5 hành vi tưởng vô hại nhưng cảnh báo trẻ có nguy cơ gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng
Con kén ăn, con hay đòi mua đồ chơi, con thường xuyên hỏi sâu về một tin tức nào đó… đều là những hành vi mà các cha mẹ cho là rất bình thường ở trẻ nhỏ.
Ai cũng biết trẻ em rất là tò mò hiếu động. Trẻ luôn cố gắng phá vỡ mọi quy tắc mà người lớn đặt ra. Theo các chuyên gia, khám phá và nghịch ngợm là một quá trình học tập rèn luyện trí thông minh, nuôi dưỡng sự sáng tạo và trí tưởng tượng.
Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, có một số hành vi tưởng chừng như vô hải ở trẻ nhưng thực ra lại là dấu hiệu cảnh báo về một điều gì đó nghiêm trọng liên quan đến tâm lý và sức khỏe của trẻ. Chẳng hạn như:
1. Trẻ rất kén ăn
Kén ăn vốn là căn bệnh chung của tất cả trẻ em. Song, một nghiên cứu của tiến sĩ Nancy Zucker – công tác tại khoa Tâm lý học Lâm sàng thuộc trường Đại học Duke (Mỹ), lại cho thấy những đứa trẻ quá kén ăn thường được chẩn đoán dễ mắc bệnh trầm cảm gấp 2 lần so với những đứa trẻ ăn được hầu hết mọi thứ.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 917 cha mẹ có con từ 24 – 71 tháng tuổi. Kết quả có đến 14 – 20% phụ huynh phàn nàn rằng con của họ, dù đã được 3 – 5 tuổi rồi, nhưng vẫn vô cùng kén ăn. Các nhà nghiên cứu lại tiếp tục khảo sát các bé kén ăn này. Và họ đã rút ra kết luận: Những đứa trẻ kén ăn vừa phải hoặc nghiêm trọng có nguy cơ mắc chứng lo âu gần gấp 2 lần so những đứa trẻ không kén ăn. Ngoài ra, những đứa trẻ này cũng dễ bị mắc phải chứng trầm cảm.
2. Trẻ “nhạy cảm” với quần áo
Có những đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm với những “sột soạt” do sợi chỉ thừa, nhãn mác hay những đường may của quần áo gây ra. Một số trẻ thì lại luôn chọn dép xỏ ngón để đi dù đang leo núi cùng gia đình, hay luôn cởi và mặc quần áo theo một trình tự nhất định.
Rất nhiều cha mẹ cho rằng những hành động này là bình thường. Nhưng các nhà tâm lý lại cảnh báo đây là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang lo lắng quá mức. Do đó, bạn nên đưa con đến gặp các nhà trị liệu để được can thiệp kịp thời.
3. Trẻ “nghiện” điện thoại, ipad
Trẻ em bây giờ rất thích sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng. Song, Tiến sĩ Samuel Hunley – chuyên khoa Tâm lý học nhận thức thuộc trường Đại học Emory (Georgia) cho biết nghiện các thiết bị công nghệ thông minh là một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng và căng thẳng. Bởi trẻ sợ rằng nếu mình rời khỏi điện thoại, ipad là sẽ bỏ lỡ một tin tức hay sự kiện gì đó quan trọng.
Tiến sĩ Samuel khuyên rằng nếu bạn thấy con mình dành quá nhiều thời gian để xem điện thoại thì hãy nói chuyện với con. Bạn có thể chơi hoặc xem cùng con và hỏi trẻ về những gì mà cả 2 đang xem. Có như vậy, bạn mới hiểu được điều gì đang làm con lo lắng.
4. Trẻ liên tục xin mua đồ chơi mới
Người lớn luôn nghĩ rằng đòi mua đồ chơi là đặc tính chung của mọi đứa trẻ, và nó sẽ chấm dứt khi trẻ lớn lên. Nhưng nhà tâm lý học nổi tiếng người Nga, Lyudmila Petranovskaya, cho biết xét dưới góc độ tâm lý, trẻ sẽ không đòi mua đồ chơi nếu con không cảm thấy lo lắng.
Khi phải chứng kiến cảnh bố mẹ tranh cãi nhau vì tiền, vì những khoản thu chi, trong tâm tưởng của trẻ sẽ hình thành và phát triển mô hình sự thiếu hụt về thế giới. Nói cách khác, trẻ nghĩ rằng thế giới thực là một nơi luôn thiếu thứ gì đó. Vì thế, con mới yêu cầu cha mẹ mua nhiều đồ chơi cho mình như một sự bù đắp, dù chưa chắc con đã đụng đến món đồ chơi đó.
Tiến sĩ Lyudmila lưu ý cha mẹ rằng không nên mua tất cả mọi thứ mà con đòi. Thay vào đó, bạn hãy ôm con, hôn con, nói chuyện và tâm sự với con. Những hành động này có giá trị hơn rất nhiều các món đồ chơi đắt tiền mà vô tri kia.
5. Trẻ liên tục tìm kiếm thông tin về một vấn đề nào đó
Tiến sĩ Kate Eshleman, nhà tâm lý học nhi khoa công tác tại bệnh viện Cleveland Clinic Children (Mỹ) nói: “Việc nghe ngóng các thông tin cũng có thể khiến trẻ em lo lắng, đặc biệt đó lại là những tin tức đáng sợ. Vì sự hiểu biết còn hạn chế nên trẻ sẽ liên tục hỏi han cha mẹ về những thông tin xoay quanh vụ việc, hoặc tự tìm sách báo, lên internet để đọc các thông tin có liên quan. Điều này chứng tỏ con của bạn đang ở trong một trạng thái lo lắng bất an”.
Điều cha mẹ cần làm lúc này chính là lắng nghe con nói, giải đáp mọi thắc mắc của con và trấn an tinh thần rằng “chuyện như vậy rất hiếm khi xảy ra”, hoặc “dù cho có chuyện gì thì bố/mẹ vẫn sẽ luôn bảo vệ con”.
Trong trường hợp trẻ thật sự lo lắng đến mức mất ăn mất ngủ, không thể tập trung làm bất cứ việc gì thì bạn nên đưa con đến gặp các nhà tâm lý trị liệu để được giúp đỡ.
Theo afamily