Leave a Reply

Or