Cách chăm sóc bà mẹ sau sinh

Ngay cả khi quá trình chuyển dạ và sinh con của bạn diễn ra nhanh và dễ dàng, bạn cũng cần một khoảng thời gian để trở lại như trước. Có thể sẽ khó khăn nhưng hãy cố nhớ là bạn đã dành 9 tháng để mang thai nên sẽ không thể phục hồi cả tinh thần và thể chất chỉ sau một đêm.

Cách chăm sóc bà mẹ sau sinh

Những biến đổi của cơ thể bạn

  • Bạn sẽ bắt đầu giảm cân ngay. Dù sẽ cần thời gian để quay về cân nặng trước khi có thai, hầu hết các phụ nữ giảm khoảng 5,5kg khi sinh bé khoảng 3-4kg, cộng thêm 0,5-1kg cho phần nhau thai và gần 1kg cho máu và nước ối. Tuy nhiên sẽ mất một khoảng thời gian để lấy lại vóc dáng trước khi mang thai, nhất là phần bụng. Một tin vui là vào cuối tuần đầu sau sinh, bạn có thể sẽ giảm gần 2kg nhờ giảm lượng nước.
  • Bạn sẽ có máu thải ra từ tử cung. Sau khi bé ra đời, những tế bào tạo lớp đệm tử cung sẽ bắt đầu bong tạo ra chất thải từ tử cung kéo dài trong vài tuần sau sinh. Đầu tiên, chất thải (hay gọi là sản dịch) có lẫn máu nên có màu đỏ tươi như khi có kinh, sau đó nhạt màu dần và cuối cùng trở nên trắng hoặc vàng trước khi hết hẳn.
  • Tâm trạng không ổn định. Trong một hoặc hai tuần đầu sau sinh, nhiều bà mẹ sinh con so (sinh con lần đầu) mắc phải chứng “u buồn sau sinh”. Bạn có thể thấy mình buồn rầu và chán nản, kiệt sức, mất ngủ hoặc cảm thấy bị mắc kẹt và lo âu. Khẩu vị của bạn cũng thay đổi – bạn có thể muốn ăn nhiều hoặc ít hơn. Tin tốt là sự thay đổi cảm xúc này thường sẽ qua đi trong vòng hai đến ba tuần.

 

Gọi cho bác sĩ nếu

  • Bạn thấy những dấu hiệu chảy máu âm đạo bất thường, như dịch chảy ra thấm ướt một miếng băng vệ sinh trong chưa tới một giờ, dịch có lẫn máu cục lớn, chảy máu đỏ tươi trong bốn ngày hoặc nhiều hơn sau khi sinh. Bạn có thể đã mắc phải chứng xuất huyết hậu sản. Đặc biệt lưu ý: Hãy gọi cấp cứu ngay nếu bạn chảy máu ồ ạt hoặc có bất kỳ dấu hiệu sốc gồm choáng váng, suy nhược, tim đập nhanh hoặc hồi hộp, thở nông hay thở gấp, ớn lạnh, không ngủ được hoặc rối loạn.
  • Bạn có những dấu hiệu nhiễm khuẩn hậu sản như sốt, đau bụng dưới hoặc chất bài tiết có mùi hôi (dấu hiệu viêm màng trong dạ con); đi tiểu khó, tiểu buốt, nước tiểu vẩn đục hoặc có lẫn máu (dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu); tấy đỏ, đau, chảy mủ, hoặc sưng xung quanh vết thương (vết rạch sinh mổ, rạch âm hộ hoặc vết rách); một bên ngực bị đau tức, căng cứng và tấy đỏ kèm sốt, ớn lạnh, đau cơ hoặc mệt mỏi, và có thể đau đầu (dấu hiệu viêm vú, nhiễm trùng vú).
  • Bạn có những dấu hiệu trầm cảm sau sinh, như không ngủ được ngay cả khi bé ngủ, có những suy nghĩ làm hại đến bé, khóc ròng kéo dài trong vài ngày hoặc có cảm giác hoảng sợ.

 

Cách phục hồi nhanh chóng

  • Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, cố gắng ngủ khi bé ngủ. Đây có thể là lời khuyên khó thực hiện, nhất là vào ban ngày, nhưng thực tế cho thấy nó thật sự có ích cho phụ nữ sau sinh.
  • Hạn chế khách tới thăm và thời gian tiếp đón họ. Bạn nên tắt điện thoại và đóng cửa ngoài nếu cần.
  • Có chế độ ăn hợp lý.
  • Uống nhiều nước. Tránh thức uống có cafein, cồn và nước ngọt.
  • Nhờ người thân giúp đỡ nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc bé và những việc lặt vặt. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó khăn nhưng hãy tin rằng bạn bè và gia đình bạn muốn giúp đỡ và hầu hết sẽ sẵn lòng khi bạn nhờ cậy. Nếu không thể tìm được sự giúp đỡ, hãy nghĩ đến việc thuê người giúp trông trẻ, dọn vệ sinh hoặc những dịch vụ chăm sóc sau sinh để bạn có thời gian nghỉ ngơi.
  • Đừng cô lập bản thân. Nói chuyện với bạn bè, người thân hoặc những người mới làm mẹ khác về kinh nghiệm khi sinh của bạn và cuộc sống với bé sơ sinh sẽ giúp bạn mau chóng vượt qua.

 

theo: baby.marry

Leave a Reply

Or