9 lỗi sai mà bố mẹ nào cũng mắc phải khi nuôi dạy con

Không ai có thể vỗ ngực xưng mình chưa bao giờ phạm sai lầm cả. Và sai lầm xảy ra không có nghĩa bạn là bố mẹ xấu; sai lầm xảy ra là để chúng ta rút kinh nghiệm và trở nên tốt hơn, và cũng để chúng ta có thể đọc, gật gù đồng cảm với nhau về 9 điều dưới đây:

Sai lầm 1: Căng thẳng quá mức khi con khóc

Hầu hết bố mẹ đều dễ liên hệ việc con khóc với bản thân đang làm điều gì đó sai, nhưng phần lớn trường hợp là không phải vậy. Trẻ sơ sinh có thể vẫn trong tình trạng sạch sẽ, đã ngủ đủ giấc, ăn đủ no mà vẫn khóc vì đó là cách mà các bé giao tiếp với thế giới này mà thôi.

Vậy bạn nên làm gì? Hãy bình tĩnh! Trong phần lớn trường hợp thì khóc lóc cũng bình thường như việc con ngủ hay thức dậy. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn khóc lâu mà không dỗ được, hoặc bé bị sốt, bị nổi sảy, bụng sưng căng lên, bị ói… bạn cần gọi ngay cho bác sỹ để hỏi cách xử trí.


(Ảnh: Internet)

Sai lầm 2: Đánh thức con dậy để cho bú

Đây không hẳn là sai lầm, vì việc này cần được thực hiện trong giai đoạn sơ sinh nếu con không tự động thức dậy sau mỗi 2-3 tiếng. Khi con còn rất nhỏ, mỗi lần bé chỉ bú được ít nên cần bú làm nhiều lần trong ngày, nhưng thông thường thì cơ thể con sẽ tự động có báo thức theo đúng nhu cầu này của mình.

Dần dần con sẽ ngủ được những giấc dài hơn. Đến khi con được khoảng 6 tháng, hầu hết các bé đã có đủ khả năng tiếp nhận và dự trữ năng lượng cần thiết để ngủ trọn đêm; bạn hãy để yên cho con ngủ vì lợi ích của cả hai!

Sai lầm 3: Nghĩ rằng trẻ sơ sinh bị sốt là bình thường và có thể tự khỏi

Trong ba tháng đầu đời của con, thân nhiệt cao quá 38oC được coi là trường hợp cấp cứu, chỉ trừ trường hợp ngoại lệ là bé bị sốt trong vòng 24 giờ sau khi tiêm ngừa. Một số bố mẹ cảm thấy con ấm ấm một chút và cho bé uống Tylenol, và đó thật là một sai lầm! Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa đủ khả năng để tự chống chọi với sự nhiễm trùng.

Vậy nên nếu bạn có cảm giác người con âm ấm, hãy đo nhiệt độ cho bé, nếu thấy quá 38oC thì hãy liên lạc ngay với bác sỹ.

Sai lầm 4: Không quan tâm lắm đến việc chăm sóc răng miệng cho con

Chăm sóc sức khỏe răng miệng là việc làm rất quan trọng với tất cả mọi người. Biết là vậy nhưng nhiều người nghĩ rằng vì con còn bé, răng miệng con vẫn còn sạch nên sẽ chẳng bị bệnh gì liên quan đến răng và nướu đâu. Nhưng không phải như vậy!

Không bao giờ là quá sớm để bạn quan tâm đến tình hình răng miệng của con, và khuyến khích con những thói quen tốt. Khi con chưa mọc răng, bạn làm sạch cho con bằng gạc; khi con được 1 tuổi, đã mọc răng, bạn dùng bàn chải mềm dành cho em bé để chải răng hàng ngày cho bé nhé!

Sai lầm 5: Hối con mau lớn

Nuôi con nhỏ cực trần ai! Bố mẹ kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần nên mong con mau lớn 1 chút để cuộc sống dễ thở hơn; hoặc bố mẹ nhìn con nhà người ta thấy già dặn, nhìn lại con mình thấy tồ tồ nên cũng ao ước con bằng bạn bằng bè. Nhưng thực tế là, hãy cứ để con bạn được tận hưởng tuổi thơ. Ai lớn lên rồi cũng thấy thời thơ ấu tuyệt biết bao nhiêu, được ngây thơ trong sáng, được tự do chơi đùa và khám phá… giục giã con mau lớn là bạn đang lấy mất của con những điều này, và không bao giờ có thể trả lại được.

Sai lầm 6: Xúi con ganh đua, vì tính bạn hơn thua

Mỗi bố mẹ đều có tính ganh đua cả, và thỉnh thoảng điều đó đi quá xa. Chẳng hạn, nếu con bạn thua ở cuộc thi bơi, bạn tức giận vì nghĩ rằng con không giỏi bằng những đứa trẻ khác… Ổ, không nên! Trẻ con cần được động viên để nỗ lực hết sức, vì thành công không đến dễ dàng hay là điều đương nhiên. Nhưng nếu áp đặt thái độ phải thắng bằng mọi giá, hãy coi chừng bạn đang làm hại tương lai của bé.

Vậy nên, hãy dạy con biết tranh đua nhưng với sự tôn trọng những đối thủ của mình, biết chúc mừng người thắng cuộc kể cả khi bé thua. Chấp nhận sự thật, không cay cú, rút kinh nghiệm để trở lại lợi hại hơn mới là thái độ cần có.


(Ảnh: Internet)

Sai lầm 7: Quên rằng hành động quan trọng hơn lời nói

Có thể bạn nghĩ mình đã dạy cho con nhiều bài học quý giá, nhưng trẻ con học nhiều từ hành động của bạn hơn lời nói đó nên nếu bạn đã dạy con ngăn nắp trong khi phòng bạn bày bừa thì cũng như không. Nếu bạn muốn con thành người tuyệt vời, chính bạn cũng hãy là người tuyệt vời trước, hay nói cách khác, hãy trở thành người mà bạn mong muốn ở con mình.

Nói thì dễ, làm thì khó! Bạn đừng chỉ nói mà hãy làm gương sáng cho con!

Sai lầm 8: Nuôi dạy con thành người mà bạn muốn

Ai cũng có những ước mơ về con mình, phải thừa nhận là như vậy – những ước mơ này đã bắt đầu từ khi bạn mang thai, trước cả khi biết giới tính con là gì. Nhưng điều mỉa mai của việc làm bố mẹ đó là con trẻ thường xáo tung lên mọi thứ, vì những điều bạn tưởng tượng thường không dựa vào tính cách, khả năng, những điều mà chính bé quan tâm.

Thật ra, việc của chúng ta là nhận ra xu hướng của con và những tài năng của bé để hỗ trợ bé phát triển những khả năng đó. Khi nhìn nhận con, ta mới có thể thành công làm điều tốt nhất cho cuộc sống của bé.

Sai lầm 9: Cho rằng con mình là vô địch!

Nhiều chuyên gia nói rằng nhiều bố mẹ không muốn nghe những điều tiêu cực về con mình. Khi những lo lắng được nêu ra, kể cả khi được nêu bằng giọng chân thành, yêu thương, có tính đóng góp nhất thì phản ứng của người làm bố mẹ cũng thường như con nhím xù lông.

Vậy phải làm gì? Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng, nhưng nếu ta lắng nghe với thái độ cởi mở, cầu thị thì sẽ đem lại được nhiều lợi ích cho con. Việc uốn nắn một đứa trẻ đang có vấn đề sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều đối phó với một người lớn đã bị hư tùm lum chỗ.

 Theo webtretho

Leave a Reply

Or