Các dấu hiệu nhận biết chuyển dạ

Thai đủ tháng khi tuổi thai từ 37 – 40 tuần. Trong thời gian này ngoài việc theo dõi cử động thai (thai máy, đạp); bạn cần theo dõi thêm các dấu hiệu sau đây để biết khi nào bắt đầu có chuyển dạ (có dấu sanh).

Dấu hiệu báo chuyển dạ

Khi bạn thấy từ âm đạo chảy ra một chất dịch nhầy, màu đỏ giống máu cá, đó là dấu hiệu báo chuyển dạ. Nhưng đây chưa phải là dấu sanh thật sự. Bạn cần phải theo dõi thêm một số dấu hiệu kèm theo để biết đến lúc chuyển dạ thật sự.

Thế nào là Dấu hiệu chuyển dạ?

– Ra chất dịch nhầy, màu đỏ từ âm đạo

– Đau bụng từng cơn. Cảm giác bụng co cứng trong mỗi cơn đau, hết đau bụng lại mềm như cũ. Nếu trong 10 phút bạn thấy xuất hiện 2 lần co cứng và đau như vậy, bạn có thể đến bệnh viện ngay.

– Ngoài ra, nếu bạn thấy từ trong âm đạo có nhiều nước chảy ra như đi tiểu, nước có mùi tanh, chảy tự nhiên không theo ý muốn của bạn, đó là dấu hiệu vỡ túi ối. Bạn nên ghi nhớ giờ vỡ ối và đến bệnh viện ngay dù lúc đó không hề đau bụng và cũng chưa thấy ra chất nhày màu đỏ. Đừng quên đặt một miếng băng vệ sinh để theo dõi số lượng và màu sắc của nước ối vì điều này rất quan trọng đối với em bé của bạn.

cac-dau-hieu-nhan-biet-chuyen-da

Mở cổ tử cung

Khi cổ tử cung bắt đầu mở từ 0-3 cm, cơn đau còn ít, mỗi cơn đau kéo dài chừng 25- 30 giây, cách 5 – 20 phút, đôi khi bạn có thể thấy đau lưng, vọp bẻ hoặc cảm giác đầy hơi.

Bạn hãy vận động bình thường, tắm rửa sạch, nghỉ ngơi; có thể đi bộ qua lại. Nếu là ban đêm nên ngủ để dưỡng sức. Nên dùng thức ăn nhẹ, dễ tiêu, ít chất béo như nước trái cây, sữa, cháo… Hít thở bình thường; khi cơn đau bắt đầu, thở chậm và sâu: hít vô bằng mũi, thở ra bằng miệng. Thở châm và sâu giúp thư giãn…

Khi cổ tử cung mở 4 – 7 cm, cơn đau xuất hiện nhiều hơn, kéo dài 45 – 50 giây, cách nhau khoảng từ 1 phút đến 1 phút rưỡi và mạnh hơn. Cảm giác đau bắt đầu ở lưng, vòng ra phía trước và dồn từ tử cung xuống. Bạn sẽ được đề nghị gây tê giảm đau, phương pháp này giúp giảm đi cảm giác đau đẻ mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho bạn và thai nhi.

Lúc này bạn cần nằm nghiêng hay ngồi, tập trung thở và và thư giãn nhiều hơn. Nên đi tiểu thường xuyên, tránh để bọng đái căng.

Khi cổ tử cung từ 8 cm đến 10 cm cơn đau ngày càng tăng, tử cung co cứng hơn, mạnh hơn, và kéo dài , khoảng cách giữa 2 cơn đau ngắn lại. Áp lực ở đáy chậu và trực tràng nhiều hơn, bạn có thể sẽ có cảm giác muốn rặn.

Rặn sanh

Khi đã đủ điều kiện, hộ sinh sẽ cho bạn biết đã đến lúc rặn để sanh em bé. Bạn sẽ được hướng dẫn chỉ nên rặn khi có cơn co và khi bạn muốn rặn.

Tư thế nằm lý tưởng là nằm ngửa, cong chữ C, nửa nằm, nửa ngồi, vai được hỗ trợ, cằm tựa ngực, lưng cong lại, hai chân dang rộng hai bên hoặc là kéo hai cẳng chân lên.

Bắt đầu có cơn co bạn hít sâu 1 – 2 hơi, tựa cằm vào ngực và bắt đầu rặn xuống (đếm đến 10), thở vào và hít sâu một hơi; tiếp tục rặn cho tới khi cơn co kết thúc. Thường là 3 lần rặn cho mỗi cơn co.

Hết cơn co, hít một hơi thở sạch rồi thư giãn chờ có cơn co tới tiếp tục rặn sanh. Bạn cần tập trung hít thở và thư giãn. Nên thư giãn giữa hai cơn đau, đây là giai đoạn ngắn nhất của chuyển dạ. Hít thở sâu lúc này rất cần thiết để tránh rặn sớm.

Lữ Thị Trúc Mai

Theo Ebe

Leave a Reply

Or