Bỏ ngay 4 thói quen này nếu mẹ muốn nuôi con khỏe mạnh
Có rất nhiều thói quen được hình thành từ vô thức do được “truyền lại” từ bao đời nay. Đến lúc bạn cần phải thay đổi để nuôi con an toàn và khỏe mạnh hơn.
Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc
Đây là thói quen thường gặp đặc biệt ở các bà khi chăm cháu. Nhiều bà cho cháu tráng miệng làm sạch miệng và sạch lưỡi với hy vọng giúp bé vừa sạch vừa chống táo bón. Nhưng thực tế, uống quá nhiều nước lọc trong giai đoạn này có thể khiến trẻ còi xương, chậm lớn; nhiễm độc nước, gây co giật, thậm chí hôn mê… Đặc biệt, trẻ sơ sinh rất dễ bị đầy bụng, chỉ một lượng nước nhỏ cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
Giai đoạn này trẻ cần đặc biệt chú trọng sữa mẹ. Trong sữa mẹ đã có một phần nước nhất định mà mẹ không cần phải bổ sung thêm. Từ 6 tháng tuổi trở nên, mẹ có thể cho con uống thêm nước trắng, nhưng chỉ với số lượng khoảng 59 – 118ml mỗi ngày. Sau 12 tháng, có thể cho bé uống hỗn hợp đồ uống ít đường trong chế độ ăn của trẻ cùng với nước bao gồm trái cây tươi và hoa quả.
Ảnh minh họa.
Vừa cho con ăn vừa uống nước
Đây là “tuyệt chiêu” của không ít cha mẹ nhằm đánh lừa vị giác của con. Thấy trẻ không ăn, nhiều mẹ cho một miếng cháo, rồi lại một miếng nước khiến trẻ tưởng sau miếng cháo là một miếng cháo khác mà ăn. Đặc biệt, với trẻ nào có chút biếng ăn càng rất dễ bị các mẹ “đánh lừa”. Thực tế thì uống bất kì loại nước nào khi ăn sẽ làm tăng kích thích của dạ dày. Khi có quá nhiều chất lỏng và thức ăn trong dạ dày, quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại. Và bạn chỉ nên cho trẻ uống nước sau khi ăn.
Lạm dụng thuốc trị biếng ăn
Trẻ nào cũng sẽ trải qua giai đoạn biếng ăn, gọi là biếng ăn sinh lý. Thế nhưng nhiều phụ huynh không ý thức được việc này nên đã lạm dụng thuốc trị biếng những mong trẻ sẽ ăn được nhiều. Bạn có biết, khi trẻ sẽ bị phụ thuộc vào thuốc và có thể sẽ biếng ăn trở lại khi ngưng dùng thuốc. Thậm chí thường xuyên dùng thuốc trị biếng ăn có thể gây táo bón, gây khô miệng, khó tiểu tiện và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của trẻ.
Ảnh minh họa.
Vừa bế con vừa rung lắc bần bật
Vì yêu con, vì muốn nựng con mà nhiều phụ huynh rung lắc để trẻ thích thú hoặc thiếu kiềm chế trong lúc hưng phấn. Thực tế, việc rung lắc rất ảnh hưởng tới trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 10 tháng. Do thời điểm này, cổ của bé còn rất yếu, não của bé mềm và chưa cố định nên dễ bị tổn thương khi rung lắc.
Nguy hiểm nhất là những rung lắc khi bế xốc trẻ trong tư thế đứng và không giữ cố định cổ để cho cổ di chuyển theo hướng trước sau. Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được. Những tổn thương này rất khó phát hiện và có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của bé.
Theo Afamily