70 lần bế lên, đặt xuống tập cho con tự ngủ đêm 12 tiếng

Một tuần đầu tiên, con không những không ngủ mà còn khóc cả đêm, khiến chị Phúc My bấn loạn không biết đã làm sai điều gì.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển và trí thông minh của trẻ. Tuy nhiên, trong những tháng đầu đời, trẻ hầu như chưa ngủ vào nếp, không ít trẻ còn bị lẫn lộn ngày đêm, khiến cha mẹ mệt mỏi, căng thẳng. Chị Phúc My (TP HCM) cũng từng gặp phải vấn đề như thế và phải mất một quãng thời gian “vật vã” để tập cho con tự ngủ cũng như có giấc ngủ xuyên đêm. Bài viết về nội dung này của chị trên trang cá nhân nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Chị Phúc My chia sẻ: “Từ bệnh viện về nhà, trong tuần đầu tiên, Mimi (tên con gái của chị Phúc My) là một em bé rất ngoan, chỉ khóc khi đói, bú xong rồi lim dim một lúc là tự ngủ. Nhưng sang tuần thứ hai thì thôi rồi, con bắt đầu cho mình thấy con khó ngủ y như mình. Con kiên quyết không ngủ trên cũi, cứ bồng trên tay thì ngủ, đặt xuống là khóc, khóc từ 7h sáng đến 3h chiều. Đêm thì con vô cùng lộn xộn, có đêm con thức một lần, có đêm con thức hai lần, có đêm con thức nguyên đêm. Mình và chồng bấn loạn không biết thế nào mà đoán được con muốn gì, vừa mệt vừa lo con thiếu ngủ không lớn nổi. Cả đêm hai vợ chồng chỉ ngủ 2-3 tiếng.

Thế là mình lao đầu vào sách và các diễn đàn tìm hiểu về cách tập cho bé tự ngủ. Trước đó, mình đã được một chị bạn cho cuốn Baby whisperer solves all your problems (Tựa Việt Đọc vị mọi vấn đề của trẻ) nhưng mình vẫn khá mù mờ, không biết thực hiện thế nào. Mình đọc thêm cuốn Babywise (Tạm dịch Bé khôn ngoan) lại càng bấn loạn hơn. Ngày ngày ghi chép để tìm ra giờ giấc của con nhưng mình phát hiện Mimi không theo giờ giấc gì cả, mỗi ngày của con một khác.

be1.jpg

Bé ngủ đủ nên vui vẻ, không quấy khóc và ba mẹ cũng có nhiều thời gian cho mình.

Từ tuần thứ 5, mình bắt đầu luyện Mimi ăn ngủ theo giờ. Mình xác định mốc thời gian bắt đầu ngày là 7h sáng. Đúng 7h sáng, mình gọi con dậy, cho con bú, giữ cho con tỉnh táo trong khoảng 45 phút (waketime – thời gian thức của bé 5 tuần tuổi là 45 phút, sau thời gian thức này bé cần đi ngủ lại để đảm bảo giấc ngủ ngon, càng lớn thời gian này càng dài hơn). Lúc này, giữ cho con tỉnh táo là cực kỳ khó vì con cứ ngủ gà ngủ gật suốt. Mình phải làm mọi cách: lau mặt, thay tã, hát hò, la hét… Sau 45 phút, mình cho con đi ngủ.

Lúc này, mình vẫn rất nhát, không dám tập cho con tự ngủ, vẫn xót con, cứ bồng bế cho ngủ thì thôi, bồng bế không được thì đưa lên xe đẩy qua, đẩy lại. Con ngủ một giấc phải được 1,5 tiếng đến 2 tiếng, con cứ giật mình thì mình lại phải bồng ru lại. Khi con ngủ quá 2 tiếng thì mình lại gọi con dậy, cho bú, cho thức trong 45 phút, cứ lặp lại chu trình đó đến 19h thì cho con đi ngủ đêm. Giờ bú của con trong ngày là 7h-10h-13h-16h-19h, cứ thức 45 phút rồi ngủ, theo quy tắc bú-chơi-ngủ, ngày ngủ ba giấc dài, một giấc ngắn 45 phút buổi chiều, đến 19h thì mình không can thiệp nữa, để con ngủ thế nào thì ngủ.

Một tuần đầu tiên, đêm con không những không ngủ mà còn khóc cả đêm. Mình bấn loạn không hiểu làm sai cái gì, còn chồng thì trách vợ tập gì cho con mà con lại thế này. Nhưng mình vẫn kiên trì tiếp tục vì thật sự mình tin con sẽ làm được. Đến tuần thứ hai, 19h, con buồn ngủ gắt ầm cả lên, con ngủ thẳng từ 19h đến 2h sáng, bú xong rồi ngủ đến 7h sáng không cần mẹ gọi dậy. Mình quyết định dreamfeed cho con lúc 23h (dreamfeed là khi con ngủ, chủ động bồng con lên cho bú), kết quả con bỏ cữ 2h sáng, ngủ từ 19h đến 5h. Lịch bú của con khi này là 7h-10h-13h-16h-19h, dreamfeed lúc 23h, dậy bú lúc 5h sáng rồi ngủ và dậy lúc 7h để bắt đầu ngày mới. Mình và chồng đã có thể ngủ thẳng từ 23h đến 5h sáng khi con 2 tháng tuổi.

be2.jpg

Bé Mimi bây giờ đã được 7 tháng tuổi, nặng gần 9 kg, dài 72 cm. Ban ngày, bé thức được nhiều hơn, cứ 2,5 tiếng – 3 tiếng bé mới đi ngủ và ban đêm thì ngủ từ 20h30 tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau không bú, tự ngủ tất cả các giấc.

Qua đến tuần 12, khi mỗi ngày của con đều như nhau thì mình bắt đầu tập cho con tự ngủ. Cứ đến giờ ngủ, mình cho con vào phòng, con quen giờ nên buồn ngủ rũ rượi rồi, con khóc thì mình vào an ủi, cho con ngậm ti giả, vỗ vỗ vài cái, không bồng con lên. Trộm vía, Mimi chỉ khóc đúng 5 phút rồi ngủ và từ đó về sau, chỉ cần quấn lại, ngậm ti giả là ngủ rất nhanh. Sau đó có vài ngày con khó chịu, nghe con khóc, mình không chịu nổi thì chuyển qua dùng pick up/put down, tức là cứ khóc bồng lên, nín khóc đặt xuống. Mình nhớ mình phải làm liên tục 70 lần như thế, xót con vô cùng. Nhưng khoảng vài ngày thì con không khóc nữa, tự ngủ rất ngoan.

Hết tháng thứ ba, Mimi có biểu hiện lười bú, cứ thấy bình sữa là khóc thét, bú từ 100 ml giảm còn 50-60 ml mà phải ép, ngủ thì các giấc liên tục bị ngắn lại, không ngủ đc 1,5 tiếng-2 tiếng như trước nữa. Mình cho Mimi chuyển từ bú 3h/lần sang 4h/lần, cắt luôn cữ 5h sáng (vì bú 5h thì sáng con không chịu bú nữa). Mình tập lại cho con là thức 2 tiếng rồi mới đi ngủ, cứ thức 2 tiếng ngủ 2 tiếng, tối vẫn ngủ từ 19h, vẫn dreamfeed lúc 23h nhưng con thức dậy lúc 5h sáng thì để yên, tắt đèn cho con tự ngủ lại, con có la hét mình cũng để yên.

Sau hai tuần, con đã bỏ hẳn cữ 5h sáng, ngủ từ 19h hôm trước đến 7h sáng hôm sau (mình vẫn cho bé bú lúc 23h). Từ lúc cắt cữ đêm, giãn cữ ngày thì con bú nhiều hơn hẳn ở mỗi cữ. Lịch của con tháng thứ ba là 7h-11h-15h-19h, dreamfeed lúc 23h. Đến khi con 5 tháng, mình bỏ luôn dreamfeed lúc 23h đêm vì con lại có biểu hiện lười bú ban ngày. Mimi chỉ khó ngủ một đêm rồi qua đêm thứ 2 là ngủ thẳng 11-12 tiếng, không bú. Lúc này, con đã tự bỏ luôn ti giả, chỉ cần cho vào cũi, tắt đèn là con tự ngủ.

Viết ra thì thấy nhẹ nhàng nhưng thật sự đối với mình, những ngày đó như là cuộc chiến. Lần đầu nuôi con, mình lúc nào cũng hoang mang không biết mình có làm đúng hay không nhưng thấy con ăn ngon, ngủ ngoan là động lực để mình tiếp tục kiên trì. Mình tin bà mẹ nào cũng hết lòng vì con, dù nuôi con theo cách nào đi nữa”.

Theo ngoisao

14 thoughts on “70 lần bế lên, đặt xuống tập cho con tự ngủ đêm 12 tiếng

Leave a Reply

Or