Nên làm gì khi con không hòa đồng với các bạn?

Chắc rằng khi thấy con mình cứ thui thủi chơi một mình, phụ huynh nào cũng sẽ cảm thấy lo lắng “Không biết con mình có hòa đồng được với các bạn khác hay không?”.

Mỗi đứa trẻ đều có một tính cách cũng như cách suy nghĩ và hành động của riêng mình, không bé nào giống bé nào. Có những bé thích chủ động bắt chuyện với các bạn, nhưng cũng có những bé khá nhút nhát và sợ người lạ.

Trong nhà trẻ hoặc ở công viên, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều bé chỉ chơi một mình. Và các bé này thường hết sức chăm chú vào trò chơi mà mình đang chơi. Cha mẹ có thể cho rằng “Rủ bạn chơi cùng có phải vui hơn không”, tuy nhiên trên thực tế, thời gian “chơi một mình” này vô cùng quan trọng đối với bé. Đó là vì chỉ khi trẻ nhỏ có thể chơi một trò chơi nào đó một cách thuần thục khi chơi một mình thì đứa trẻ đó mới có thể kết hợp ăn ý khi chơi trò chơi đó cùng với những đứa trẻ khác. Do đó, khi con còn nhỏ (khoảng 3 tuổi), cha mẹ không cần phải quá lo lắng nếu bé chỉ thích chơi một mình vào giai đoạn này.

Dù nói vậy nhưng chắc rằng ông bố bà mẹ nào cũng mong rằng khi lớn lên con mình có thể giao tiếp và hòa đồng với các bạn.

Giao tiếp là “nói cho đối phương biết ý kiến hay suy nghĩ của mình và cùng đối phương trao đổi để thống nhất ý kiến về một vấn đề nào đó”. Con người chúng ta không thể sống mà không tiếp xúc với người khác, do đó giao tiếp là kỹ năng vô cùng cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy, việc các bậc cha mẹ mong muốn con mình có kỹ năng giao tiếp tốt là điều hiển nhiên. Tuy vậy, dù bạn có nói với con “Con ra chơi với các bạn đi!” hay “Con rủ bạn chơi cùng đi!” thì cũng có nhiều bé không thể làm được điều này. Đó là vì bé không biết phải làm sao để rủ bạn chơi cùng hay bắt chuyện với bạn.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những việc cha mẹ có thể làm để giúp con mình dễ giao tiếp và hòa đồng với bạn bè.

Không chê bai hay ép buộc con

Nếu bạn chê bai con “Không hòa đồng với các bạn là không được đâu con” hoặc ép con “Con ra bắt chuyện với các bạn đi!” thì vô hình chung bạn sẽ tạo áp lực cho con mình. Thậm chí điều này còn có thể khiến bé cảm thấy không thích hoặc ngại giao tiếp với người khác.

Chủ động nói chuyện với con và thường xuyên lắng nghe câu chuyện con kể

Cha mẹ nên tích cực nói chuyện và giao tiếp với con mình. Khả năng giao tiếp không thể tự có nếu không được rèn luyện thường xuyên. Nếu thường ngày cha mẹ chủ động bắt chuyện với con bằng cách dùng những từ ngữ dễ hiểu và có hiệu quả trong giao tiếp thì con cũng sẽ dần dần học được cách nói chuyện đó của cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ nên tích cực chủ động bắt chuyện với con mình.

Một điều quan trọng nữa là thường xuyên lắng nghe câu chuyện con kể. Khi bận rộn, các ông bố bà mẹ thường có xu hướng lười nghe các câu chuyện con kể. Bởi vậy, khi con bắt chuyện thì bạn nhớ nhìn vào mắt con và chú ý lắng nghe câu chuyện của con nhé.

Bằng cách này, bé sẽ trau dồi được khả năng ngôn ngữ, cũng như học được cách truyền đạt ý muốn của mình đến người khác.

Cho con thấy cảnh cha mẹ nói chuyện với người khác

Con cái thường thích quan sát những gì cha mẹ làm. Bởi vậy, những cuộc hội thoại của cha mẹ với mọi người trong nhà như khi cha mẹ nói chuyện với nhau, hay khi cha mẹ nói chuyện với anh chị em trong nhà cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới khả năng giao tiếp của bé. Nếu để con quan sát phương thức cả nhà nói chuyện vui vẻ với nhau thì thông qua những tình huống đó, con bạn cũng sẽ học được cách giao tiếp thường ngày.

Ngoài ra, không chỉ trong những cuộc hội thoại với người thân trong nhà, mà ngay cả khi nói chuyện với người quen hay hàng xóm, cha mẹ cũng nên tích cực chủ động giao tiếp với mọi người để trở thành tấm gương tốt cho con mình.

Cha mẹ cũng có thể thử chơi cùng với bạn bè của con

Các bé không thể bắt chuyện với bạn bè hay không thể hòa đồng với bạn bè thường là các bé nhút nhát và sợ phải bắt chuyện người khác. Cũng giống như người lớn có người ngại tiếp xúc với người khác thì trẻ em cũng có những bé ngại giao tiếp.

Nếu con bạn không thể tự mình bắt chuyện với các bạn thì bạn có thể thử cùng con chơi với các bạn của con. Chỉ cần cha mẹ tạo ra cơ hội để con bắt chuyện với những bạn khác thì con bạn sẽ không cảm thấy căng thẳng và dễ hòa nhập hơn với mọi người.

Khi đó, bạn hãy chơi hết mình cùng con và các bạn của con. Và có thể, khi bạn nhận ra thì con bạn không biết từ lúc nào đã trở nên thân thiết với các bạn khác rồi.

Nguồn: world-mommy

Leave a Reply

Or