Bí quyết giúp con nhút nhát trở nên tự tin hơn
Cha mẹ nào cũng muốn con mình luôn có được sự tự tin để đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống. Nếu bé nhà bạn có xu hướng nhút nhát và thiếu tự tin thì cũng đừng quá lo lắng, một vài lời khuyên dưới đây sẽ giúp cho trẻ cải thiện tính cách này.
Hãy chú ý đến lời khen của bạn
Tất nhiên những đứa trẻ rất cần được nghe những lời động viên cho dù trẻ đang học bò, ném bóng hay tập vẽ. Nhưng nếu như lần nào bạn cũng khen con “con giỏi quá” trẻ sẽ bị ỉ lại và quen với câu khen đó tới mức không nhận ra khi nào là lúc thật sự nên ăn mừng vì thành tích đó. Trẻ cũng sẽ dễ dàng nhận thấy nếu bạn phóng đại lời khen đó (ví dụ khi bạn nói rằng đó là bức tranh đẹp nhất mà một đứa trẻ có thể vẽ được ra) khi đó trẻ sẽ không còn để ý đến lời khen của bạn nữa.
Đừng khen bé nếu như đó là một nghĩa vụ mà trẻ cần phải làm. Nếu đó là những việc như đánh răng, bỏ quần áo bẩn vào giỏ đồ bẩn thì bạn chỉ cần nói cám ơn bé là đủ. Cố gắng đưa cho trẻ những phản hồi cụ thể. Thay vì khen đó là bức vẽ đẹp nhất bạn từng thấy hãy chỉ ra những điểm tốt trong bức vẽ của trẻ có thể đó là cách dùng màu sắc hoặc đơn giản là cách vẽ.
Đừng “cứu” trẻ
Đó là việc rất bình thường nếu bạn muốn giúp con thoát khỏi cảm giác tổn thương, thất vọng hay phạm phải sai lầm nhưng nếu bạn can thiệp qua sâu sẽ chẳng đem lại ích lợi gì cho trẻ. Đó là khi bạn cố gắng để đưa trẻ đến một bữa tiệc sinh nhật mà trẻ không được mời, hay làm mọi cách để trẻ có thể vào được đổi tuyển bóng đá mà trẻ thích…
Những đứa trẻ cần phải biết rằng thất bại là điều vẫn thường xảy ra, và cảm thấy buồn là việc hết sức bình thường. Trẻ cần phải học được thành công là nhờ những lần thất bại chứ không phải việc bạn luôn ở đằng sau và “cứu” chúng.
Trẻ em cần được biết thất bại là bình thường và không có gì bất thường khi cảm thấy buồn, lo lắng hay tức giận. Chúng cần học cách thành công bằng cách vượt qua những trở ngại chứ không phải là bạn cố loại trừ khó khăn cho con. Điều quan trọng bạn nên làm là hãy để trẻ có cơ hội chấp nhận mọi rủi ro mà không lo lắng về việc cha mẹ chúng sẽ chỉ trích hay tìm cách sửa chữa khi chúng mắc phải một sai lầm nào đó. Thậm chí các chuyên gia cho rằng cha mẹ nên mắc một vài lỗi nhỏ bởi khi thấy cha mẹ làm sai điều gì mà không quan trọng hóa nó lên sẽ khiến trẻ cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Để trẻ tự quyết định
Khi trẻ có cơ hội để chọn lựa hãy để chúng được lựa chọn điều chúng thích điều này sẽ khiến trẻ tự tin vào bản thân hơn. Đứa trẻ nào cũng muốn được lựa chọn điều chúng thích song có quá nhiều việc có thể khiến trẻ quá sức, vì thế trước hết hãy bắt đầu từ những việc đơn giản. Giống như bạn đừng nên hỏi một đứa trẻ 5 tuổi về việc chúng thích ăn gì vào bữa trưa, thay vào đó hãy đưa ra 2 -3 lựa chọn cho bé quyết định. Ngoài ra hãy luôn nhất quán về những quyết định cũng như hành động của bạn, như thế trẻ sẽ biết rằng mình được tôn trọng.
Nhìn vào mặt tích cực
Nếu trẻ có xu hướng cảm thấy thất vọng hãy giúp bé cảm thấy lạc quan hơn. Thay vì việc nói về những điều tươi sáng hơn hãy khuyến khích trẻ suy nghĩ một cách cụ thể để cải thiện tình hình đó và giúp trẻ đến gần với mục tiêu hơn.
Nếu bé chậm hơn những bạn cùng lớp về việc đọc chẳng hạn, hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng mỗi người đều có cách học riêng và trẻ có tốc độ riêng và dành thêm thời gian đọc sách cùng trẻ. Nếu trẻ cảm thấy thất vọng về việc mình không đạt được thứ hạng cao trong lớp, đừng nói với trẻ rằng “con yêu, con luôn là số một với mẹ”. Thay vào đó hãy nói với trẻ rằng “mẹ biết điều này làm con thất vọng, nhưng đừng buồn, hãy dành thời gian để lập kế hoạch cho một kết quả tốt hơn vào kỳ sau”.
Nuôi dưỡng giấc mơ của trẻ
Hãy để trẻ tham gia vào các hoạt động khác nhau, khuyến khích khi trẻ thực sự yêu thích hoạt đông đó, cho dù đó là nấu nướng hay chăm sóc thú cưng… Hãy cảm thấy tự hào vì trẻ có sở thích và khả năng thành công ở những lĩnh vực khác trong cuộc sống của chúng. Có lợi thế trong một lĩnh vực nhất định sẽ giúp ích đáng kể trong việc kết bạn ở trường cũng như tăng thêm sự tự tin cho trẻ.
Để trẻ tự giải quyết các khó khăn
Trẻ thường tự tin hơn khi chúng thương lượng để có được cái mình muốn. Nghiên cứu cho thấy cha mẹ có thể có thể dạy trẻ cách tự giải quyết vấn đề của mình khi chúng còn nhỏ. Điều quan trọng là bạn hãy nên giữ im lặng và đừng can thiệp quá sâu vào vấn đề mà trẻ đang tìm cách tự giải quyết.
Nếu trẻ đến chỗ bạn và nói với bạn về một đứa trẻ khác đã lấy mất đồ chơi của chúng ở sân chơi, hãy hỏi trẻ suy nghĩ ra cách nào hợp lý nhất để có thể lấy lại món đồ đó. Thậm chí nếu trẻ nói rằng chúng sẽ giật lại món đồ đó thì cũng đừng nên phán xét trẻ mà hãy hỏi chúng tại sao lại làm như thế.
Khuyến khích trẻ giúp đỡ mọi người
Khi trẻ cảm thấy mình đang tạo ra một sự khác biệt có thể chỉ đơn giản là giúp giáo viên dọn cốc ở trường học, hay cất dọn đồ ở nhà, điều đó cũng khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn. Điều đó không chỉ giúp trẻ nâng cao trách nhiệm trong những việc mình làm mà còn hiểu được giá trị của việc giúp đỡ người khác. Trẻ sẽ thấy được mình phải nỗ lực thế nào để nào để hoàn thành tốt mọi việc qua đó việc giải quyết các vấn đề trong tương lai cũng sẽ bớt khó khăn hơn.
Cho bé nhiều thời gian để giao tiếp với người lớn
Trẻ con thường thích chơi với những đứa trẻ bằng tuổi mình hơn, nhưng ở bên những người trưởng thành cũng rất quan trọng để giúp bé tự tin hơn. Dành thời gian với những người lớn tuổi sẽ giúp cho thế giới của bé được rộng mở hơn. Hãy khuyến khích trẻ nói chuyện với những người lớn khác, điều này sẽ giúp trẻ có nhiều cách khác nhau để suy nghĩ về cùng một vấn đề. Nghiên cứu cho thấy nếu trẻ có một mối quan hệ gần gũi với người lớn – như giáo viên, một người chú, một người trông trẻ hay đơn giản chỉ là một người bạn của cha mẹ chúng – thì sẽ giúp trẻ vững vàng và tự tin hơn.
Tưởng tượng về tương lai
Nếu trẻ có thể hình dung về việc quan trọng mà mình sẽ làm trong tương lai, khi chúng lớn lên, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn so với hiện tại. Hãy nói chuyện với con về nghề nghiệp của bạn, và những người lớn khác để trẻ có định hướng về nghề nghiệp cho mình. Con bạn có thể sẽ muốn trở thành một ca sĩ hay một nhà du hành vũ trụ, nhưng dù thế nào đi nữa, đừng hạ thấp kỳ vọng hay cười nhạo ước mơ của con. Hãy để cho trẻ có được đam mê, điều đó sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Thậm chí nếu trẻ có thay đổi ý định cũng không sao, miễn là con bạn luôn nghĩ về mục tiêu mà mình sẽ phấn đấu cho tương lai.
Và quan trọng nhất là tình yêu
Cách hiệu quả nhất để xây dựng sự tự tin cho trẻ chính là tình yêu của bạn. Cho trẻ thấy bạn yêu chúng đến mức nào, nhưng hãy nên nhớ rằng yêu thương không có nghĩa là quá bao bọc chúng. Bạn vẫn có thể yêu thương trẻ mà vẫn giúp chúng có được sự tự tin cần thiết. Cho dù bạn có thất vọng về cách cư xử của trẻ thế nào đi nữa, hãy chắc chắn rằng bé vẫn có được sự ủng hộ cũng như tình yêu của bạn.
theo: mecon