“Giải cứu” mẹ bầu thoát khỏi mệt mỏi

Biết cách chăm sóc thì mẹ chẳng mệt chút nào suốt hành trình bầu bí.

Giai đoạn mang thai có lẽ là thời gian mang đến nhiều thay đổi “khó chịu” nhất đối với cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng giống ai, có người mắc triệu chứng này, có người mắc triệu chứng khác; có thể là một chút thoáng qua những cũng có thể kéo dài; hay là xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn. Cùng điểm mặt những thay đổi tưởng chừng như bất thường nhưng lại hoàn toàn bình thường đối với bà bầu và cách chăm sóc:

Núi đôi đau nhức

Ngực của phụ nữ mang thai sẽ tăng kích thước do sự phát triển của tuyến sữa và sự to ra của các mô mỡ. Bạn còn cảm thấy đôi gò bồng đào của mình cương lên, nhạy cảm hơn và có cảm giác hơi đau trong những tháng đầu tiên và tháng cuối cùng của thời gian mang thai. Có thể bạn sẽ nhìn thấy các đường tĩnh mạch xanh nổi lên, nguyên nhân là để tăng nguồn cung cấp máu cho cơ thể. Núm vú sẫm màu hơn và có người còn rò rỉ cả sữa non ngay từ khi mang thai.

Cách chăm sóc:

– Thay đổi kích thước áo ngực lớn hơn và có khả năng hỗ trợ tốt.

– Nên chọn áo ngực có chất liệu cotton hoặc sợi tự nhiên.

– Dùng thêm một chiếc khăn bông hoặc miếng gạc lót vào đầu núm vủ để thấm sữa non nếu có rò rỉ và nhớ thay thường xuyên chiếc khăn hoặc tấm gạc này để đảm bảo vệ sinh.

– Massage ngực bằng nước ấm và hạn chế sử dụng xà phòng hoặc các sản phẩm khác để tránh gây khô da.

"Giải cứu" mẹ bầu thoát khỏi mệt mỏi - 1
Ngực của phụ nữ mang thai sẽ tăng kích thước do sự phát triển của tuyến sữa và sự to ra của các mô mỡ. (ảnh minh họa)

Cảm thấy mệt mỏi hơn

Mệt mỏi là dấu hiệu phổ biến trong giai đoạn thai kỳ. Nguyên nhân có thể là do khi em bé đang lớn thì yêu cầu về năng lượng tăng dần, đôi khi đó cũng là dấu hiệu của bệnh thiếu sắt.

Cách chăm sóc:

– Bầu bầu nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, nên đi ngủ sớm và ngủ nhiều hơn.

– Giữ nhịp sinh hoạt đều đặn và hạn chế những thay đổi bất thường.

– Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi.

– Luyện tập thể dục hàng ngày để tăng sức đề kháng.

– Kiểm tra mức độ thiếu máu (nếu có) để kịp thời có biện pháp bổ sung lượng sắt cần thiết.

Buồn nôn và nôn ói

Hiện tượng buồn nôn và nôn ói rất phổ biến đối với phụ nữ ở giai đoạn đầu mang thai khi cơ thể người mẹ phải thích nghị với nồng độ hooc môn cao hơn do thay đổi nội tiết tố.

Chị Lan Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Mình vừa thoát ra khỏi giai đoạn ốm nghén, thật là một chuỗi ngày “đáng sợ”. Ba tháng liền mình cứ hễ ăn là nôn, sáng dậy chưa có gì trong bụng cũng buồn nôn, chỉ cần ngửi mùi hành tỏi phi thôi cũng buồn nôn,… Cũng may là bầu đến tháng thứ tư thì cảm thấy khỏe hơn và ăn uống tốt lên nữa.”

Mức độ “ốm nghén” của từng người cũng khác nhau, nặng thì có thể như trường hợp của chị Lan Anh nhưng cũng có người không hề nôn ói khi mang thai. Hiện tượng này sẽ biến mất từ tháng thứ tư của thai kỳ. Nó có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng thường xuyên hơn là vào buổi sáng khi đói.

Cách chăm sóc:

– Nếu bạn buồn nôn vào buổi sáng thì nên ăn các loại thực phẩm khô như ngũ cốc, bánh mỳ, bánh quy trước khi ra khỏi giường. Và thử ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein như thịt nạc hoặc pho mát trước khi đi ngủ.

– Ăn nhiều bữa (khoảng 2-3 giờ) với một lượng vừa phải thay vì chỉ ăn 3 bữa chính. Ăn chậm và nhai thật kỹ.

– Khi uống nước cũng uống từng ngụm nhỏ. Nên chọn các loại nước trái cây bổ dưỡng như nước ép táo, nước nho,…

– Tránh ăn thức ăn cay, chiên hoặc nhiều dầu mỡ. Nếu cảm thấy khó chịu và buồn nôn khi ngửi mùi thức ăn thì nên ăn khi thức ăn đã nguội.

– Ngậm một lát gừng có thể chống buồn nôn.

– Lưu ý, tình trạng ăn đến đâu nôn trớ đến đó kéo dài có thể gây mất nước và cần phải được điều trị sớm. Khi đó bạn nên đi khám bác sĩ để nhận được các hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

4. Đi tiểu thường xuyên

Liên tục mót tiểu là câu chuyện của các bà bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt thứ ba, nguyên nhân là do sự chèn ép của cơ thể em bé vào bàng quang người mẹ.

Cách chăm sóc:

– Không mặc đồ lót và quần áo bó sát.

– Nếu cảm thấy đau rát khi đi tiểu thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn cần đi kiểm tra tại các cơ sở y tế để phát hiện bệnh và có hướng điều trị sớm.

"Giải cứu" mẹ bầu thoát khỏi mệt mỏi - 2
Liên tục mót tiểu là câu chuyện của các bà bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt thứ ba. (ảnh minh họa)

5. Nướu bị sưng và dễ bị chảy máu chân răng

Một thay đổi không mong muốn có thể xảy ra cho bà bầu đó làm vấn đề về răng miệng. Do thay đổi lưu lượng lưu thông máu và nồng độ hooc môn có thể khiến cho nướu sưng lên và mềm hơn. Vì thế mà rất dễ bị chảy máu chân răng mỗi khi đánh răng hay có tác động.

Cách chăm sóc:

– Nên kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên trong giai đoạn thai kỳ và đến gặp nha sĩ nếu thấy có vấn đề cụ thể.

– Đánh răng nhẹ nhàng và sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên.

6. Táo bón

Các nguyên nhân gây táo bón ở phụ nữ mang thai có thể kể đến việc thay đổi hooc môn, việc uống bổ sung chất sắt hoặc do áp lực của tử cung lên trực tràng.

Cách chăm sóc:

– Bố sung thêm chất xơ (như các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau củ) vào chế độ ăn uống của bạn.

– Uống nhiều nước hàng mỗi ngày (ít nhất 6-8 ly nước và 1-2 ly nước trái cây).

– Uống nước ấm, đặc biệt là vào buổi sáng.

– Tập thể dục hàng ngày .

– Tránh căng thẳng khi đi tiêu.

– Nếu cần thiết có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng.

7. Khó ngủ khi mang thai

Chị Hạnh Nguyên (Thanh Hóa) tâm sự: “Mình thấy ở cơ quan mình có chị nghén ngủ. Chị ấy nói lúc nào cũng thèm ngủ, đi làm có những lúc chị ấy phải tựa vào ghế chợp mắt một lúc rồi mới dậy làm việc tiếp được. Ngược lại với mình, mang thai đến tháng thứ sáu trở đi mình thấy rất khó ngủ. Nằm lên giường rồi mà cứ thấy “bứt rứt” trong người, xoay bên nọ, trở bên kia mãi mà cũng khó mà ngủ ngay được”. Thực tế, vấn đề của chị Hạnh Nguyên không phải là bất thường. Có rất nhiều phụ nữ cảm thấy khó mà có được một vị trí nằm thoải mái để có thể thư giãn trong thời kỳ mang thai.

Cách chăm sóc:

– Tuyệt đối không sử dụng thuốc ngủ.

– Thử uống sữa ấm hoặc tắm bằng nước ấm trước khi đi ngủ.

– Sử dụng thêm gối mềm để đặt vào dưới lưng, đỡ phần bụng hoặc giữa hai đầu gối để hạn chế căng cơ và hỗ trợ nâng đỡ cơ thể.

– Nên nằm nghiêng về bên trái để cải thiện lưu thông máu khắp cơ thể.

8. Chuột rút

Áp lực từ tử cung ngày càng tăng có thể gây ra chuột rút ở chân hoặc cảm giác đau nhói dưới chân của bạn.

Cách chăm sóc:

– Bổ sung các loại thức phẩm giàu canxi (như sữa, bông cải xanh hoặc pho mát).

– Mặc đồ thật thoải mái và đi giày gót thấp.

– Duy trì việc tập thể dục hàng ngày.

– Duỗi chân trước khi đi ngủ.

– Tránh nằm ngửa vì trọng lượng của cơ thể và áp lực của tử cung mở rộng có thể làm chậm sự lưu thông máu ở chân, gây ra chuột rút.

– Xoa bóp hoặc chườm nóng khi bị chuột rút.

"Giải cứu" mẹ bầu thoát khỏi mệt mỏi - 3
Áp lực từ tử cung ngày càng tăng có thể gây ra chuột rút ở chân hoặc cảm giác đau nhói dưới chân của bạn. (ảnh minh họa)

9. Phù chân

Một thay đổi dễ nhận thấy ở phụ nữ mang thai đó là phải tăng cỡ giày dép do bàn chân sưng (phù) lên. “Mình mới có thai đến tháng thứ 5 mà đã chân và bàn chân đã bị phù trông thấy. Nghe mọi người nói có thể là dấu hiệu của ngộ độc thai nghén. Mình lo quá đi khám mấy nơi liền. Cũng may là các bác sĩ đều bảo cả mẹ và con đều khỏe mạnh bình thường”, chị Bích Ngọc (Nghệ An) tâm sự.

Đa phần các trường hợp sưng, phù chân ở phụ nữ mang thai là hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân là do áp lực từ tử cung lên các mạch máu khiến cho phần cơ thể phía dưới bị giữ nước. Kết quả là sưng (phù) ở chân và bàn chân.

Cách chăm sóc:

– Không nên đứng quá lâu hoặc để chân ở một vị trí cố định quá lâu.

– Uống nhiều nước (ít nhất 6-8 ly nước một ngày).

– Nâng cao chân và bàn chân trong khi ngồi.

– Mặc quần áo thoải mái do quần áo bó sát có thể làm chậm lưu thông, tăng giữ nước.

– Không đi giày chật, chọn loại giày đế thấp, mềm mại và có phần gót rộng.

– Tránh các thức ăn nhiều muối.

– Giữ chế độ ăn uống của bạn giàu protein, quá ít protein có thể gây giữ nước.

– Ngay lập tức đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu tay và mặt sưng lên vì đây có thể là một dấu hiệu của tiền sản giật.

10. Đau lưng

Đau lưng ở phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ thường có nguyên nhân bởi áp lực từ trong lượng cơ thể của em bé, do hàm lượng hooc môn trong cơ thể thay đổi, và những thay đổi trong tư thế của người mẹ.

Cách chăm sóc:

– Nên đi giày đế bệt và bằng, hạn chế và nếu không cần thiết thì không nên đi giày cao gót.

– Tránh nâng các vật nặng.

– Khi cần lấy những vật ở dưới thấp, thay vì cúi xuống thì nên ngồi xổm.

– Không đứng quá lâu.

– Nên ngồi ghế có tựa lưng, có thể lót một chiếc gối nhỏ phía sau lưng khi ngồi. Ngoài ra, có thể bố trí vật kê chân để đảm bảo tư thế ngồi thoải mái nhất.

– Chọn loại giường êm ái. Tư thế ngủ hợp lý là nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai chân.

– Luôn duy trì tư thế đứng ngồi tốt. Đứng thẳng sẽ giảm bớt căng thẳng trên lưng của bạn.- Nếu có dấu hiệu đau ở phần lưng dưới xung quanh khu vực dạ dày, bạn nên đi khám bác sĩ vì điều này có thể là dấu hiệu của nguy cơ sinh non.

 

theo: eva

Leave a Reply

Or