11 thay đổi của cơ thể sau sinh

Cơ thể bạn sẽ thay đổi như thế nào sau khi bạn sinh em bé? Đây chính là những trải nghiệm mà bạn sẽ gặp: tất tần tật những tay đổi từ đầu đến chân…

1. Rụng tóc
Một vài tuần sau khi sinh, tóc bạn bắt đầu rụng, và một ngày nào đó bạn có thể thấy mình đang mất đi một lượng tóc lớn. Mặc dù trong quá trình mang thai, bạn ít rụng tóc hơn do tác dụng của hormone estrogen giúp chu kỳ của tóc được kéo dài. Nhưng sau khi sinh, hormone estrogen sụt giảm nên ban lại bị rụng tóc nhiều hơn bình thường trong vòng sáu tháng đầu sau khi sinh. Nhưng đừng lo lắng – mái tóc của bạn sẽ sớm trở lại chu kỳ tăng trưởng bình thường của nó.

2. Da sáng hồng
Bạn sẽ phát hiện da mình trở nên sáng mịn hơn so với hồi mang bầu, thậm chí làn da sẽ đẹp hơn: mịn màng hơn, trắng hồng hơn. Khu vực da bị sậm màu xung quanh mắt bạn sẽ bắt đầu mờ dần. Nếu bị mụn trứng cá thời điểm mang thai, thì bây giờ mụn sẽ hết và vết thâm của mụn cũng ngày càng sáng hơn. Người ta nói “gái một con trông mòn con mắt” là vậy: bạn sẽ hồng hào, rạng rỡ hơn sau khi sinh con.

3. Ngực căng hơn
Có thể vài ngày sau sinh, ngực của bạn có thể sẽ sưng, đau và căng sữa. Khi tình trạng này giảm bớt, ngực của bạn sẽ mềm mại hơn nhưng lại bắt đầu hành trình chảy xệ do da bị kéo chùng trong thời kỳ căng sữa và do em bé bú. Việc của bạn là phải chăm sóc ngực cẩn thận bằng cách mặc áo ngực cho con bú chứ đừng để vòng 1 được tự do. Thỉnh thoảng massage ngực cũng giúp ngực đỡ chảy xệ. Bạn cũng cần phải cho con bú đúng tư thế.

4. Vùng bụng thon gọn
Ngay sau khi sinh, tử cung của bạn vẫn còn cứng và tròn và có thể được cảm nhận chỉ bằng cách chạm tay vào vùng bụng. Tình trạng này sẽ kéo dài vài tuần sau. Nhưng chỉ sáu tuần sau, bụng bạn sẽ gọn gàng hơn khi tử cung co lại và bạn không thể sờ thấy nó nữa. Sọc màu nâu ở ngay bụng cũng sẽ mờ dần và biến mất. Tuy nhiên, không may là những vết rạn da sẽ không biến mất, nó chỉ hơi mờ dần thôi.

5. Cơ lưng nhức mỏi
Bởi vì trong quá trình mang thai, cơ lưng đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đỡ bụng bầu, khi đó da bụng của bạn đang bị kéo căng. Sau khi sinh, cơ thể bạn phải mất một thời gian để cơ bụng co gọn lại, và đây cũng là lúc bạn cảm thấy lưng mỏi rã rời. Cơn đau lưng sẽ trở nên bớt dần sau 6 tuần đầu sau sinh, khi cơ thể của bạn gần như đã phục hồi hoàn toàn.

sau-sinh-2

6. Khó kiểm soát đường tiểu
Sau khi sinh, sẽ chẳng còn em bé đè lên bàng quang của bạn nữa, nên bạn không đi tiểu thường xuyên. Nhưng áp lực lên niệu đạo khi bạn “quan hệ” có thể làm cho đi tiểu sau sinh khó khăn hơn. Các bà mẹ mới sinh cũng có thể bị són tiểu, tiểu không tự chủ, hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể gây ra cảm giác bỏng rát khi đi tiểu.

7. Táo bón
Nếu bạn bị táo bón trong thời kỳ mang thai, bạn vẫn có thể gặp vấn đề với táo bón ngay cả sau khi bạn sinh con. Bị cắt tầng sinh môn khi sinh hoặc bị trĩ khi mang thai có thể làm cho tình hình táo bón thêm thê thảm, do bạn nhạy cảm với cơn đau. Một chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước, sữa, và nước trái cây có thể giúp bạn giảm đau và giảm tình trạng táo bón.

8. Đau âm đạo
Âm đạo của bạn có thể trở nên căng và đau sau khi quan hệ trở lại. Nếu bạn đã bị cắt tầng sinh môn, thì những lần quan hệ đầu tiên sau khi sinh sẽ khiến bạn đau, thốn như thể lần đầu làm chuyện ấy. Bạn thường có thể bắt đầu có quan hệ tình dục vào thời gian khoảng 3-4 tuần sau sinh, thậm chí lâu hơn nữa tùy vào thể trạng cơ thể và do phương pháp sinh (sinh thường hay sinh mổ). Nếu bạn đang cho con bú, bạn có thể gặp tình trạng khô âm đạo, khiến mỗi khi giao hợp rất khó chịu. Lúc này, gel bôi trơn có thể là giải pháp thích hợp, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng. Khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn trở lại bình thường, tình trạng khô âm đạo có thể được cải thiện một cách tự nhiên.

9. Chân và tình trạng giãn tĩnh mạch
Tình trạng phù nề, sưng ở chân mà bạn đã trải qua trong thời kỳ mang thai sẽ làm giảm rất nhanh sau khi sinh. Tuy nhiên, một số phụ nữ bắt đầu trải qua tình trạng giãn tĩnh mạch ở chân sau sinh với các triệu chừng: chân tê buốt, mạch máu nổi lên, chuột rút, mỏi nhừ… Nếu điều này xảy ra với bạn, giải pháp tốt nhất là đi bộ. Tuy nhiên, tình trạng chỉ có thể giảm bớt chứ không bao giờ biến mất hoàn toàn.

10. Mồ hôi đầm đìa
Bạn có thể bắt đầu trải qua tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều vào ban đêm sau khi sinh: có sản phụ chảy mồ hôi đầm đìa, thậm chí ướt đẫm cả áo lẫn chăn, một ngày thay đồ mấy lần… Điều này là do cơ thể bạn cần bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể được tích lũy từ thời gian mang thai. Nhưng các mẹ yên tâm, nếu không phải là trạng thái bệnh lý. Hiện tượng tiết nhiều mồ hôi sau sinh sẽ chuyển biến tốt sau sinh khoảng 1-2 tuần.

11. Năng lượng trồi sụt
Một số bà mẹ mới nói rằng họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn so với họ trước khi mang thai. Một số khác cho rằng do kiệt sức sau chuyến sinh nở, chăm sóc cho trẻ sơ sinh, và trọng lượng cơ thể dư thừa làm cho họ cảm thấy chậm chạp và thất thường. Tình trạng năng lượng thất thường này sẽ sớm ổn định, nếu bạn coi trọng việc sống lành mạnh và chăm tập luyện.

Theo afamily

Leave a Reply

Or