Bí quyết dạy con tự tin của mẹ Canada

“Khi con làm sai, mẹ Canada có thể chê hành động chứ không bao giờ chê con người”.

Với những ai là độc giả trung thành của Eva, đặc biệt là chuyên mục làm mẹ, hẳn còn nhớ mẹ Chíp (chị Hoàng Anh) với tuyến bài “Nhật ký cho con” đáng yêu và cực kỳ sinh động.

Hiện đang định cư và làm việc tại Canada, mẹ Chíp có những chia sẻ rất hay và thú vị về cách nuôi dạy con.

Muốn bé không ‘sốc’ khi đi nhà trẻ, phải ‘huấn luyện’ trước

Chào chị, chị và gia đình sang Canada định cư đã lâu chưa?

Vợ chồng mình sang Canada cách đây 6 năm, theo diện du học sau đại học. Trước đó bọn mình cũng ở Pháp trong một thời gian dài. Tết vừa rồi là năm thứ 10 không được ăn tết ở Việt Nam rồi đấy, nhanh thật!

Nhiều độc giả theo dõi nhật ký cho Chíp của chị trên Eva rất tò mò muốn biết về cô bé dễ thương và lém lỉnh này! Chị có thể chia sẻ đôi điều về tính cách của Chíp?

Chíp sắp được 3 tuổi rồi. Người bây giờ cũng bé như cái tên (Cười). Trộm vía Chíp là một cô bé nhanh nhẹn, thông minh và đặc biệt nhạy cảm, cả về thể chất lẫn tinh thần. Hồi bé thì nhạy cảm với âm thanh và tiếng động, ngủ phòng phải thật tối, một chút ánh sáng hay tiếng động cũng đủ làm bé giật mình tỉnh giấc. Bốn tháng đã biết lạ, ai bế cũng không cho. Đến khi ăn dặm, mỗi lần có món mới cô nàng nhận ra ngay, mũi nhăn nhăn, miệng nhóp nhép, mắt nhìn chằm chằm vào đĩa thức ăn ra vẻ tìm kiếm, mặc dù mẹ có trộn nhiều thứ vào nhau đi nữa

Bây giờ Chíp rất để ý đến thái độ của người khác để điều chỉnh hành vi, đặc biệt là mẹ. Lúc mẹ vui cô nàng nói cười nhảy múa. Chỉ cần mẹ nhíu mày Chíp sẽ ngồi yên ngay. Đến khi thấy mẹ chuẩn bị nổi giận, cô nàng vội vàng làm trò để chọc mẹ cười. Thấy có vẻ không ăn thua, Chíp ta chuyển sang mếu máo, nước mắt ngắn nước mắt dài ngay lập tức. Mẹ giận không nói chuyện, “chị ấy” cứ tha thẩn lại gần bắt chuyện. Đến lúc mẹ cười một cái thì chị ta toét miệng ra giả lả: “Mẹ cười rồi, hihihi”, mặc dù nước mắt vẫn long lanh.

Chíp cũng là một cô bé rất thân thiện, dễ gần, gặp ai cũng “xớ rớ” làm quen. Gặp bạn cùng lứa thì Chíp chơi cả buổi không cần biết bố mẹ đi đâu, làm gì. Ngược lại, lúc ở nhà, Chíp không phải là cô bé dễ tính, cũng nhiều “yêu sách” lắm, hờn dỗi cũng ghê gớm nữa…

Bí quyết dạy con tự tin của mẹ Canada - 1
Chíp là một cô bé rất thân thiện, dễ gần

Chị đã cho Chíp đi nhà trẻ chưa?

Tất nhiên là rồi (Cười). Mình cho bé ‘đi lính’ từ khi 14 tháng tuổi. Lúc quyết định cho đi cũng lo cái này, sợ cái kia nhưng thật may nhà trẻ bên này rất thân thiện và an toàn nên mình sau đó hoàn toàn yên tâm.

Phản ứng đầu tiên của bé khi đi nhà trẻ thế nào?

Cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, Chíp mới đầu đến lớp khóc lóc ghê gớm lắm nhưng do được mẹ ‘huấn luyện’ từ trước rồi nên cũng nhanh thích nghi. Bây giờ thì nàng ấy khoái đi học lắm. Hôm nào ngủ dậy, nghe mẹ nói “hôm nay không phải đi học” là buồn bã ủ ê cả ngày.

“Huấn luyện” từ trước nghĩa là chị đã lên kế hoạch chống “sốc” cho bé?

Đúng thế (Cười)

Kế hoạch đó như thế nào? Chị có thể chia sẻ để các mẹ cùng tham khảo không?

Đơn giản là mình “lên dây cót tinh thần” cho cháu từ trước lúc đi học vài tuần bằng cách dẫn đi mua balo, giày dép. Sau đó cho cháu xem phim, đọc truyện về việc các bạn nhỏ đi học.

Những buổi đầu đến lớp, mình không để cháu một mình, mà đến ngồi cùng cháu, giúp cháu làm quen với cô giáo và các bạn. Lúc đầu mỗi buổi chỉ 1-2h, sau đó mình bắt đầu “rút quân” và tăng thời gian cho Chíp ở lớp nhiều lên. Mình để ý Chíp khóc rất to khi mẹ đi, nhưng chỉ 2-3 phút sau là nín hẳn và chơi rất ngoan. Dần dần khi lớn hơn và quen hơn, các bé sẽ khóc ít lại.

Có một vài kinh nghiệm nhỏ trong việc cho con đi học thế này. Một là bố mẹ không được lén lút bỏ con đi mà phải thông báo rõ ràng với con rằng mình đi làm và sẽ quay về đón con sớm. Nếu không các bé không thấy bố mẹ đâu sẽ hoang mang, lo lắng và mất dần niềm tin ở bố mẹ. Thứ hai, sau những buổi làm quen, khi con đi được cả ngày, nên cho bé đi liên tục mỗi ngày trong vài tháng. Không nên đi bán thời gian vì không đi liên tục sẽ khiến bé khó thích nghi và làm quen với trường lớp hơn.

Bí quyết dạy con tự tin của mẹ Canada - 2

Một số mẹ theo dõi nhật ký chị viết cho Chip có thắc mắc, sao cách chị ‘huấn luyện’ con hay thế, đặc biệt là cách tập nói, chị có thể chia sẻ bí quyết không?

 

Thực ra mỗi đứa trẻ có sẵn trong bộ gene các đặc điểm riêng trong quá trình phát triển của mình. Nếu để ý sẽ thấy đứa nhanh cái này sẽ chậm cái khác và đứa nào cũng có một năng khiếu nào đấy. Môi trường giáo dục, trong đó có bố mẹ, thực ra đóng vai trò quan trọng nhưng không phải duy nhất và tuyệt đối đối với sự phát triển của bé. Mình luôn quan niệm, bố mẹ phải tìm hiểu để có kiến thức tiên tiến, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con. Đó là trách nhiệm. Còn kết quả ra sao, có như mình muốn hay không lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đây cũng là điều mình muốn nhắn nhủ đến những bà mẹ hay so sánh con mình với con người khác và sốt ruột nếu con mình chưa bằng các bạn cùng lứa.

 

Mình cũng không có bí quyết gì nhiều, mình chỉ áp dụng những điều bên này người ta vẫn khuyên và thấy có hiệu quả tích cực. Mình đọc sách cho Chíp nghe từ khi cháu 2-3 tháng tuổi. Đừng tưởng trẻ con tuổi đó chưa biết gì nhé. Những hình ảnh nhiều màu sắc, ngữ điệu lên xuống khi kể chuyện làm trẻ rất hứng thú. Mình nhớ hồi đấy cứ thấy mẹ giơ sách lên là mắt Chíp sáng rực, tay chân khua loạn xạ, miệng thì ê a, thỉnh thoảng lại cười toe toét. Mình vẫn giữ thói quen đọc sách cho con mỗi ngày 15p trước khi đi ngủ. Điều này giúp Chíp có vốn từ vựng phong phú, hiểu nhiều từ và biết bắt chước nói lại đúng ngữ cảnh. Cũng nhờ thế tình yêu với sách, ngôn ngữ, chữ cái – nền tảng quan trọng cho việc học về sau – được hình thành.

Từ 5-6 tháng tuổi đã có thể miêu tả cho con nghe mọi thứ xung quanh, nào là màu sắc, hình dáng, tính chất… Sử dụng càng nhiều từ vựng trong mỗi câu nói với con thì càng tốt. Trẻ nhỏ có khả năng ghi nhớ vô cùng tuyệt vời. Rồi một ngày nó sẽ nói lại giống hệt mình cho xem.

Một điều quan trọng nữa, người lớn chính là người thầy đầu tiên của con. Cố gắng dùng đúng từ, phát âm chuẩn để con học theo. Thỉnh thoảng nói nựng ngọng nghịu một chút với con thì không sao, nhưng đừng nên để nó thành thói quen . Khi con dùng từ sai hoặc phát âm sai, không nên ép trẻ nói lại cho đúng vì sẽ khiến con mất tự tin, thay vào đó nhắc lại một lần câu nói đúng cho trẻ nghe mà thôi. Dần dần bé sẽ tự biết sửa sai, có khi còn biết sửa cho bố mẹ ấy chứ!

Bí quyết dạy con tự tin của mẹ Canada - 3
Chíp cười rạng rỡ bên mẹ

Nuôi dạy trẻ ở Canada đề cao sự tự tin, tính độc lập

Chị đã định cư và làm việc ở Canada 6 năm. Chị thấy nuôi dạy trẻ ở đây có gì đặc biệt không?

 

Nuôi dạy trẻ con ở Canada nói riêng và các nước tiên tiến nói chung có một đặc điểm phổ biến mà mình nghĩ là rất có ý nghĩa cho cuộc sống sau này của trẻ, đó là chú trọng phát triển sự tự tin (self-estime) và tính độc lập (independence) của mỗi cá thể.

Nền giáo dục châu Á luôn đề cao sự khiêm tốn, nhún nhường, cái tôi đặt sau cái chúng ta,. Tiếng nói con người thường chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như định kiến xã hội hay vị trí quyền lực và vật chất của người đó. Thứ tự cấp bậc từ trong gia đình đến ngoài xã hội đóng vai trò rất lớn. Con cái phải vâng lời cha mẹ, nhân viên tuân thủ sếp… Chính vì thế, việc dám nói điều mình nghĩ, dám làm điều mình muốn là một điều không đơn giản.

Ngay cả với thế hệ mình, một thế hệ sinh trưởng trong một xã hội khá cởi mở và hiện đại, thì sự tự tin vẫn là thách thức lớn. Chẳng thế mà một bài văn của các em học sinh dám đi ngược lại những khuôn mẫu thông thường được cho là hiện tượng, một thanh niên từ bỏ tấm bằng và những cơ hội việc làm ở nước ngoài để về nước nhảy sang hẳn một lĩnh vực hoàn toàn mới được cho là anh hùng… Trong khi đó, đây là một điều đương nhiên ở nước ngoài. Với họ, mỗi người chỉ sống một cuộc đời và sống đúng với mong muốn của bản thân chính là hạnh phúc. Nói cách khác, muốn hạnh phúc, trước tiên cần phải tự tin vào bản thân mình. Có tự tin thì mới độc lập được, và một khi đã độc lập thì sẽ càng thêm tự tin và hạnh phúc.

Mình rất ngại khi nhìn thấy nhiều đứa trẻ Việt nam 5-6 tuổi vẫn không biết tự xúc ăn, tự mặc áo quần hay tắm giặt; những thanh niên 19-20 đến giờ ăn vẫn ngồi đợi người khác múc cơm, dọn bàn … Với mình đó là những con người tội nghiệp. Lỗi thuộc về cha mẹ chứ không phải bản thân người đó.

Bí quyết dạy con tự tin của mẹ Canada - 4
Cha mẹ cần chú ý nuôi dưỡng sự tự tin và độc lập cho trẻ

Cha mẹ Canada ‘nuôi dưỡng’ sự tự tin và tính độc lập của con thế nào?

Sự tự tin được xây dựng từ những điều rất đơn giản như: bố mẹ luôn khen ngợi, động viên con mỗi khi con làm được việc tốt; nếu con làm sai có thể chê hành động chứ không bao giờ chê con người. Ví dụ: “Con tranh giành đồ chơi với bạn là không nên vì bạn sẽ buồn (khơi gợi sự cảm thông), lần sau bạn cũng không muốn cho con mượn đồ chơi nữa (hệ quả)”;  chứ không bao giờ nói “Con giành đồ chơi của bạn là hư lắm!” (đánh giá bản chất con người bé, làm mất sự tự tin ở trẻ). Rồi luôn hỏi ý kiến và tôn trọng chọn lựa của trẻ (ăn gì, mặc gì, thích cái nào …). Cha mẹ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi trẻ nếu mình sai. Những hành động rất nhỏ như ngồi xuống ngang tầm và nhìn vào mắt trẻ khi nói chuyện, không la hét, quát mắng con, luôn trả lời mỗi khi con hỏi… cũng đều thể hiện sự tôn trọng với trẻ, từ đó dẫn đến lòng tự tin.

Về tính độc lập với các bé tuổi mầm non thì chắc mọi người không còn xa lạ với các khái niệm như cho con ngủ riêng từ lúc lọt lòng, để con tự chọn áo quần, thức ăn, làm những điều nó muốn… cha mẹ chỉ đưa ra các chọn lựa và hướng dẫn, chứ không áp đặt, thúc ép.

Tất cả những điều trên nói thì dễ nhưng không phải bố mẹ nào cũng đủ kiên nhẫn để làm. Quan trọng là mình phải luôn có ý thức về nó, dần dần sẽ hình thành thói quen tốt.

Bí quyết dạy con tự tin của mẹ Canada - 5

Với chị, trong giáo dục trẻ con, giá trị nào là điều quan trọng nhất cần dạy cho bé?

Mình rất thích câu hỏi này vì vấn đề giá trị sống là điều được thế giới nói đến rất nhiều ngày hôm nay. Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi nền văn hoá, mỗi thế hệ lại có những quan niệm khác nhau về thành công và hạnh phúc.

Với bản thân mình, mình tâm đắc một câu nói của vị bác sĩ nổi tiếng người Mỹ, người đã mở ra một trào lưu giáo dục trẻ em đầy tính nhân văn từ mấy chục năm qua, Dr Williams Sears. Trong cuốn sách “Đứa trẻ thành công” (“The successful child) của mình, ông đã nói: “Sự thành công trong cuộc sống không được đo bằng lượng tiền bạn kiếm được hay những bằng cấp mà bạn có. Nó được đánh giá bởi số lượng người có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ có bạn”.

Điều này thực sự khiến mình phải suy nghĩ. Trong cuộc sống thiên nhiều về vật chất ngày nay, dường như chúng ta đang dần quên mất điều gì là thứ có giá trị đích thực. Tiền bạc, danh vọng không bao giờ là đủ và cũng không mang lại hạnh phúc. Tình cảm con người mới là cái đọng lại cuối cùng. Mình muốn Chíp lớn lên biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh, và cũng sẽ nhận lại được sự yêu thương ấm áp đó từ mọi người.

Vì vậy, mình luôn có ý thức dạy Chíp biết quan tâm đến cảm xúc của người khác, thông qua những trò chơi, ứng xử hàng ngày. Ví dụ, khi Chíp chơi đồ hàng, mình cho cháu đóng giả làm chị/mẹ hay cô giáo, còn các bạn búp bê, gấu bông là em/con/ học sinh. Chíp phải nhẹ nhàng chăm chút các bạn như thật, không được làm bạn đau hay buồn. Khi Chíp giành đồ chơi với bạn bè, mình cũng hay nhấn mạnh vào việc làm như thế các bạn sẽ buồn lắm, không muốn chơi với Chíp nữa.

Bây giờ Chíp hiểu lắm, mỗi khi thấy ai đau ở đâu Chíp sẽ chạy ra vuốt vuốt, thổi phù phù chỗ đau và bảo: “Nín đi, không sao đâu, Chíp thương”. Yêu lắm cơ!

Cảm ơn chị đã chia sẻ! Chúc gia đình chị luôn hạnh phúc!

 

 

theo: eva

Leave a Reply

Or